Hải Phòng: Công an vào cuộc giải quyết 'vấn nạn' lang thang, ăn xin
Công an Hải Phòng vừa có công văn yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tập trung phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang, ăn xin trên địa bàn.
Khu vực hàng quán cạnh một siêu thị lớn trên địa bàn quận Lê Chân, Tp.Hải Phòng, lúc hơn 8 giờ tối một ngày giữa tháng 6/2024, khi thực khách đã gần kín chỗ, người bán hàng rong, ăn xin bắt đầu “bủa vây”.
Sau khi cho tiền cha con người khuyết tật, anh Quyết - thực khách đến từ huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng, than thở, những tưởng buổi tối đi uống mấy cốc bia được thoải mái, thư giãn, ai ngờ bị người bán hàng rong, ăn xin liên tục làm phiền.
Theo quan sát, cứ cách khoảng 15 phút, lại có người bán tăm, bông ngoáy tai, móc chìa khóa, hoa quả gọt sẵn đóng đĩa, ăn xin, đến từng bàn của thực khách chèo kéo mua hàng, xin tiền. Không ít người móc hầu bao cho, mua để được yên thân.
Chủ quán cho biết, mặc dù thực khách rất khó chịu, nhưng cấm và xua đuổi không xuể. Có trường hợp, không cho người bán hàng rong, người xin tiền vào quán, ngày hôm sau có người đến “nói chuyện”.
Không chỉ khu vực kể trên, mà nhiều khu vực có đông quán ăn, quán nước, buổi tối nhan nhản cảnh người bán hàng rong, người xin tiền liên tục làm phiền thực khách.
Ngoài ra, tại một số ngã tư tại Tp.Hải Phòng, tranh thủ lúc người tham gia giao thông chờ đèn đỏ, người hát rong, xin tiền lại tranh thủ “hành nghề”. Điều này không những gây khó chịu cho người đi đường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trước thực trạng này, Tp.Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp thu gom, tập trung người lang thang trên địa bàn. Trong đó, năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố đã phối hợp thu gom hơn 300 lượt người lang thang đưa đến lưu trú và chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Còn từ đầu năm đến đầu tháng 6/2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tp.Hải Phòng đã phối hợp thu gom hơn 150 lượt người lang thang.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, tình trạng người lang thang xin tiền, bán hàng rong trên địa bàn Tp.Hải Phòng vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Thực tế này không những ảnh hưởng đến hình ảnh của Tp.Hải Phòng trong mắt du khách, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Trước thực trạng này, giữa tháng 6/2024, Công an Tp.Hải Phòng đã ban hành Công văn về việc tăng cường công tác tập trung người ăn xin, người lang thang trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, Giám đốc Công an Tp.Hải Phòng yêu cầu Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội trực thuộc đơn vị chủ động phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để có phương án giải quyết triệt để các trường hợp người ăn xin, người lang thang, người khuyết tật trên toàn địa bàn.
Ngoài ra, trên cơ sở theo dõi công tác quản lý dân cư, đơn vị có trách nhiệm đôn đốc công an các địa phương rà soát, giải quyết dứt điểm các trường hợp công dân vắng mặt tại nơi đăng ký không rõ nơi đến, hành nghề ăn xin - lang thang.
Đồng thời, hướng dẫn công an các quận, huyện về quy trình tập trung người ăn xin, người lang thang và tổng hợp báo cáo Giám đốc Công an Tp.Hải Phòng kết quả xử lý trước ngày 15 hằng tháng.
Giám đốc Công an Tp.Hải Phòng cũng giao Phòng Cảnh sát giao thông trực thuộc qua công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến kịp thời phát hiện những trường hợp người ăn xin, người lang thang, thông báo ngay cho Tổ Thường trực xử lý (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố) hoặc công an cấp cơ sở gần nhất để tiếp nhận, xử lý theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Đồng thời, tổ chức khảo sát độc lập các điểm, nút giao thông có đèn tín hiệu trên địa bàn thành phố để ghi nhận (bằng hình ảnh hoặc các phương tiện khác) các điểm thường xuyên có người ăn xin, người lang thang gây mất an ninh trật tự, báo cáo Phó Giám đốc Công an Thành phố phụ trách lĩnh vực trật tự an toàn giao thông chỉ đạo giải quyết dứt điểm trước ngày 30/6/2024.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát hình sự trực thuộc Công an Tp.Hải Phòng phối hợp, hướng dẫn công an các quận, huyện tại các địa bàn phức tạp về trật tự xã hội, ở khu vực trung tâm, các điểm công cộng phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng xin ăn, giả tàn tật, đánh giầy, bán hàng rong để hoạt động phạm pháp.
Bên cạnh đó, xử lý nghiêm theo quy định các đối tượng lợi dụng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật để trục lợi cũng như các hành vi ngược đãi, đẩy người tâm thần ra đường phố hoặc tổ chức, xúi giục người khác đi ăn xin.