Hải Phòng: Nhiều vướng mắc của HTX được giải đáp ngay tại hội nghị

Sáng 24/3, Liên minh HTX TP Hải Phòng đã phối hợp với UBND huyện Thủy Nguyên tổ chức thành công Hội nghị thành viên trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Hội nghị là dịp để các thành viên trong hệ thống Liên minh gửi những ý kiến, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ tới chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan.

Đến hết quý I/2023, tổng số đơn vị thành viên Liên minh trên địa bàn huyện Thủy Nguyên có 45 đơn vị (trong đó có 1 Hiệp hội, 1 Liên hiệp HTX, 1 Quỹ tín dụng nhân dân, 43 HTX gồm 39 HTX nông nghiệp và 4 HTX phi nông nghiệp).

Nhiều HTX sau đại dịch Covid -19 đã chủ động đầu tư sản xuất, kết nối kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước hình thành các chuỗi liên kết có giá trị như HTX nông nghiệp Liên Khê (tiêu thụ na bở, chuối), HTX Sản xuất mật ong, ong giống An Sơn (liên kết tiêu thụ mật ong An Sơn), HTX Đầu tư phát triển Sông Giá (trồng và tiêu thụ dưa kim hoàng hậu, dưa lưới công nghệ cao...).

Một số HTX bên cạnh ngành nghề dịch vụ nông nghiệp đã làm tốt dịch vụ bán lẻ điện nông thôn, nước sạch sinh hoạt, thu gom rác thải sinh hoạt tại địa phương như HTX Nông nghiệp Lưu Kiếm, HTX Nông nghiệp Thiên Hương, HTX Nông nghiệp Hợp Thành, HTX Nông nghiệp Lập Lễ, HTX Nông nghiệp Phục Lễ...

Bên cạnh những thuận lợi, các HTX trên địa bàn huyện Thủy Nguyên vẫn gặp nhiều khó khăn. Tại hội nghị, các HTX đã gửi nhiều kiến nghị về những khó khăn vướng măc cần tháo gỡ tới chính quyền huyện Thủy Nguyên, Liên minh HTX TP Hải Phòng và các đơn vị liên quan.

Hội nghị thu hút đầy đủ thành viên của Liên minh HTX TP Hải Phòng tại địa bàn huyện Thủy Nguyên tham gia.

Hội nghị thu hút đầy đủ thành viên của Liên minh HTX TP Hải Phòng tại địa bàn huyện Thủy Nguyên tham gia.

Các ý kiến tập trung vào 3 nhóm: Chính sách thuế, vốn, tín dụng lãi suất; Hỗ trợ Đào tạo, xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, hỗ trợ cây trồng, con giống, đầu tư kết cấu hạ tầng; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính sách cho thuê đất làm trụ sở và thuê đất sản xuất. Những ý kiến liên quan đến việc chính sách hỗ trợ các HTX kinh phí diệt chuột, thủy lợi nội đồng đã được các phòng ban của huyện giải đáp ngay cho các HTX tại hội nghị.

Ông Nguyễn Đức Tưởng - Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Lập Lễ cho biết: Hiện nay, bên cạnh một số ít các HTX có trụ sở hoạt động riêng thì nhiều HTX vẫn mượn nhờ trụ sở của UBND các xã. Để HTX yên tâm sản xuất, phát triển, đề nghị UBND huyện xem xét, căn cứ kế hoạch sử dụng đất hàng năm từ đó báo cáo UBND TP cho các HTX có nhu cầu thuê đất làm trụ sở được thuê đất. Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang không canh tác của bà con nông dân tại xã Lập Lễ lớn, HTX muốn đứng ra thuê lại ruộng của bà con nông dân để canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rau màu hoặc cây ăn quả hàng năm..., nhưng gặp nhiều vướng mắc vì ruộng của bà con nông dân sau dồn điền đổi thửa vào năm 2004 đến nay vẫn chưa được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Tình trạng bỏ ruộng không canh tác không chỉ diễn ra ở Lập Lễ mà còn ở nhiều địa phương khác trong huyện. Nguyên nhân là tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh và nhiều khu công nghiệp hình thành trên địa bàn huyện là một trong những lý do chính khiến nông dân bỏ ruộng hoang. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp hay HTX đứng ra thuê lại ruộng đất để canh tác tránh lãng phí tài nguyên đất thì gặp nhiều khó khăn, cần có sự phối hợp của chính quyền cấp cơ sở.

