Hải Phòng sẵn sàng ứng phó diễn biến bão WIPHA
Thời điểm trước khi bão WIPHA đổ bộ, Hải Phòng đã tập trung cao độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ứng phó.
3 kịch bản ứng phó với bão
Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự UBND TP Hải Phòng đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó với bão WIPHA (bão số 3) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Theo đó, kịch bản thứ nhất, khi bão gần biển Đông di chuyển nhanh và có khả năng gây ảnh hưởng đến địa bàn thành phố. kịch bản thứ hai khi bão trên biển Đông, gió mạnh cấp 8 - 15, có khả năng gây ảnh hưởng đến địa bàn thành phố và kịch bản thứ ba khi bão trên đất liền, gió bão mạnh cấp 8 - 15, ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn thành phố.

Hải Phòng sẵn sàng ứng phó bão số 3 (Ảnh: Đàm Thanh)
Theo báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Hải Phòng, đến hết ngày 20/7, các đơn vị địa phương đã thông báo hướng dẫn 1.657 phương tiện với 4.668 lao động vào nơi tránh trú an toàn; cảnh báo gần 9.900 lồng bè và hơn 16 nghìn khách du lịch tại Cát Bà, trong đó có khoảng 2.500 khách quốc tế. Đến nay, không còn tàu chưa liên lạc được và không có tàu hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Tại địa bàn 114 xã, phường, đặc khu trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, xây dựng phương án sơ tán dân ở vùng ven sông, ven biển, trũng thấp và triển khai theo phương châm “bốn tại chỗ”. Đã thiết lập nhóm Zalo kết nối trực tiếp với Chủ tịch UBND cấp xã và các sở, ngành để đảm bảo chỉ đạo nhanh chóng, hiệu quả.
Các địa phương, công ty thủy lợi chủ động thực hiện tiêu nước đệm, vận hành hệ thống tiêu thoát, hồ chứa, kênh mương; kiểm tra 75 trọng điểm đê điều xung yếu, chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho hơn 56000 ha lúa, gần 29000 ha cây ăn quả, 12000 ha cây rau màu vụ hè thu; thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, gia súc, gia cầm (640000 con gia súc; 16 triệu con gia cầm) và 21000 ha nuôi trồng thủy sản.
Các đơn vị, địa phương rà soát, kiểm tra 180 khu chung cư cũ xuống cấp, trong đó 59 chung cư cấp độ D (cấp nguy hiểm); rà soát có 7000 hộ với 20 nghìn người dân tại các khu vực nguy hiểm, tại các chòi canh trên các lồng bè thủy sản và trên các phương tiện thủy đã về nơi neo đậu cần di dời khi có tình huống. Đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa điểm sơ tán.
Thành phố đã dự trữ tại chỗ hơn 1,1 triệu bao tải, 165 nghìn mét bạt, 47 nghìn kg dây thép và nhiều vật tư thiết yếu khác. Các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, phòng cháy chữa cháy với khoảng 56000 người sẵn sàng huy động ứng trực khi có yêu cầu. Các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án hộ đê, phương án sơ tán dân, phương án bảo vệ hồ đập, công trình đê điều, thủy lợi xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực, trang thiết bị để triển khai ứng phó theo các phương án được duyệt. Tổ chức thường trực, trực ban theo chế độ 24/24h tại các cấp.
Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng đã quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tài sản của Nhân dân. Đến hết chiều 20/7, công tác ứng phó đang diễn ra hiệu quả, với hàng ngàn phương tiện đã được hướng dẫn vào nơi trú ẩn an toàn. Đã có tổng cộng 1.624 phương tiện với 4.561 lao động neo đậu an toàn tại các bến và khu vực tránh trú bão được chỉ định.
Trong đó, phần lớn là tàu cá (1.203 phương tiện/3.604 lao động), cùng với các tàu chở khách, tàu vận tải và các phương tiện khác cũng đã vào neo đậu an toàn. Hiện không có phương tiện nào bị mất liên lạc hay hoạt động trong vùng nguy hiểm. Đối với hệ thống lồng bè và chòi canh trên biển, tổng số 157 lồng bè với 289 lao động cũng đã được thống kê và đang được theo dõi chặt chẽ. Đáng chú ý, không có lồng bè hay chòi canh nào nằm trong vùng nguy hiểm.
