Hải Phòng: Bắt ruộng sâu trũng bị bỏ hoang 'đẻ ra vàng'
Khu vực ruộng sâu trũng ven sông Đa Độ thuộc địa phận xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng bị bỏ hoang trước kia giờ đã trở thành những đầm sen ngút ngàn.
Sen về thay thế cỏ dại
Qua cầu vượt sông Đa Độ đoạn cuối của Tỉnh lộ 363 mới được hoàn thành là đến địa phận xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng. Trong câu chuyện với các bà, các chị, các mẹ bày sạp bán tất tần tật những gì liên quan đến loài cây “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, từ lá, hoa đến củ, ngó sen, ở 2 bên vệ đường, chẳng ai còn nhắc đến tuyến đường nội đồng khấp khểnh khó đi, những chân ruộng sâu trũng do khó canh tác nên phần nhiều bị bỏ hoang để mặc cỏ dại mọc quá đầu người.
Điều mà người dân xã Hữu Bằng giờ hay nhắc tới trong câu chuyện với khách phương xa là nhà chị Nhâm ở thôn trên mỗi năm thu lãi tiền tỷ nhờ ruộng sen rộng lớn. Hay chuyện anh Đoàn ở xóm dưới bỏ nghề lái xe, rồi “mạnh tay” thuê tới 5 mẫu ruộng bỏ hoang để trồng sen. Nhờ chăm chỉ chịu khó, mỗi năm gia đình anh Đoàn “đút ống” cả nửa tỷ đồng. Hoặc về dự định của gia đình, trong vụ tới sẽ thuê thêm ruộng để thả sen kết hợp với nuôi cá. Với họ, những cánh đồng sâu trũng vốn là "của nợ" trước kia, giờ thành tài sản giá trị được ví với đất "đẻ ra vàng".
Sen về thay thế cỏ dại làm người dân vui một, thì với chính quyền xã Hữu Bằng, niềm vui đó nhân lên gấp nhiều lần. Bởi, đó là “lời giải” tuyệt vời hơn cả đáp áp mẫu cho “bài toán” đất canh tác, nhất là những chân ruộng sâu trũng, bị bỏ hoang nhiều năm.
Trò chuyện với Người Đưa Tin về niềm vui lớn nhất đối với chính quyền, người dân địa phương bên cạnh “quả ngọt” của quá trình xây dựng nông thôn mới, đại diện lãnh đạo UBND xã Hữu Bằng cho biết, khoảng 5 năm trở về trước, khi các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài huyện mọc lên ngày một nhiều, lớp thanh niên rời bỏ đồng ruộng đi làm công nhân để khỏi chịu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”.
Tình trạng thiếu lao động, thêm khó canh tác, cấy lúa năng suất thấp, khiến những chân ruộng rộng lớn ven sông Đa Độ thuộc địa phận xã Hữu Bằng liên tục bị bỏ hoang hết vụ này đến vụ khác như “vết dầu loang”. Trước tình cảnh ấy, chính quyền địa phương liên tục vận động, tuyên truyền người dân canh tác trở lại, nhưng không cải thiện được tình hình vì nhiều nhà cấy lúa nhưng giá trị lượng thóc thu hoạch được không đủ để trả tiền công làm đất, mua thóc giống, thuê nhân công cấy, gặt…
Khoảng 5 năm trước, nhờ trào lưu trồng sen, thả cá vừa có thu nhập từ bán cá, bán hoa, lá, ngó, củ sen, lại kiếm được khoản tiền không nhỏ khi làm thêm dịch vụ chụp ảnh thời điểm sen nở rộ, những chân ruộng sâu trũng bị bỏ hoang nhiều năm ở xã Hữu Bằng vơi dần nhường chỗ cho sen. Nhất là từ khi dịch bệnh COVID-19 được ngăn chặn, khống chế và bị đẩy lùi, sản phẩm từ sen ở Hữu Bằng có điều kiện thuận lợi tìm đến thị trường Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh…
Trồng sen không làm hỏng ruộng
Đó là khẳng định chắc như “đinh đóng cột” của anh Nguyễn Duy Thảo, thành viên HTX sen Hữu Bằng. Anh Thảo cho biết, trước đây, người dân Hữu Bằng quê anh thà để cho cỏ dại mọc chứ không trồng sen vì sợ sen sẽ làm hỏng ruộng. Họ cho rằng trồng sen dễ, nhưng phá đi khó. Bên cạnh đó, do cần lượng dinh dưỡng lớn phục vụ cho quá trình sinh trưởng và phát triển, nên cây sen sẽ làm đất bạc màu.
