Hải Phòng không còn tàu thuyền ở vùng nguy hiểm, trưng dụng trường học làm nơi tránh bão số 3

Để ứng phó với siêu bão Yagi (bão số 3), Hải Phòng đã chủ động phòng chống; các đơn vị, địa phương, sở ngành vào cuộc.

Ngay từ ngày 3/9/2024, UBNDTP. Hải Phòng đã có Công văn số 1968/UBND-TL, và ngày 4/9, Chủ tịch UBND TP có Công điện số 05/CĐ-CT chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, xử lý cứu hộ cứu nạn..., nhất là đối với người, phương tiện trên biển, các cảng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thủy sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, cắt tỉa cây xanh; Chủ động các biện pháp tiêu nước trong hệ thống thủy lợi đề phòng ngập úng, bảo vệ cây trồng; các tuyến đường, đặc biệt tại các khu vực sạt lở do mưa lớn gây ra; Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu...

Lực lượng chức năng đang hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, phương tiện về nơi tránh trú bão số 3 an toàn.

Lực lượng chức năng đang hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, phương tiện về nơi tránh trú bão số 3 an toàn.

Theo đó, các đơn vị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn của Bộ đội Biên phòng phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản thông báo, hướng dẫn cho ngư dân và các chủ phương tiện trên địa bàn, đặc biệt các phương tiện đánh bắt xa bờ nắm chắc diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Bộ Chỉ huy Quân sự TP duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức rà soát, kiểm tra phương án, kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Công an TP đã ban hành Công văn số 2547/CAHP-PV01 ngày 4/9/2024 về việc ứng phó với bão số 3 bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiểm tra, chuẩn bị phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, kiểm tra các địa phương, đơn vị tổ chức công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; kiểm tra, gia cố công trình đê điều, thủy lợi; tăng cường kiểm tra đê điều, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, gia đình chủ động ứng phó với cơn bão.

Chính quyền và bộ đội huyện Cát Hải đến từng hộ nuôi lồng bè yêu cầu di chuyển về nơi tránh trú bão số 3.

Chính quyền và bộ đội huyện Cát Hải đến từng hộ nuôi lồng bè yêu cầu di chuyển về nơi tránh trú bão số 3.

Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ đã sẵn sàng huy động lực lượng để chằng chống nhà cửa, kho tàng; tuyên truyền, vận động các phương tiện di chuyển vào đất liền tránh trú bão. Huyện Cát Hải đã chỉ đạo, sắp xếp neo đậu tàu thuyền về các vị trí tránh trú an toàn; vận động 100% nhân dân trên các bè nuôi trồng thủy sản về nơi tránh trú an toàn.

Các huyện, quận: Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Dương, An Lão, Kiến An, Kiến Thụy, Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh đã ban hành công điện, công văn chỉ đạo và kiểm tra các xã, phường, đơn vị trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bão; kiểm tra, sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai, sơ tán nhân dân và xử lý các vị trí có thể xảy ra ngập úng, ngập lụt trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích lúa vụ mùa đã cấy 28.428 ha, diện tích lúa đã trổ là 1.710 ha (5% diện tích gieo cấy), còn lại các trà lúa đang giai đoạn đứng cái – làm đòng; Diện tích rau màu hè thu đã trồng 4.204,2ha/5.800 ha, diện tích rau hè thu còn trên đồng ruộng là 1.858,8 ha, diện tích đến kỳ thu hoạch 873 ha. Đối với cây vụ Đông, hoa cây cảnh và cây ăn quả: Diện tích hoa, cây cảnh toàn thành phố ước 377,9 ha (hoa 78,4 ha; cây cảnh 299,5 ha); diện tích cây ăn quả: 6.848,34 ha, diện tích cây ăn quả đến kỳ thu hoạch: 1.681,5 ha (24,55% diện tích).

Tại huyện Cát Hải, Đồ Sơn, chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương đã thông báo khách du lịch di chuyển vào đất liền trước 12h ngày 6/9/2024.

Còn theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, đến 5h 00 ngày 6/9/2024 đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 1.794 phương tiện/5.219 lao động, 173 lồng bè/285 lao động; 24 chòi canh/14 lao động đang hoạt động về neo đậu an toàn, không còn phương tiện đang hoạt động nằm trong khu vực nguy hiểm. Các tàu thuyền đã về cập cảng, âu cảng neo đậu.

Ngoài ra, theo trạm rada quan sát của Hải quân, tính đến 5h ngày 6/9/2024 không có phương tiện đang hoạt động quanh đảo Bạch Long Vĩ.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phát đi thông báo cho học sinh, học viên các cơ sở giáo dục trên toàn thành phố nghỉ học từ ngày 7/9/2024 (thứ Bảy) cho đến khi bão tan. Riêng các đơn vị giáo dục được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự địa phương trưng dụng làm nơi sơ tán, tránh trú bão cho nhân dân, học sinh được nghỉ học từ 13h00 ngày 6/9/2024. Đối với các đơn vị giáo dục trên địa bàn huyện Cát Hải, học sinh nghỉ học từ 10h00 ngày 6/9/2024.

Ngành Y tế Hải Phòng đã họp khẩn vào sáng 6/9, chỉ đạo các đơn vị y tế trên toàn thành phố ứng trực đầy đủ cả về đội ngũ y bác sĩ và các phương tiện cấp cứu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu thương, xử lý khi có có người gặp nạn.

Vũ Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/hai-phong-khong-con-tau-thuyen-o-vung-nguy-hiem-trung-dung-truong-hoc-lam-noi-tranh-bao-so-3-1102176.html