Hải Phòng: Giải 'cơn khát' nước sạch trên huyện đảo Cát Hải

Hàng nghìn hộ dân ở huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) vẫn phải dùng nước mưa, giếng khoan không bảo đảm vệ sinh hoặc mua nước sạch với giá từ 35.000 - 80.000 đồng/m3.

Hàng nghìn hộ dân ‘khát’ nước sạch

Chị Phạm Thị Trang (xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải) cho biết: Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân trong xã đều sử dụng nước giếng khoan và nước mưa để sinh hoạt. Nước giếng khoan bắt buộc phải lọc qua cát để trong hơn bởi thường có màu vàng. Nguyên nhân của việc người dân chưa được sử dụng nước máy hợp vệ sinh là do không có đường ống dẫn nước máy đến từng hộ gia đình. Mặt khác, các hộ dân không đủ kinh phí để tự kéo đường ống nước từ khu tái định cư Cát Hải về tới nhà (khoảng 300-500m) nên đành ngậm ngùi dùng nước giếng khoan, nước mưa.

Nhiều hộ gia đình tại huyện Cát Hải vẫn sử dụng nước giếng khoan, nước mưa do chưa có đường ống nước sạch sinh hoạt vì vướng nhiều dự án.

Nhiều hộ gia đình tại huyện Cát Hải vẫn sử dụng nước giếng khoan, nước mưa do chưa có đường ống nước sạch sinh hoạt vì vướng nhiều dự án.

Muốn sử dụng nước máy, các hộ dân phải trả giá cao gấp nhiều lần giá nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Thành (thị trấn Cát Hải) cho biết, gia đình ông thường mua nước máy từ xe chuyên dụng vận chuyển tới nhà với giá 50.000 đồng/m3 (giá bán lẻ nước sạch bình quân là trên 13.000 đồng/m3). Dù chỉ sử dụng tiết kiệm, ưu tiên nước sạch để nấu nướng, tắm táp cho trẻ nhỏ nhưng mỗi tháng, ông Thành phải chi cả triệu đồng để trả tiền nước.

“Đối với vị trí nhà dân sát đường, giá nước là 35.000 đồng/m3. Đối với nhà trong ngõ, giá nước khoảng 50.000 đồng/m3. Những nhà trong ngõ quá sâu, xe nước không di chuyển vào được thì vẫn phải dùng nước mưa”, ông Thành cho biết.

Một góc thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng.

Một góc thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng.

Theo văn bản trả lời kiến nghị cử tri huyện Cát Hải của HĐND TP Hải Phòng, hơn 4.000 hộ dân tại các xã Văn Phong, Nghĩa Lộ, Hoàng Châu, Đồng Bài và khu vực thị trấn Cát Hải thuộc phạm vi thực hiện 3 dự án quan trọng. Cụ thể, dự án thành lập Khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (huyện Cát Hải) do Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vũ làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư xây dựng khu cảng hàng hóa, bến tàu du lịch, ga cáp treo, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch, khu dịch vụ hậu cần du lịch tại huyện Cát Hải do Công ty CP Tập đoàn Mặt trời làm chủ đầu tư và Dự án tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast tại đảo Cát Hải do Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast làm chủ đầu tư.

Trước năm 2020, nước sạch trên đảo chủ yếu được các đơn vị tư nhân mua nước từ trạm tăng áp Đông Hải thuộc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng về bán cho người dân trên đảo. Theo số liệu khảo sát, giá nước trung bình từ 70.000-150.000 đồng/m3.

Để giải quyết vấn đề trên, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Công ty CP Cấp nước Hải Phòng lắp đặt đường ống qua biển và 1 họng nước cấp tại Ngã tư phà Gót - đường đi thị trấn Cát Hải. Đồng thời, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast phối hợp với Công ty CP Cấp nước hỗ trợ lắp đặt thêm 2 họng cấp nước tại các thôn Văn Chấn, Trung Lâm (xã Văn Phong). Tổng số họng cấp nước sạch tăng lên 3 họng, giải quyết được một phần nhu cầu của người dân.

