Hải Phòng nghiên cứu ý tưởng phục dựng 2 cây cầu do người Pháp xây dựng
UBND TP Hải Phòng vừa giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu ý tưởng thiết kế để phục dựng lại 2 cây cầu treo bắc qua sông và hồ Tam Bạc do người Pháp xây dựng đã bị phá dỡ từ nhiều năm trước.
Theo thông tin từ Văn phòng UBND TP Hải Phòng, Sở Xây dựng và UBND quận Hồng Bàng đang nghiên cứu các ý tưởng thiết kế để phục dựng 2 cầu bắc qua sông và hồ Tam Bạc đã được UBND quận Hồng Bàng đề xuất chủ trương đầu tư từ năm 2022.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, sau khi đầu tư xây dựng dự án chỉnh trang sông Tam Bạc (giai đoạn 1), năm 2022, TP Hải Phòng tiếp tục thực hiện dự án chỉnh trang sông Tam Bạc (giai đoạn 2) với các hạng mục chính là nạo vét lòng sông Tam Bạc (đoạn từ cầu Lạc Long đến chân cầu Hoàng Văn Thụ).
Đồng thời, quy hoạch xây dựng lại các tuyến phố Tam Bạc, Thế Lữ là những tuyến phố bên hai bờ sông Tam Bạc thành các tuyến phố du lịch.
Tháng 5/2022, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND quận Hồng Bàng đã thông qua chủ trương xây dựng lại cầu đi bộ bắc qua sông Tam Bạc, nơi trước đây từng có cây cầu treo Hạ Lý nối khu dân cư Hạ Lý với phố Tam Bạc (phường Phan Bội Châu).
Việc xây lại cầu Hạ Lý được kỳ vọng sẽ tạo thêm điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc cho các tuyến phố Tam Bạc, Thế Lữ, thêm sức hấp dẫn cho dải đô thị trung tâm.
Bên cạnh đó, quận Hồng Bàng cũng đề xuất với TP Hải Phòng chủ trương khôi phục xây dựng lại cầu Caron là cây cầu treo bắc qua từ đường Quang Trung sang đường Nguyễn Đức Cảnh qua sông Lấp cũ (nay là hồ Tam Bạc) để phát triển du lịch, dịch vụ tại khu vực dải vườn hoa trung tâm.
Báo cáo của Sở Xây dựng Hải Phòng, khu vực sông Tam Bạc, hồ Tam Bạc (sông Lấp) vốn là 2 con sông có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và phát triển của đô thị Hải Phòng.
Cùng với sự phát triển của Hải Phòng, 2 con sông từng là sông vận tải gắn liền với sự thông thương tại khu vực chợ Sắt, cảng Hải Phòng giờ trở thành sông cảnh quan khu vực trung tâm thành phố.
Từ thời Pháp (khoảng năm 1926), trên sông Lấp (nay là hồ Tam Bạc) đã hình thành 1 cây cầu treo (cầu Caron) nối từ đường Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân) sang đường Quang Trung (quận Hồng Bàng) phục vụ dân sinh.
Cầu Caron đã hư hỏng không sử dụng được từ những năm 1960. Sau đó, Hải Phòng cải tạo sông Lấp thành hồ Tam Bạc, cầu Caron không còn tồn tại. Cây cầu bắc qua sông Tam Bạc cũng được tháo dỡ sau khi xây dựng cầu Lạc Long.
Được sự nhất trí của UBND TP Hải Phòng với đề xuất chủ trương khôi phục lại 2 cây cầu này, tháng 7/2023, UBND quận Hồng Bàng đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc 2 cây cầu bắc qua sông và hồ Tam Bạc.
Mục đích nhằm lựa chọn phương án thiết kế sáng tạo, thiết thực, hướng đến xây dựng các công trình có kiến trúc đẹp, bền vững, thân thiện môi trường, phù hợp hài hòa với cảnh quan xung quanh, tạo điểm nhấn không gian kiến trúc cho khu vực trung tâm nội thành Hải Phòng.
UBND quận Hồng Bàng cũng yêu cầu về kiến trúc phải mang tinh thần văn hóa mới, hình thái kiến trúc là sự giao thoa giữa bản sắc văn hóa Việt Nam kết hợp hiện đại, không bị trùng lặp với các công trình đã có.
Ngày 25/8/2023 là thời hạn cuối để quận này nhận hồ sơ dự thi phương án kiến trúc đối với 2 cầu bắc qua sông và hồ Tam Bạc.
Tuy nhiên, do vì tính chất là công trình kiến trúc quan trọng, tạo điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc đô thị trung tâm, UBND TP Hải Phòng đã có báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy về phương án kiến trúc và đầu tư xây dựng 2 cầu qua sông và hồ Tam Bạc do UBND quận Hồng Bàng đề xuất.
Qua đó, UBND quận Hồng Bàng và Sở Xây dựng được UBND TP Hải Phòng giao nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu thêm các ý tưởng thiết kế công trình nhằm đầu tư xây dựng cầu đáp ứng được các yêu cầu là công trình kiến trúc điểm nhấn, có phong cách tiêu biểu văn hóa Hải Phòng cũng như bảo đảm các chức năng giao thông, du lịch, kết nối văn hóa – lịch sử.
Sau khi thẩm định, nghiên cứu kỹ các ý tưởng thiết kế, UBND quận Hồng Bàng sẽ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với 2 cầu bắc qua sông và hồ Tam Bạc.