Ông Nguyễn Hữu Văn – lãnh đạo HTX nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng trăn trở: HTX hiện có 62 thành viên với quy mô canh tác 219 ha đất nuôi trồng thủy sản. Mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 tấn cá thương phẩm (cá vược và cá trắm đen), doanh thu của HTX đạt từ 800 – 900 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hiện vùng nuôi trồng của thành viên HTX sắp hết hạn, mà không biết có được thuê nữa không do huyện chuẩn bị chuyển lên thành phố. Nếu không được thuê tiếp thì HTX sẽ đứng trước nguy cơ phá sản...

Giải đáp những kiến nghị, khó khăn cho các HTX, đại diện các đơn vị có liên quan trong hội nghị đã trực tiếp giải đáp từng lĩnh vực cụ thể. Đại diện Hội Nông dân TP Hải Phòng cho biết, trong năm 2023, Hội sẽ phối hợp với Liên minh HTX TP rà soát các trường hợp HTX cần hỗ trợ vay vốn để có phương án tháo gỡ. Từ đầu năm đến nay, thông qua các nguồn vốn, Hội Nông dân đã giải ngân cho nhiều bà con nông dân, các thành viên của HTX, HTX vay vốn ưu đãi.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủy Nguyên cho rằng: Các HTX nông nghiệp nằm tại các xã sẽ chuyển đổi lên phường vào năm 2025 cần ngồi lại với nhau để bàn bạc, thống nhất phương án chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc phát triển nghề phụ thay vì hoạt động nông nghiệp thuần túy như trước.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, ông Nguyễn Văn Viển nhấn mạnh tại hội nghị: Theo kế hoạch đến trước năm 2025, huyện Thủy Nguyên sẽ chuyển đổi lên thành phố Thủy Nguyên, trực thuộc thành phố Hải Phòng và toàn bộ Trung tâm hành chính chính trị của thành phố Hải Phòng sẽ chuyển về Thủy Nguyên. Hiện nay, toàn huyện Thủy Nguyên đang tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm; phát triển các khu đô thị; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Văn Viển - Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên giải đáp một số kiến nghị của các HTX trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Viển - Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên giải đáp một số kiến nghị của các HTX trên địa bàn huyện.

"Tất cả những ý kiến kiến nghị của các HTX gửi đến hội nghị lần này, chúng tôi ghi nhận và trong tháng 4 tới, huyện sẽ tiếp tục chủ trì phối hợp mời các sở, ngành có liên quan như Sở Tài Nguyên Môi trường, Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Hội Nông dân thành phố... để nghe thật chi tiết, cụ thể các kiến nghị, đề xuất của các HTX, từ đó đưa ra hướng giải quyết cho từng trường hợp mà hôm nay chưa giải quyết hết. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của huyện với sự phát triển của các HTX, yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên tiếp cận các HTX để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, có tham mưu kịp thời với UBND huyện để giải quyết các khó khăn của các HTX", ông Viển nói.

Về việc các HTX thuê đất để làm trụ sở, huyện sẽ lên danh sách các HTX có nguyện vọng và căn cứ kế hoạch sử dụng đất hàng năm, trình UBND TP Hải Phòng xem xét, cho ý kiến. Còn việc HTX thuê lại đất của nông dân để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì các HTX căn cứ vào việc quy vùng sản xuất của huyện đã ban hành, từ đó thỏa thuận với các hộ dân về việc thuê đất sản xuất, canh tác. Việc giới thiệu quảng bá sản phẩm cho các HTX, sản phẩm OCOP của địa phương luôn được lãnh đao huyện quan tâm chỉ đạo. Huyện đã chọn được địa điểm để trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP (toàn huyện có 22 sản phẩm). Dự kiến trong năm nay, khu trưng bày này sẽ đi vào hoạt động, các HTX có nhu cầu quảng bá sản phẩm có thể đăng ký...

“Hội nghị lần này được tổ chức ngay tại địa bàn huyện Thủy Nguyên với sự tham gia đông đủ của các HTX trong huyện, các HTX được trình bày trực tiếp ý kiến của mình tới chính quyền, các đơn vị có liên quan là nét mới, tích cực trong hoạt động của Liên minh HTX TP Hải Phòng. Dự kiến năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những hội nghị trực tiếp như thế này tại một số địa phương, chia theo từng nhóm lĩnh vực, chủ để, ngành nghề để đến gần với tâm tư, nguyện vọng của thành viên hơn...”, ông Ngô Ngọc Khánh - Chủ tịch Liên minh HTX TP Hải Phòng thông tin.

Thanh Vân

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/hai-phong-nhieu-vuong-mac-cua-htx-duoc-giai-dap-ngay-tai-hoi-nghi-1091580.html