Sau khi các họng cấp nước hoàn thành, UBND huyện Cát Hải đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên đảo và nhận được sự đồng thuận của nhân dân về phương án vận chuyển nước. Nước sạch được đại diện nhân dân trên đảo là ông Đoàn Tiến Thụy (hộ khẩu thường trú tại thị trấn Cát Hải) dùng xe chuyên dụng mua nước của Công ty CP Cấp nước Hải Phòng lấy tại 3 họng nước trên và chở đến cung cấp cho các hộ dân với giá từ 35.000 - 80.000 đồng/m3, giảm nhiều so với thời điểm trước năm 2020.

Tại huyện Cát Hải, nếu thực hiện lắp đặt đường ống nước đến các hộ dân bằng nguồn vốn ngân sách hoặc nguồn vốn của Công ty CP Cấp nước không khả thi do không phù hợp với quy hoạch của huyện đảo.

Nỗ lực đưa nước sạch về đảo

Trước thực trạng trên, cử tri huyện Cát Hải có kiến nghị HĐND TP Hải Phòng về việc “khát” nước sạch sinh hoạt. Người dân bày tỏ lo lắng khi nguồn nước sinh hoạt hàng ngày chủ yếu là nước mưa và nguồn nước ngầm là giếng khơi, giếng khoan không đảm bảo sức khỏe. Trong nội dung kiến nghị, cử tri huyện Cát Hải cho rằng, TP Hải Phòng đã quan tâm đưa nước máy về phục vụ các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, song nhân dân Cát Hải chưa được sử dụng nguồn nước này.

Một hộ dân nằm sâu trong ngõ tại xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải vừa mua được 8 khối nước sạch với giá 500.000 đồng.

Một hộ dân nằm sâu trong ngõ tại xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải vừa mua được 8 khối nước sạch với giá 500.000 đồng.

Ngày 23/8, trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Tuấn Mạnh cho biết, về lâu dài, để việc cấp nước sạch cho các hộ dân ổn định bằng hệ thống đường ống dẫn nước, UBND huyện Cát Hải đã và đang tiến hành đầu tư xây dựng tuyến ống cấp nước đến các hộ gia đình bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện việc xây dựng tuyến ống cấp nước khoảng 14,5 tỷ đồng. Trong đó, chi phí nhân công là hơn 3,7 tỷ đồng được vận động xã hội hóa từ các hộ dân trên đảo. Chi phí khảo sát, giám sát, đấu nối đồng khoảng trên 5 tỷ đồng được Công ty CP Cấp nước Hải Phòng đồng thuận hỗ trợ. Số kinh phí còn lại gồm chi phí vật liệu và máy thi công là trên 5,7 tỷ đồng sẽ được vận động xã hội hóa từ các doanh nghiệp.

Dự kiến, huyện Cát Hải sẽ hoàn thành việc xây dựng tuyến ống cấp nước đến các hộ gia đình khu vực vùng lõi thị trấn Cát Hải trong tháng 10/2024.

Dự kiến, huyện Cát Hải sẽ hoàn thành việc xây dựng tuyến ống cấp nước đến các hộ gia đình khu vực vùng lõi thị trấn Cát Hải trong tháng 10/2024.

Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng đã hỗ trợ chi phí khảo sát, giám sát, đấu nối đồng; người dân đã tự nguyện ủng hộ là trên 3,4 tỷ. Khu công nghiệp DEEP C đang làm thủ tục để chuyển kinh phí ủng hộ là 3,5 tỷ đồng. Với số kinh phí khoảng 3 tỷ còn thiếu, UBND huyện Cát Hải đang tiếp tục tuyên truyền, vận động doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung tay đóng góp, xây dựng đường ống dẫn nước phục vụ nhân dân trên đảo.

Theo thông báo số 205/TB-VP, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo huyện Cát Hải hoàn thành việc xây dựng tuyến ống cấp nước đến các hộ gia đình khu vực vùng lõi thị trấn Cát Hải trong tháng 8/2024. Tuy nhiên, theo tiến độ hiện tại, lãnh đạo huyện Cát Hải cho biết: Do việc phê duyệt thủ tục để triển khai xã hội hóa cũng mất thời gian nhất định nên dự kiến nhiệm vụ trên sẽ được hoàn thành trong tháng 10/2024.

Phương Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hai-phong-giai-con-khat-nuoc-sach-tren-huyen-dao-cat-hai-10288616.html