Hải Phòng: Nhiều dấu hiệu sai phạm trong vụ án 'Tranh chấp về kiện đòi tài sản là nhà cho ở nhờ'
Trong đơn phản ánh, người được ủy quyền của bị đơn đã chỉ rõ nhiều điểm sai phạm trong vụ án 'Tranh chấp về kiện đòi tài sản là nhà cho ở nhờ'.
Theo đơn phản ánh tới báo Pháp luật Việt Nam, chị Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1980, trú tại Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết, chị được ông Nguyễn Thiện Thực (bố chị Kim Anh) ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án “Tranh chấp về kiện đòi tài sản là nhà cho ở nhờ”.
Theo chị Kim Anh, căn nhà có địa chỉ 53 Lý Thường Kiệt, phường Quang Trung, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng có nguồn gốc do cụ Nguyễn Thiên Cự (ông chị Kim Anh), ông Thực và anh em trong gia đình thuê của Công ty TNHH một thành viên quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng (gọi tắt là Công ty Hải Phòng) từ trước năm 1983.
Đến năm 2004, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 3703/QĐ-UB ngày 31/12/2004 về việc bán căn nhà trên cho hộ ông Nguyễn Thiện Cự (số thứ tự 30 trong danh sách các hộ được mua nhà đợt 3 tháng 12 năm 2004 kèm theo quyết định số 3703/QĐ-UB).
Năm 2007 cụ Cự qua đời, đến năm 2011, bất ngờ ông Nguyễn Thiên Sơn (em ông Thực) đã tự ý nộp đơn thay đổi người đại diện thuê nhà từ ông Cự sang tên ông Sơn và tự ý ký kết lại Hợp đồng thuê nhà mà không thông báo cho mọi người trong gia đình được biết.
Đến năm 2014, ông Sơn tự ý kê khai mua căn nhà số 53 của Công ty Hải Phòng và sau đó ông Sơn cũng tự ý bán căn nhà này.
Chị Kim Anh cho rằng, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình chúng tôi nên đã làm đơn ra tòa.
Trong quá trình TAND quận Hồng Bàng giải quyết, chị Kim Anh trình bày rằng ông Sơn đã cung cấp một số tài liệu như Bản tự kê khai ngày 20/1/2000; Đơn xin xác nhận hộ khẩu ngày 17/4/2002, Đơn đề nghị mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước ngày 13/7/2002 của cụ Cự, biên bản xác minh về việc chuyển dịch hợp đồng thuê nhà theo Tờ trình 06TT ngày 13/3/2000 cho TAND quận Hồng Bàng. Tuy nhiên, các tài liệu này ông Sơn cung cấp đều có dấu hiệu giả mạo.
Cụ thể, đối với hợp đồng thuê nhà năm 2002 do cụ Cự đứng tên hợp đồng nhưng ông Sơn lại là người ký cuối hợp đồng; các anh em trong gia đình đều không có tên trong hợp đồng này. Ngoài ra đối với đơn xin xác nhận hộ khẩu, bản tự kê khai, biên bản các minh cũng đều có dấu hiệu giả mạo khi ngày tháng viết lộn xộn.
Ngoài ra, chị Kim Anh trình bày, ông Sơn đã thừa nhận nộp hơn 24,5 triệu đồng để xin cấp lại Hợp đồng thuê nhà đã bị mất và 6 triệu đồng cho đại diện Công ty quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng để thực hiện các thủ tục đổi tên chủ hợp đồng thuê từ cụ Cự sang cho ông Sơn.
Do đó, chị Kim Anh đã gửi đơn trình báo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng về hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Căn cứ vào quy định tại Điều 5 nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính Phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở; và quy định của Bộ luật dân sự 1995 quy định về bán nhà ở đang cho thuê thì trong trường hợp bán nhà ở đang cho thuê, thì bên thuê được ưu tiên mua, nếu chưa có chỗ ở khác và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người thuê nhà.
Chủ sở hữu nhà ở đang cho thuê thông báo về các điều kiện bán cho bên thuê biết trước ít nhất ba tháng, kể từ thời điểm bên thuê nhận được thông báo cho tới thời điểm bán. Những người thuộc bên thuê có tên trong hợp đồng thuê nhà có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với bên cho thuê và phải liên đới thực hiện các nghĩa vụ của bên thuê đối với bên cho thuê.
Trong khi đó, UBND TP Hải Phòng có Quyết định số 3703/QĐ-UB ngày 31/12/2004 về việc bán căn nhà trên cho hộ cụ Nguyễn Thiện Cự. Đến năm 2011, ông Sơn ký lại hợp đồng thuê nhà chỉ với tư cách là người đại diện chủ thể thuê nhưng sau đó lại được mua nhà mà không có sự đồng ý của các chủ thể thuê khác.
Cũng theo Luật sư Cường, việc ông Sơn ký lại hợp đồng thuê nhà mà không đưa tên các anh, chị trong gia đình vào hợp đồng thuê, cũng không có ý kiến của các anh, các chị trong việc nhường lại quyền thuê nhà (nếu có) là không đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người khác.
Đặc biệt thủ tục thanh lý hợp đồng thuê nhà, mua nhà theo nghị định 61 là không đúng đối tượng, không đúng trình tự thủ tục luật định, không công khai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người đang sử dụng ngôi nhà đó và những đồng chủ hợp đồng thuê nhà trước đây.
Bởi vậy hoàn toàn có căn cứ để tòa án có thể tuyên hủy bỏ hợp đồng mua bán nhà, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thoái hoàn trả tiền mua nhà và buộc các thành viên trong gia đình phải ký lại hợp đồng thuê nhà theo quy định pháp luật.
Được biết, ngày 25/6/2019, TAND quận Hồng Bàng sẽ tiếp tục giải quyết vụ án này sau nhiều lần hoãn tòa.