Hải Phòng: Rùng mình chân gà nổi trắng mặt sông Đa Độ
Trước sự việc chân gà nổi phủ trắng mặt sông Đa Độ (thôn Đại Điền, xã Tân Viên, An Lão, Hải Phòng), các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc thu gom, xử lý.
Thông tin từ UBND thành phố Hải Phòng cho biết, sáng ngày 20/7, chính quyền xã Tân Viên và các phòng, ban chức năng huyện An Lão phối hợp với Ban quản lý sông Đa Độ đã yêu cầu các hộ dân nuôi cá xã Mỹ Đức tổ chức vớt, thu gom và tiêu hủy toàn bộ số chân gà nổi trên mặt sông Đa Độ. Việc thu gom và tiêu hủy số chân gà trên được hoàn tất vào chiều cùng ngày.
Trước đó, một số trang mạng xã hội chia sẻ đoạn clip phản ánh tình trạng mặt sông Đa Độ đoạn thuộc khu vực trại chăn nuôi gà, thôn Đại Điền, xã Tân Viên, huyện An Lão, Hải Phòng bị phủ trắng bởi hàng vạn chiếc chân gà nổi lềnh bềnh, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Trước phản ánh trên, chính quyền xã Tân Viên, huyện An Lão đã vào cuộc xác minh, kiểm tra và bước đầu nhận định nguyên nhân của việc ô nhiễm trên do một số hộ nuôi cá trên địa bàn thu mua chân gà làm thức ăn cho cá, sau đó đổ thẳng xuống sông. Tuy nhiên, do thức ăn quá nhiều, không tiêu thụ hết nên số chân gà trên bị thối rữa, nổi trên mặt sông, bốc mùi.
Theo phản ánh trực tiếp từ các hộ dân sống gần trang trại chăn nuôi gà ở xã Mỹ Đức, trước kia, nhiều chủ trang trại còn đem cơm nguội, nội tạng, thịt và chân lợn, mỡ thừa từ các nhà hàng đến đây đổ xuống sông cho cá ăn. Gần đây, cứ vài ba hôm họ lại đổ từng bao tải chân gà, không rõ nguồn gốc từ đâu quẳng xuống lòng sông.
Chị M. – một hộ trong khu Trại Gà nói: "Việc đổ thức ăn thừa xuống lòng sông gây ô nhiễm môi trường kéo dài đã gần 2 năm nay. Trước đây, họ đổ cả ngày lẫn đêm, nhưng giờ chỉ đổ về đêm. Thường thì họ chở cả ô tô chân gà đến bờ sông phía xã Mỹ Đức đổ, sau số thức ăn này trôi dạt về bên Tân Viên. Mấy hôm trước, chân gà nổi khắp bờ sông thôn Đại Điền, kéo dài hàng cây số, gặp thời tiết nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên càng khó chịu".
Một người dân cho biết thêm, nước sông khu vực này ô nhiễm rất nặng, quanh năm bốc mùi khó chịu, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến trồng trọt và chăn nuôi. Mỗi khi xả nước ở các đầm nuôi cá vào các cánh đồng thường làm chết lúa, giảm năng suất lúa. Còn số chân gà không rõ nguồn gốc, nếu mang theo dịch bệnh các nơi đổ vào nguồn nước, gà vịt được chăn nuôi ở khu vực trên cũng bị ảnh hưởng. Nhiều người dân bày tỏ lo ngại, mỗi khi xả nước thì toàn bộ nước trong đầm xả thẳng ra bên ngoài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sạch của thành phố.
Trao đổi với Báo Gia đình và Xã hội, ông Nguyễn Văn Trãi - Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ thừa nhận, thực trạng nước sông quanh khu vực chân gà nổi có màu đen, có nguy cơ ô nhiễm môi trường bởi nơi đây tập trung nhiều trang trại, gia trại nuôi gia súc, gia cầm. "Nhiều năm nay, công ty đã có những giải pháp bảo vệ nguồn nước, điều tiết bằng công tác vận hành công trình, khống chế, đẩy ra khỏi hệ thống, không cho nước ở khu vực này chảy vào Đa Độ", ông Trãi lý giải.
Theo quan sát của nhóm phóng viên báo Gia đình & Xã hội, khu vực đầm cá và cống chặn đoạn sông này chỉ cách nhà máy nước sạch Cầu Nguyệt hơn 1 km.
Sau khi chính quyền 2 xã tiến hành trục vớt, thu gom và xử lý, hiện bề mặt sông Đa Độ khu vực thôn Đại Điền không còn một chiếc chân gà nào, từng đám bèo tây được quây lưới sát bờ, nước sông tại đây cũng đã dần trong xanh trở lại.