Từ 17h chiều 20/7, Hải Phòng chính thức cấm biển. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng đã thông báo nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi; dừng các hoạt động tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long; hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển, đảo.
Bộ Chỉ huy Quân sự, UBND các xã, phường, đặc khu thường xuyên thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển; số lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, chòi canh; bằng mọi biện pháp vào nơi tránh, trú an toàn; sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu, các công việc này phải hoàn thành trước 21h ngày 20/7.
Sở Xây dựng TP Hải Phòng đã đề nghị các địa phương, đơn vị quản lý công trình căn cứ tình hình thời tiết cụ thể cấm hoạt động bến khách ngang sông, các cầu lớn vượt sông khi có tình huống khẩn cấp.
Để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân do ảnh hưởng của bão số 3, UBND TP Hải Phòng có văn bản chỉ đạo yêu cầu Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Công an thành phố, UBND cấp xã và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bình ổn thị trường.
Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và các đơn vị cung cấp dịch vụ thiết yếu chủ động kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, LPG... không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng gây tăng giá bất thường. Hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nhóm mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu…sẽ bị xử lý nghiêm.
Chỉ đạo sát sao
Tại cuộc họp ngày 20/7, với lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương để triển khai công tác phòng, chống Bão số 3, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Ngọc Châu nhấn mạnh, việc chủ động ứng phó với bão số 3 là nhiệm vụ cấp bách, yêu cầu các cấp, ngành quán triệt nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe người dân và tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao cảnh giác, không chủ quan với diễn biến phức tạp của bão. Các lực lượng phải thực hiện nghiêm chế độ ứng trực, sẵn sàng xử lý tình huống xảy ra.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu kiểm tra công tác phòng, chống Bão số 3
Kiểm tra công tác phòng, chống Bão số 3 tại đặc khu Cát Hải, xã Hà Đông và phường Đồ Sơn, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã có nhiều chỉ đạo ứng phó bão số 3.
Tại tuyến đê biển Cát Hải và Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống bão, quán triệt tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo thành phố: ưu tiên tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu Cát Hải khẩn trương kiểm đếm tàu cá, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thủy sản và hướng dẫn di chuyển về nơi trú tránh an toàn; tổ chức đưa khách du lịch rời đảo Cát Bà trước khi thành phố ban hành lệnh cấm biển.
Thực hiện các biện pháp chằng chống, gia cố nhà cửa người dân, cơ sở kinh doanh lữ hành và các công trình đang thi công nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ. Hệ thống cảng biển tại đảo Cát Hải phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công nhân, người lao động trong khu vực; các doanh nghiệp khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ xếp dỡ hàng hóa, giải phóng tàu ra khỏi các âu cảng trước khi Bão số 3 đổ bộ.
Đối với các Sở, ngành, địa phương, đặc biệt là các xã, phường, đặc khu ven biển, Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu duy trì nghiêm chế độ trực 24/24h, thường xuyên cập nhật, theo dõi sát diễn biến bão để chủ động xử lý tình huống đột xuất.
Riêng với sản xuất nông nghiệp, Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra, có phương án bảo vệ diện tích lúa, hoa màu đã gieo trồng, chủ động các biện pháp tiêu thoát nước, hạn chế thiệt hại do mưa lớn gây ra, đặc biệt tại các vùng trũng thấp khu vực phía Đông và phía Tây thành phố.
Kiểm tra chống tác phòng, chống bão số 3 tại tuyến đê hữu Văn Úc tại xã Hà Đông ở phía Tây thành phố và cảng cá Ngọc Hải– nơi neo đậu và tránh trú bão của hàng trăm phương tiện khai thác thủy sản của thành phố và các tỉnh; tuyến đê biển 1 trên địa bàn phường Đồ Sơn, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh mặc dù các địa phương đã sớm triển khai công tác ứng phó và phòng, chống với các kịch bản mà Bão số 3 và hoàn lưu bão có thể đổ bộ vào Hải Phòng, song không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị các Sở, ngành thành phố và xã Hà Đông cần triển khai ngay các biện pháp gia cố những vị trí đê xung yếu; chuẩn bị sẵn vật tư, thiết bị và nhân lực để ứng phó với những tình huống phát sinh.
