Hải Phòng: Những cánh đồng trơ trọi vì 'đất tặc'
Nhiều cánh đồng màu mỡ bị khai thác trái phép lớp đất bề mặt, trơ ra đất nền. Tình trạng này diễn ra ở nhiều vùng nông thôn ở Hải Phòng khiến người dân phải bỏ ruộng, không trồng cấy được.
"Đất tặc" lộng hành
Với người nông dân coi ruộng đồng là nguồn sống, họ biết rất rõ lớp đất màu (lớp đất trên cùng của ruộng lúa) là nơi tích tụ chất dinh dưỡng để nuôi sống cây lúa, hoa màu. Vào dịp cuối năm khi trời hanh khô, sau khi thu hoạch lúa bà con sẽ cày, xới mảnh ruộng của mình để lớp đất này được phơi khô (thường gọi là đổ ải).
Lớp đất sau khi đổ ải, sẽ được bơm nước vào chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Tuy nhiên, lợi dụng thời điểm người dân phơi đất đổ ải, các đối tượng "đất tặc" ngang nhiên mang máy xúc, ô tô đến trộm đem bán kiếm lời.
Tình trạng trên diễn ra tại nhiều địa phương ở ngoại thành Hải Phòng trong thời gian dài khiến các cánh đồng trở nên bạc màu, không thể trồng cấy.
Theo thông tin người dân cung cấp, có thời điểm "đất tặc" ngang nhiên mang ô tô đến lấy trộm đất giữa ban ngày. Tuy nhiên, giờ chúng chuyển sang trộm cắp vào ban đêm.
Từ phản ánh của người dân, đêm 11/12, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực cánh đồng gần nghĩa trang Phương Mỹ thuộc xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên để mục sở thị phương thức của nhóm "đất tặc".
Khoảng 22h, các phương tiện gồm 5 ô tô tải cùng với một máy xúc công suất lớn bắt đầu tập trung tại một quán nước gần cầu Hòn Ngọc 3 thuộc xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên. Các đối tượng đi xe gắn máy quan sát động tĩnh xung quanh.
Do địa hình có độ cao thấp khác nhau, chúng dùng máy xúc để san gạt, đắp thành từng luống đất. Tiếp đó, những chiếc ô tô rầm rập kéo xuống cánh đồng để máy xúc xúc đất màu chất lên. Trong gần 3 giờ, PV chứng kiến hàng chục chuyến xe chở đất từ cánh đồng Phương Mỹ được chở đi.
Số đất này được tập kết về khu vực thôn 7, xã Chính Mỹ để ban ngày chở đi tiêu thụ. Khách hàng của nhóm đối tượng trên là các đại gia xây nhà vườn, cần đất màu mỡ để trồng cây hay những người trồng cây cảnh…
Sáng 12/12, trở lại cánh đồng thôn Phương Mỹ, PV chứng kiến cảnh khoảng 10 sào ruộng (3.600m2) của nhiều hộ dân bị bóc hết lớp đất màu, chỉ còn trơ ra lớp đất sét.
Thẫn thờ nhìn mảnh ruộng bị bóc trắng đi lớp đất màu mỡ, ông N.V.H cho biết: "Ruộng mất lớp đất màu thì chúng tôi trồng lúa kiểu gì? Nếu muốn phục hồi độ màu mỡ như ban đầu phải mất rất nhiều công sức cải tạo. Có lẽ chúng tôi đành bỏ ruộng thôi".
Thu lợi bất chính cả trăm triệu một đêm
Tình trạng trên còn diễn ra rải rác trên một số địa bàn của huyện Thủy Nguyên như: Xã Hoàng Động, Lâm Động, Phù Ninh, Hòa Bình, Kì Sơn, Lại Xuân… hay xã An Đồng, huyện An Dương.
Có thời điểm, PV phát hiện đối tượng đang khai thác đất ruộng trái phép và thông báo với chính quyền địa phương, nhưng khi lực lượng chức năng xuống hiện trường làm việc, bọn chúng đã rút lui. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 10 phút, cơ quan chức năng rời đi, các xe tải, máy xúc liền quay trở lại quần thảo.
Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn Hải Phòng có một số nhóm "đất tặc" tập hợp những đối tượng "xã hội" tham gia. Lợi nhuận cao cùng với chế tài xử lý hành vi này còn khá nhẹ khiến các đối tượng mỗi dịp cuối năm lại lộng hành. Mỗi đêm trung bình nhóm "đất tặc" lấy trộm được khoảng 500-700 khối đất màu để tập kết rồi mang đi tiêu thụ.
Một người từng làm công việc trên chia sẻ: "Với giá từ 200-250 nghìn đồng/khối đất, trung bình một đêm những đối tượng này thu lời bất chính từ 100-150 triệu đồng. Trừ các khoảng chi phí xăng dầu, công vận chuyển và tiền máy xúc, bọn chúng thu về ít nhất 100 triệu đồng/đêm".
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên) cho biết: "Do các đối tượng trên thường hoạt động vào ban đêm, chúng canh chừng rất tinh vi nên rất khó để có thể bắt quả tang. Để ngăn chặn hành vi khai thác đất ruộng trái phép như trên, địa phương đã phải bơm nước làm ngập cánh đồng".
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho biết: "Hằng năm, địa phương rất chú ý tới việc bảo vệ nguồn đất mặt. Huyện đã yêu cầu các xã, các đơn vị chức năng cùng phối hợp siết chặt công tác quản lý, tuyên truyền để bảo vệ nguồn đất mặt, đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương. Thời gian tới, lãnh đạo huyện sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để làm rõ, xử lý hành vi trộm đất màu của người dân.