Hải Phòng: Ngăn chặn kịp thời nhiều vụ lừa đảo công nghệ cao
Nhiều ngân hàng trên địa bàn TP. Hải Phòng đã ngăn chặn kịp thời các trường hợp khách hàng bị kẻ gian sử dụng công nghệ cao để lừa đảo.
Nhiều hình thức lừa đảo
Mới đây, Agribank Chi nhánh Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng đã kịp thời ngăn chặn người dân chuyển 70 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo. Cụ thể, ngày 4/10, khách hàng P.L.K. ở xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), đến quầy giao dịch của Agribank Chi nhánh Đại Hợp yêu cầu đóng sổ tiết kiệm trị giá 80 triệu đồng để chuyển số tiền 70 triệu đồng đến số tài khoản 1049000209, tên chủ tài khoản là HOANG HUU LUYEN mở tại Ngân hàng Vietcombank.
Quá trình giao dịch, nhận thấy khách hàng trên có biểu hiện lo lắng, bất an, liên tục nhận được điện thoại hối thúc chuyển tiền, giao dịch viên Bùi Thị Ninh Trang trì hoãn giao dịch nhằm xác minh thông tin và xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm lừa đảo. Được biết, nguyên nhân do khách hàng P.L.K. bị một đối tượng giả danh công an, thông báo ông có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn, công an đang điều tra, yêu cầu ông K. chuyển 70 triệu đồng, phục vụ việc điều tra.
Tương tự, vẫn chiêu trò lừa đảo không mới, vào khoảng 1 giờ 30 phút ngày 15/5, ông B.V.B. ở thôn 2, xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng đến Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Thủy Nguyên yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm 350 triệu đồng để gửi cho con rể. Sổ tiết kiệm này ông B.V.B. đã gửi gần 1 năm, chỉ còn 1 ngày nữa là đến kỳ lĩnh lãi.
Nhờ các cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thủy Nguyên cũng như người thân giải thích, khuyên bảo, ông B.V.B. mới biết bản thân bị lừa đảo và không chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.
Ông B.V.B cho biết: Trước đó, ông nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ tự xưng là cán bộ công an. Người này báo rằng sổ tiết kiệm ông đang gửi tại ngân hàng có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn mà cơ quan công an đang điều tra. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ông B.V.B. chuyển toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm vào số tài khoản do chúng cung cấp để kiểm tra nguồn tiền. Nếu không làm theo, ông sẽ khó thoát khỏi vòng lao lý.
Ngân hàng có quyền phong tỏa tài khoản
Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng Nguyễn Thị Dung, thời gian qua nhiều đối tượng mạo danh cán bộ công an, viện kiểm soát, tòa án… để thực hiện các hành vi đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong đó, các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu bị hại giữ bí mật.
Qua những vụ việc lừa đảo trên, bà Nguyễn Thị Dung khuyến cáo người dân cần nêu cao cảnh giác với các số điện thoại lạ xưng là cơ quan chức năng đòi chuyển tiền. Trong trường hợp bị các đối tượng lạ gọi điện đe dọa, người dân cần báo ngay với cơ quan công an gần nhất để tìm hiểu, xác minh và nhận được sự tư vấn cần thiết.
Về phía các ngân hàng, bà Nguyễn Thị Dung yêu cầu tiếp tục nâng cấp công nghệ, tạo ra những phòng tuyến quản trị nhiều hơn, tăng cường giám sát để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn những rủi ro phát sinh; triển khai các giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng tài khoản ngân hàng “rác”, sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ phục vụ hoạt động vi phạm pháp luật như lừa đảo, đánh bạc, rửa tiền... Đặc biệt, từ ngày 1/7/2024, ngân hàng có quyền phong tỏa tài khoản nhận chuyển khoản nhầm theo Nghị định số 52/2024/NĐ-CP.
Còn theo Luật sư Đoàn Thành Trung, Văn phòng Luật sư Đoàn Thành Trung (quận Hải An), để tránh mắc bẫy lừa của kẻ xấu, người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.
Luật sư Đoàn Thành Trung cho biết, với hệ thống công nghệ của các ngân hàng, việc chuyển khoản 24/7, khách hàng sẽ nhận được thông báo có tiền trong tài khoản. Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công.