Hải Phòng không xuất hiện tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi

Trước và trong bão số 3, các đơn vị chức năng của Hải Phòng đã chủ động các biện pháp dự trữ, cung ứng hàng hóa, không để xảy ra tình trạng găm hàng, trục lợi.

Không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ

Ngày 13/9, thành phố Hải Phòng đã có báo cáo tình hình cung ứng, dự trữ lương thực trong ứng phó với bão số 3.

Báo cáo của Sở Công Thương nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND thành phố, trên cơ sở Phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố đã được Giám đốc Sở ký tại Văn bản số 2078/SCT-QLTM ngày 11/6/2024, Sở Công Thương đã báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về phương án dự trữ hàng hóa, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống cơn bão số 3 năm 2024; đồng thời đã ban hành nhiều văn bản đề nghị: Các quận, huyện chủ động thực hiện phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; rà soát nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, đánh giá nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, trường hợp nguồn cung không đáp ứng, chủ động liên hệ với 7 doanh nghiệp cam kết dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024 về Phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố năm 2024 theo nội dung văn bản số 2078/SCT-QLTM ngày 11/6/2024 của Sở Công Thương để thực hiện điều tiết cung cầu hàng hóa, phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Các siêu thị tại Hải Phòng luôn đầy đủ các mặt hàng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân Ảnh: QLTT Hải Phòng

Các siêu thị tại Hải Phòng luôn đầy đủ các mặt hàng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân Ảnh: QLTT Hải Phòng

Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân; trong đó 07 doanh nghiệp dự trữ hàng hóa (siêu thị AEONMALL Lê Chân, chi nhánh Công ty TNHH MM MegaMarket Việt Nam tại Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Co.Opmart Hải Phòng, Công ty Cổ phần Thực phẩm công nghệ Đồng Lợi, Công ty Cổ phẩn Thương mại Minh Khai, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Toàn Tâm, Siêu thị Winmart Imperia Hải Phòng) chuẩn bị hàng hóa, rà soát, báo cáo số lượng hàng hóa, phương tiện vận chuyển để phục vụ thành phố trong trường hợp cần thiết.

Bên cạnh đó, trước, trong và sau bão, lãnh đạo, công chức các phòng chuyên môn của Sở đã đi kiểm tra tình hình dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố.

Sau khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Hải Phòng trưa ngày 07/9/2024, để đảm bảo hàng hóa được lưu thông, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản đề nghị: Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo hệ thống các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn khẩn trương khắc phục ảnh hưởng của cơn bão số 3 năm 2024 tại đơn vị, đảm bảo duy trì cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, LPG, dịch vụ điện, nước… để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến đối với các mặt hàng thiết yếu. Khẩn trương rà soát, thống kê, tổng hợp thiệt hại tại các cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn (hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu…) sau cơn bão số 3 năm 2024; Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị trên địa bàn tiếp tục đảm bảo duy trì cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, LPG, dịch vụ điện, nước… để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến đối với các mặt hàng thiết yếu; Sở Giao thông vận tải; Công an thành phố phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa, nhiên liệu xăng dầu phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Đồng thời, Giám đốc Sở đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, giám sát tình hình cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố do đồng chí Phó Giám đốc Sở phụ trách lĩnh vực Thương mại làm Tổ trưởng.

Định kỳ hàng ngày, các phòng chức năng của Sở đều theo dõi diễn biến thị trường, công tác dự trữ hàng hóa để tổng hợp, xây dựng Báo cáo của Sở, đồng thời thông tin tổng hợp báo cáo cáo nhanh gửi Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương.

Nguồn cung dồi dào, không đứt gãy chuỗi cung ứng

Sở Công Thương thành phố Hải Phòng cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND thành phố, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố đảm bảo hàng hóa trước, trong và sau bão, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động nguồn hàng cung ứng và dự trữ (hàng hóa cung ứng tăng 80-100%). Do đó, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Các hệ thống siêu thị trước, trong và sau bão số 3, hệ thống các siêu thị vẫn hoạt động bình thường để phục vụ người dân (tại thời điểm bị cắt điện, hệ thống siêu thị chạy máy phát điện để phục vụ người dân); giá cả hàng hóa tại các siêu thị vẫn giữ ổn định đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các loại rau củ quả, sữa, đường, dầu ăn…

Các lực lượng chức năng trong đó có Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra các cơ sở, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng - Ảnh: QLTT Hải Phòng

Các lực lượng chức năng trong đó có Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra các cơ sở, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng - Ảnh: QLTT Hải Phòng

Tại các chợ dân sinh, thời điểm trước khi cơn bão số 3 đổ bộ, giá cả hàng hóa tại các chợ vẫn ổn định, tuy nhiên, đối với mặt hàng rau xanh tăng nhẹ từ 5-10%, các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản tăng 5-7% so với ngày thường, các mặt hàng gạo, mỳ, sữa, bánh, đường, dầu ăn, trứng ổn định, chưa phát hiện tình trạng găm, gom hàng, tăng giá. Trong và sau bão số 3, mặc dù các chợ đều bị ảnh hưởng nhưng nhiều hộ kinh doanh, hộ tiểu thương tại chợ vẫn bán hàng hóa thiết yếu.

Tính đến sáng ngày 12/9/2024, hầu hết các chợ trên địa bàn đã hoạt động trở lại; giá cả hàng hóa tại các chợ tăng ở hầu hết các mặt hàng thiết yếu: gạo, mỳ, lương khô, bún miến, bánh đa tăng 2-5%, dầu ăn, đường sữa, trứng tăng 3-6%, các mặt hàng rau xanh, rau củ tăng 15-20%; các mặt hàng thịt, thủy hải sản tăng 8-15%. Lượng hàng hóa tại chợ đầu mối tập trung chủ yếu là các mặt hàng rau, củ với số lượng 120-150 tấn, các mặt hàng hoa quả 30-40 tấn, tuy nhiên, sức tiêu thụ các mặt hàng rau củ lớn, chỉ sau vài giờ, lượng hàng đã được phân phối đi các địa phương, quận, huyện, còn đối với mặt hàng hoa quả sản lượng bán thấp, do sức mua chậm

Liên quan đến việc kinh doanh xăng dầu: Ngày 07/9/2024, toàn địa bàn thành phố mất điện, do đó nhiều cửa hàng xăng dầu nhỏ lẻ không có máy phát điện đã không thể hoạt động, đến ngày 08/9, có 60-75% cửa hàng xăng dầu hoạt động bình thường và chủ yếu sử dụng máy phát điện. Tính đến sáng ngày 12/9/2024, gần 250 cửa hàng xăng dầu đã hoạt động trở lại (trừ cửa hàng xăng dầu VIPCO đã báo cáo và được Sở Công Thương đồng ý, cho phép tạm dừng sửa chữa đến hết ngày 12/9/2024). Giá mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh vào ngày thứ 5 hàng tuần và không có hiện tượng tăng giá bán, găm hàng, sốt giá cục bộ.

Tính đến ngày 12/9/2024, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, không có hiện tượng đứt gẫy chuỗi cung ứng, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân; trong ngày 12/9/2024, lượng khách mua sắm tăng 10-20%, lượng hàng bán ra tăng từ 20-30% so với ngày thường (đã giảm so với lượng khách và lượng hàng bán ra ngày hôm 11/9/2024). Hiện nay, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình cung cầu, điều tiết hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố Hải Phòng để không xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá bán hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Thái Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hai-phong-khong-xuat-hien-tinh-trang-gam-hang-tang-gia-truc-loi-345717.html