Hải Phòng: Đề nghị điều chỉnh bộ tiêu chí xây dựng quận, huyện học tập phù hợp
Đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thí điểm công nhận quận, huyện, thành phố học tập trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2022 cho rằng, một số tiêu chí trong bộ tiêu chí khó thực hiện nên cần điều chỉnh.
Hội nghị do Ủy ban nhân dân thành phố hải Phòng tổ chức vào sáng ngày 16/2.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Khắc Nam chủ trì Hội nghị. Cùng dự có ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Hoàng Xuân Đỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố cùng đại diện các Sở, ban ngành liên quan.
Hải Phòng là một trong 7 địa phương được chọn triển khai thí điểm thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 30/7/2021.
Ngày 4/1/2022, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 2 về việc triển khai thí điểm công nhận quận/huyện học tập, thành phố học tập. Thực hiện kế hoạch trên, các sở, ban, ngành đã chủ động tham mưu, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân các quận, huyện cũng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phối hợp để triển khai thực hiện tại địa phương.
Riêng ngành giáo dục và đào tạo đã phối hợp với Hội Khuyến học các cấp tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn công tác triển khai cho cán bộ cơ sở về công tác xây dựng xã hội học tập, thí điểm xây dựng quận/huyện học tập, thành phố học tập.
Theo báo cáo, sau một năm triển khai, công tác thí điểm bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nhiều địa phương đã phấn đấu hoàn thành một số tiêu chí ở mức cao. Đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ triển khai công tác thí điểm mặc dù là cán bộ kiêm nhiệm, song có nhiều cố gắng, sáng tạo trong tham mưu, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp báo cáo theo quy định.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình thí điểm các đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Thời gian thực hiện mô hình thí điểm ngắn, đồng thời do nửa năm đầu 2022 tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng nhiều đến quá trình triển khai tổ chức thực hiện. Việc đánh giá, cho điểm, xác định minh chứng theo các tiêu chí, chỉ số đánh giá quận, huyện học tập ở một số đơn vị thí điểm chưa đảm bảo theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, một số tiêu chí đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Trung ương đưa ra còn cao do đó còn gặp nhiều khó khăn để tham gia đánh giá.
Ngoài ra, năm 2022 là năm đầu thực hiện thí điểm nên chưa có hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho việc đánh giá, thu thập minh chứng nên cơ sở còn lúng túng trong công tác triển khai và báo cáo. Một số tiêu chí trong bộ tiêu chí khó thực hiện.
Nguyên nhân được xác định là do: Nhận thức của một số cán bộ, một số ban ngành, đoàn thể và một bộ phận nhân dân về việc xây dựng xã hội học tập chưa đầy đủ; ở một vài nơi các cấp ủy, chính quyền chưa có trách nhiệm cao, còn thiếu sự tập trung thực hiện quyết liệt; hầu hết các thành viên trong ban chỉ đạo các cấp đều là cán bộ, công chức kiêm nhiệm; kinh phí để phục vụ cho công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập... còn khó khăn.
Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động giáo dục, học tập còn thiếu, một số chưa phù hợp với nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người dân.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Xuân Đỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hải Phòng cho rằng, thời gian thực hiện ngắn trong khi các đơn vị, công dân học tập chưa đánh giá được (cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ). Về nguồn lực, từ khi xây dựng kế hoạch đến nay vẫn chưa phân bổ cho việc thí điểm. Riêng Hội Khuyến học từ ngày thành lập hội đến giờ, quận, huyện chưa có một nguồn kinh phí nào ngoài một số địa phương có hỗ trợ theo văn bản chỉ đạo của thành phố dẫn đến việc triển khai gặp bất lợi, ông Hoàng Xuân Đỉnh nói.
Chủ tịch Hội Khuyến học Hải Phòng Hoàng Xuân Đỉnh đề xuất, các đơn vị hành chính sẽ gọi chung là cộng đồng học tập để đảm bảo tính bao hàm rộng hơn. Đối với Bộ tiêu chí, thống nhất một bộ tiêu chí khung cho tất cả các mô hình để dễ thống nhất, dễ thực hiện, dễ đánh giá.
Tại Hội nghị, một số đại biểu cũng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố sớm điều chỉnh chính sách đặc thù đối với Hội Khuyến học, quận, huyện, xã, phường, thị trấn; xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu để phù hợp với tình hình địa phương như: Tỷ lệ phần trăm hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ phủ sóng wifi miễn phí; có hướng dẫn, tập huấn cụ thể về cách thức triển khai thu thập minh chứng đối với bộ tiêu chí công nhận...
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đánh giá việc thực hiện thí điểm đã được các cấp chính quyền, đoàn thể, ban ngành từ thành phố đến địa phương quan tâm, chỉ đạo, triển khai một cách thực chất; kết quả thí điểm đã đánh giá đúng thực tế việc thực hiện các tiêu chí, chỉ báo trên địa bàn thành phố.Tuy nhiên Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cũng chỉ rõ, qua công tác thí điểm vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Để công tác thực hiện sau thời gian thí điểm đạt kết quả cao, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu, các sở, ban, ngành, quận, huyện thực hiện một số mục tiêu để tiếp tục triển khai hiệu quả việc thí điểm xây dựng quận, huyện, thành phố. Đặc biệt là những mục tiêu còn chưa đạt xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, những tồn tại, hạn chế chưa tương xứng với khả năng, tiềm lực của địa phương và thành phố.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về việc thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" và công tác triển khai công nhận quận/huyện học tập, thành phố học tập trên địa bàn thành phố.
Lãnh đạo các địa phương cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác triển khai; kịp thời đôn đốc về tiến độ thực hiện; có phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương, đơn vị nhất là các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, kinh phí".