Hải Phòng: Phụ huynh, người dân kêu than bị khí thải làng nghề tấn công
Bị tiếng ồn, khói xả từ các xưởng đúc đồng, cơ khí tấn công, nhiều ngôi nhà ở ở làng nghề xã Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) và hàng trăm học sinh trường Mầm non Mỹ Đồng đang ngày ngày 'sống chung với ô nhiễm'.
Xã Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) hiện có 2 làng nghề đúc đồng, cơ khí, rèn truyền thống là Đồng Lý và Phú Mỹ với 160 hộ. Tuy nhiên, chỉ gần 50% trong số này đáp ứng quy chuẩn sản xuất công nghiệp và vệ sinh môi trường; số còn lại nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây nhiều bất cập và nguy hại tới sức khỏe cộng đồng.
Theo phản ánh của những hộ dân xã Mỹ Đồng, nhiều năm qua họ bị các doanh nghiệp, hộ đúc đồng, rèn, cơ khí tấn công độc hại bằng khói bụi, mùi khét và cả tiếng ồn. Sự việc liên tiếp kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt và sức khỏe người dân. Có những khu dân cư, cả xóm "đi đóng, về đóng" không dám mở cửa và gần như không còn biết không khí trong lành nơi mình ở ra sao.
Bà L.T.N., người dân ở làng nghề 1, xóm 6, xã Mỹ Đồng cho biết: "Những năm gần đây, làng nghề phát triển, xưởng đúc mọc lên san sát, xen lẫn các hộ gia đình bất chấp ô nhiễm môi trường. Có ngày, theo chiều gió, mùi xả thải từ các xưởng đúc nặng mùi không thở nổi, nhà nhà phải đóng chặt cửa. bụi thì bám đầy nhà, lau đi lau lại mà lúc nào cũng không hết bụi. Không chịu nổi, rất nhiều gia đình vác đơn lên phản ánh chính quyền; rồi anh em trong gia đình, họ mạc, hàng xóm vì đó mà nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí đánh chửi nhau, hết cả tình nghĩa", bà N. kể lại.
Theo phản ánh của một số phụ huynh, điều họ sợ hãi nhất là gần trường Mầm non Mỹ Đồng có một công ty đúc đồng đều đặn xả thải ra môi trường, tấn công trường học.
Chị N.T.H, phụ huynh trường mầm non Mỹ Đồng phàn nàn: "Các xưởng đúc thường xả thải vào khoảng 9 giờ sáng và 13 giờ hàng ngày, mùi nồng nặc bốc ra khiến người dân không thở nổi. Tác hại của nó không phải một lúc và nhìn thấy ngay mà nó ngấm dần, ngấm dần, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Con tôi gần đây về nhà hay kêu mệt, đau đầu, cháu ngủ không ngon giấc. Đến nhà mình, tôi cũng chỉ dám mở cửa tầng trên vào 2 ngày mùng 1 và ngày rằm để thắp hương".
Theo quan sát của phóng viên, công ty đúc đồng gần trường mầm non Mỹ Đồng có tổng diện tích vài ngàn m2, cách trường mầm non khoảng gần 100 mét. Trên mái xưởng không có hệ thống ống khói nên mỗi khi xả thải, khói bụi sẽ lan rộng, phát tán ra xung quanh. Thời điểm xưởng cơ khí này xả thải thường rơi vào khoảng thời gian các cháu ngủ trưa, việc hít thở thụ động khói bụi, khí thải độc hại trên là khó tránh khỏi.
Liên quan đến vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Hiển - Hiệu trưởng trường Mầm non Mỹ Đồng thừa nhận, địa phương là làng nghề nên ít nhiều cũng có khói bụi, ô nhiễm phát tán ra môi trường. "Nhà trường đã có những biện pháp khắc phục bằng cách tận dụng diện tích rộng, thoáng, tạo cảnh quan cây xanh, nhiều bóng mát thuận lợi thanh lọc không khí cho các con. Bởi vậy, đồ dùng học tập, sinh hoạt ăn uống, vui chơi của các con đều rất sạch sẽ, đảm bảo".
Trao đổi với Báo Gia đình và Xã hội, bà Bùi Thị Lơ - Chủ tịch UBND xã Mỹ Đồng thông tin, Mỹ Đồng là xã làng nghề truyền thống, được công nhận là làng nghề từ năm 2007 và cũng đã có đề an thành lập cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Mỹ Đồng rộng khoảng 20ha để đưa bớt doanh nghiệp nhỏ lẻ ra đó. Trước đó, xã cũng đã có 1 CCN làng nghề đúc cơ khí nhưng mới chỉ đáp ứng được 37 hộ, doanh nghiệp có quy mô lớn.
Theo bà Bùi Thị Lơ, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại giữa Bí thư, Chủ tịch UBND, người đứng đầu cấp ủy với nhân dân, với cán bộ, Đảng viên, một số người dân và phụ huynh đã từng phản ánh về môi trường chung của toàn xã chứ không riêng khu vực trường Mầm non Mỹ Đồng: "Đây là lĩnh vực công nghiệp nặng nên trong quá trình gia công, sản xuất không tránh khỏi khói bụi, tiếng động…", bà Lơ phân trần.
Cũng theo bà Lơ, do Mỹ Đồng không có quỹ đất và chưa được tạo điều kiện thuận lợi về quy hoạch làng nghề nên các doanh nghiệp lớn của xã đã từng bước sang cụm Công nghiệp Kiền Bái (thuộc xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên) và đây là một thiệt thòi của địa phương.
"Chúng tôi sẽ từng bước đáp ứng nguyện vọng trong nhân dân, hướng cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất nhưng phải đảm bảo môi trường chung tối thiểu nhất. Hơn hết là để duy trì làng nghề, duy trì nguồn sống, thu nhập cho người dân và giữ được truyền thống của địa phương", bà Lơ nhấn mạnh.