Hải Phòng: rác thải sinh hoạt ứ đọng và câu chuyện chưa có hồi kết
Tình trạng rác thải sinh hoạt ngập ngụa, tràn lan trên địa bàn TP Hải Phòng vẫn chưa có hồi kết. Dù người dân đã đóng đầy đủ phí thu gom, các bãi rác tạm vẫn chất đống và không được xử lý kịp thời.
Bãi rác tạm bốc khói nghi ngút ở xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
Câu chuyện về rác thải sinh hoạt đang là đề tài nóng và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân sống xung quanh các bãi rác tạm. Tại các xã Cấp Tiến, Bạch Đằng, Tiên Cường (huyện Tiên Lãng), tình trạng các bãi rác tạm vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Ông Phạm Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng cho biết, rác thải sinh hoạt được chất đống trong các ga rác tạm, sau đó bên công ty thu gom đến chở đi xử lý.
Khi được hỏi vì sao hàng tháng người dân đóng tiền đầy đủ, xã được nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách là hơn 150 triệu đồng/năm để thực hiện công tác môi trường mà rác vẫn ngập ngụa dọc đường đi, thậm chí khói bốc mùi khét lẹt, ông Luyện cho biết, lượng rác thu gom tại xã khá lớn, trung bình khoảng 60 khối rác/tháng. Tiền hàng năm xã được cấp từ ngân sách không đủ chi cho việc thu gom rác…
Ông Phạm Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến cho hay, địa phương có ký hợp đồng thu gom với một đơn vị thu gom rác trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng đốt rác trộm vẫn xảy ra tại những bãi rác này. Liên quan đến số tiền xã được nhận hàng năm khoảng 153 triệu đồng, ông Tám cho rằng dùng để trả cho đơn vị thu gom (dù đã thu tiền của dân hàng tháng), mua thuốc vi sinh, xử lý môi trường…
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV tại các bãi rác tạm thì hầu hết đều bị ai đó đốt, khói bốc lên nghi ngút cả ngày lẫn đêm. Ruồi nhặng bu bám đen ngòm tại các túi rác. Mùi hôi thối bốc lên từ các túi ni lông đựng thức ăn thừa khiến ai đi qua cũng phải che miệng, lắc đầu ngán ngẩm.
Dù cơn bão đã đi qua từ lâu nhưng đa phần khi hỏi về tình trạng ứ đọng rác thải thì lãnh đạo các xã đều cho rằng do ảnh hưởng từ cơn bão số 3?!
Đã đến lúc chính quyền địa phương cần có trách nhiệm sát sao hơn nữa trong việc thu gom, phân loại rác tại nguồn, trả lại cho người dân một môi trường sống trong lành.