Cần tính đến phương án sơ tán người dân ở khu vực ngoài đê đến các trường học, trụ sở cơ quan nhằm tránh nguy cơ ngập lụt khi mưa lớn gặp triều cường; tuyên truyền, vận động người dân tại các ô lồng, giàn bè nuôi thủy sản khẩn trương vào nơi tránh trú bão an toàn, sẵn sàng cưỡng chế những trường hợp cố tình không chịu di chuyển; lực lượng vũ trang và công an sẵn sàng hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, các vị trí đê kè, cống thủy lợi xung yếu, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Tại tuyến đê biển 1 Đồ Sơn, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị chính quyền địa phương và các nhà thầu đang thi công tại Dự án kè Mỏ Hàn cần dừng ngay việc thi công, bảo đảm an toàn công trình và triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ những hạng mục đã hoàn thành cũng như duy trì chế độ trực ban trước, trong và sau bão nhằm sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra khi bão đổ bộ vào, góp phần bảo đảm an toàn tuyến đê biển và an toàn công trình thi công.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Ngọc Châu kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại các Cảng biển Chùa Vẽ, Tân Vũ, Nam Đình Vũ và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, 1 số khu vực tại phường Hải An và xã Thái Tân.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Ngọc Châu kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Tại các Cảng biển Chùa Vẽ, Tân Vũ, Nam Đình Vũ sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Ngọc Châu lưu ý đây là cơn bão mạnh, có sức ảnh hưởng lớn, do đó, công tác phòng chống bão phải được tập trung cao độ.
Giai đoạn trước bão là vô cùng quan trọng, thời gian không còn nhiều, các đơn vị, doanh nghiệp phải tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản nhất là các vị trí xung yếu, cầu tàu, bến cảng, khu hậu cần dịch vụ cảng…, chằng chống, hạ thấp độ cao xếp tầng các container, cẩu trục, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện thủy neo đậu nơi tránh trú an toàn, đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động.
Từ công tác phòng chống bão Yagi năm ngoái, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu các đơn vị phát huy những biện pháp phòng chống hiệu quả, đồng thời rút kinh nghiệm từ những hạn chế để ứng phó tốt nhất với bão Wipha.
Tại Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu đơn vị triển khai kịp thời các phương án ứng phó toàn diện, đảm bảo hệ thống thông tin, liên lạc hoạt động ổn định, kiểm tra, chằng néo các công trình, đài trạm theo phương án đã được phê duyệt; bố trí lực lượng kỹ thuật trực 24/24, sẵn sàng khắc phục mọi sự cố, xây dựng phương án ứng phó với tình huống thời tiết xấu, phân công nhiệm vụ rõ ràng, chủ động xử lý hiệu quả các tình huống khẩn cấp.
Kiểm tra công tác sản xuất nông nghiệp và hoạt động của trạm bơm Chu Đậu (xã Thái Tân), Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp bảo vệ diện tích lúa mới gieo cấy, chủ động tiêu nước đệm, phòng chống úng ngập nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, lưu ý trạm bơm phải luôn trong trạng thái sẵn sàng, đảm bảo vận hành trơn tru khi xuất hiện mưa lớn gây ngập úng cho cây trồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Trần Văn Quân kiểm tra tại khu vực nuôi thả cá lồng.
Kiểm tra công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi cá trên sông tại địa bàn phường Nam Đồng và xã Thái Tân, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Trần Văn Quân lưu ý các hộ dân nuôi cá lồng trên sông theo dõi sát diễn biến của thời tiết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai.
Đồng thời, kiểm tra lại vị trí đặt lồng cá, tiến hành di chuyển lồng cá vào nơi an toàn. Bà con cần rà soát kỹ lưỡng, gia cố lại trụ cột, thay thế, bổ sung dây chằng định vị, hệ thống phao nổi, lưới cũ, rách, bảo đảm chịu được áp lực, lưu tốc dòng chảy lớn khi xảy ra mưa bão.
Ông Quân yêu cầu các hộ luôn chấp hành quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn khi đầu tư lồng nuôi cá trên sông, chỉ nuôi thả ở các khu vực được quy hoạch để đảm bảo an toàn. Đồng thời đề nghị, đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo của thành phố và các cơ quan chuyên môn, tích cực, tuyên truyền vận động người dân chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi cá; chuẩn bị sẵn sàng các phương án và hỗ trợ kịp thời người dân khi có tình huống phát sinh, giảm thiểu thiệt hại kinh tế khi bão lũ xảy ra.