Hải Phòng: Nỗi lo về an toàn thực phẩm
Những năm gần đây, thành phố Hải Phòng đã và đang được các nhà kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư với nhiều dự án lớn, bởi vậy số lao động trên địa bàn thành phố tăng nhanh. Theo đó thị trường tiêu thụ thực phẩm cũng tăng theo, cùng với việc quản lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề cần được đặc biệt coi trọng.
Thực trạng về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố
Qua tổng kết, năm 2017 tình trạng ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng vẫn tăng cao cả về số vụ và số người mắc ngộ độc các loại.
Theo báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm trong 10 tháng năm 2018 của các sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Công Thương Hải phòng cho thấy, hiện tại trên địa bàn thành phố có khoảng 23.458 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm các loại bao gồm 7.794 cơ sở sản xuất, 5.549 cơ sở kinh doanh, 10.115 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Kiểm tra điều kiện nhà xưởng sản xuất của các cơ sở cơ bản đảm bảo, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến phù hợp, hồ sơ nguồn gốc nguyên liệu tương đối đầy đủ, chủ cơ sở và người lao động được khám sức khỏe định kỳ, có giấy xác nhận đảm bảo an toàn thực phẩm do cơ quan quản lý cấp. Qua thanh tra, kiểm tra 14.490 cơ sở đã phát hiện và xử lý vi phạm 367 cơ sở, đình chỉ hoạt động 24 cơ sở.
Trước đó, năm 2017, thành phố đã tổ chức 290 hội nghị với gần 20.000 người tham dự, hơn 1.000 buổi nói chuyện, tập huấn cho trên 53.000 người, trên 12.000 lượt phát thanh và truyền hình, hơn 4.000 áp phích, băng Zôn, khẩu hiệu và trên 400 đĩa CD các loại cùng hàng trăm bài viết được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Như vậy, có thể thấy Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng nỗi lo của người dân vẫn còn đó, bởi không ít những cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến chưa chấp hành nghiêm túc quy định trong lĩnh vực này, thậm chí chạy theo lợi nhuận mà thiếu đi lương tâm, trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội. Hậu quả nhiều vụ ngộ độc thực phẩm gần đây trên địa bàn thành phố là minh chứng để khẳng định điều đó.
Rất cần sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan quản lý
Cũng theo báo cáo, hiện tại công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hải Phòng còn những tồn tại và nhiều vướng mắc, hạn chế: Sự phối kết hợp vào cuộc của các Sở, ngành, địa phương chưa thực sự thường xuyên và thiếu chặt chẽ.
Việc kiểm tra còn bị chồng chéo giữa các ngành. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư. Bên cạnh đó tập quán, văn hóa ẩm thực, thói quen sinh hoạt cũng như nhận thức về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân không đồng đều.
Số cơ sở vi phạm không được phát hiện kịp thời, mức xử lý vi phạm chưa đủ để có tác động răn đe. Mặt khác, nhân lực làm công tác này ít, phương tiện, thiết bị thiếu, nguồn kinh phí cho các hoạt động còn hạn hẹp nên việc triển khai và thực hiện cũng gặp những khó khăn nhất định.
Vẫn biết công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là việc làm thực sự khó khăn. Tuy nhiên nếu chúng ta không nhanh chóng có những giải pháp hữu hiệu hơn thì không những không giảm thiểu mà còn phát sinh hết sức nan giải, phức tạp trong lĩnh vực này.
Thực tế cho thấy tình trạng thực phẩm bẩn xuất hiện và được nhập vào thành phố Hải Phòng vẫn diễn ra, thậm chí nhiều vụ bị bắt giữ và xử lý, tiêu hủy với số lượng lớn. Bởi vậy người dân thành phố mong muốn các cấp các ngành, các địa phương, cơ quan hữu trách cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn.
Cùng với đó là sự cộng đồng trách nhiệm của người dân để lên án và góp phần đẩy lùi những hành động gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của thành phố Hoa phượng đỏ đang trên đà phát triển ngày càng văn minh hiện đại.