Thực tế, sen cũng giống nhiều loại cây trồng ưa nước khác, ngoài lấy từ đất, rễ cây hấp thụ thêm các chất cần thiết trong nước. Bên cạnh đó, có thể bổ sung chất dinh dưỡng cho cây thông qua bón lót bằng phân chuồng, bón thêm các loại phân bón hóa học, phân bón hữu cơ… Khi không trồng sen mà chuyển sang cấy lúa hoặc trồng loại cây khác, chờ thời điểm sen ra hoa mà thuê máy lồng vùi xuống bùn, vụ sau sen sẽ hoàn toàn biến mất khỏi ruộng.
Bên cạnh đó, ít loại cây trồng nào có thể thu hoạch tất tần tật các bộ phận như cây sen, từ củ, ngó, hoa, hạt, tâm đến lá. Thậm chí, thân cây tưởng chừng bỏ đi cũng được một số đơn vị thu mua để lấy tơ phục vụ ngành dệt.
Chính vì trồng sen có được cái sự “trăm lợi”, 4 năm trước, anh Nguyễn Duy Thảo bỏ công việc kinh doanh phân bón đang thuận lợi về quê thuê ruộng bỏ hoang để cải tạo trồng sen. Tháng 11/2022, anh thống nhất với vợ là chị Đoàn Thị Hương hợp tác cùng với 7 gia đình khác trong xã thành lập HTX sen Hữu Bằng. Theo “truyền thống” của quê hương, anh Thảo “nhường” cho vợ làm giám đốc HTX, còn mình đảm nhận công việc làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch, chế biến các sản phẩm từ sen. Mặc dù mới thành lập được khoảng 8 tháng với vỏn vẹn 8 thành viên, nhưng hiện HTX sen Hữu Bằng có diện tích trồng sen lên tới 25 ha, chiếm khoảng 60% diện tích đất trồng sen của toàn xã Hữu Bằng.
“Trồng sen tuy vất vả, nhưng bù lại thu nhập cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa tại những chân ruộng “bờ xôi, ruộng mật”, khoảng 6-10 triệu đồng/sào/năm. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, thời gian qua, HTX sen Hữu Bằng cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm như tinh bột sen, trà tâm sen, củ sen sấy giòn… Mỗi tháng những sản phẩm này đem lại nguồn thu 50-70 triệu đồng. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu sản phẩm trà lá sen túi lọc cũng như hoàn thiện các thủ tục đề nghị Tp.Hải Phòng xét công nhận sản phẩm OCOP đối với 3 sản phẩm: tinh bột sen, mứt củ sen, trà tâm sen”, anh Thảo tâm sự.
Từ Hữu Bằng, cây sen đang dần lấn át cỏ dại tại những chân ruộng bị bỏ hoang nhiều năm ở một số xã trên địa bàn huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, như các xã: Đại Đồng, Thụy Hương… Không những thế, noi gương những người có được thu nhập cao từ cây sen, trong số lớp trẻ ở xã Hữu Bằng nói riêng, huyện Kiến Thụy nói chung đã “đoạn tuyệt” với nghề nông vốn lam lũ, vất vả, nhiều người đã hoặc đang tính chuyện trở lại gắn bó và làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.