Hải Phòng: Tạm dừng việc di dời trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật

Qua lắng nghe ý kiến từ dư luận cũng như đông đảo văn nghệ sỹ về việc di dời trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật (19 Trần Hưng Đạo, Hải Phòng) về khu nhà cấp 4 ở Minh Khai không xứng tầm với vị thế của Hội, Thường trực Thành ủy Hải Phòng đã quyết định tạm dừng việc di dời này.

Di dời để sắp xếp, xử lý tài sản

Theo phản ánh từ một số văn nghệ sỹ Hải Phòng – hội viên của Liên hiệp Văn học nghệ thuật (LHVHNT) Hải Phòng, khoảng 2 năm về trước, thành phố Hải Phòng đã có cuộc họp bàn chủ trương với các Sở, ban, ngành thành phố về việc di dời trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố (Hội) ở khu nhà Pháp cổ (19 Trần Hưng Đạo) sang chốn mới.

Trụ sở cũ của Hội LHVHNT Hải Phòng trước ngày di dời. Ảnh: Hải Yến

Trụ sở cũ của Hội LHVHNT Hải Phòng trước ngày di dời. Ảnh: Hải Yến

Thời điểm đó, chủ trương họp bàn có đưa ra 2 địa điểm để chuyển Hội về. Địa điểm thứ nhất tầng trệt tòa nhà 5 tầng khu tái định cư ở phường Đông Khê (thiết kế là khu vực để xe của tòa nhà), xung quanh đầy cỏ dại, vỉa hè lún sụt, bong vỡ cả gạch lát, xuống cấp. Địa điểm thứ 2 là 1 nhà kho xây dựng từ thời bao cấp trên đường Hoàng Diệu (gần Cảng Hải Phòng). Phía đại diện Sở tài chính lúc đó có nhấn mạnh, Hội LHVHNT không thuộc diện được bố trí trụ sở mà phải tự thuê bằng tiền hoạt động ngân sách thành phố cấp.

Họa sĩ Đặng Tiến, Ủy viên Thường vụ Hội LHVHNT, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng cho biết: "Trụ sở Hội LHVHNT là một phần bộ mặt văn hóa của thành phố, vì thế đừng để nó quá xấu".

Nay mai, trụ sở Hội LHVHNT Hải Phòng sẽ chỉ còn là ký ức của người dân thành phố Cảng và giới văn nghệ sỹ Hải Phòng sau khi bị di dời về chốn mới

Nay mai, trụ sở Hội LHVHNT Hải Phòng sẽ chỉ còn là ký ức của người dân thành phố Cảng và giới văn nghệ sỹ Hải Phòng sau khi bị di dời về chốn mới

Sau cuộc đó, Hội LHVHNT Hải Phòng cũng đã có văn bản gửi thành phố, đề nghị nếu chuyển đổi trụ sở thì cấp cho Hội LHVHNT một địa điểm có diện tích và công năng tương đương (nếu được giao) cho phù hợp với mô hình hoạt động của 9 hội chuyên ngành với hơn 700 hội viên. Hội LHVHNT Hải Phòng đã nhiều lần có văn bản đề nghị nhưng chưa được phản hồi cụ thể, thay vào đó là văn bản 6443/UBND ngày 13/9/2021 của UBND thành phố Hải Phòng thay đổi địa điểm mới cho Hội sang số 6-8 Minh Khai, quận Hồng Bàng, Hải Phòng.

Trong văn bản này, UBND TP Hải Phòng nêu lý do phải thu hồi trụ sở 19 Trần Hưng Đạo của các Hội đặc thù (Hội LHVHNT, Hội Bảo trợ người tàn tật, Hội chữ thập đỏ, Liên hiệp các hội KHKT, Hội người mù, Hội Đông y thành phố Hải Phòng v.v.) nhằm "thực hiện việc sắp xếp và xử lý tài sản theo quy định theo hướng ưu tiên sử dụng vào các mục đích công cộng phục vụ nhân dân. Trường hợp không thể sử dụng vào các mục đích công cộng sẽ bán đấu giá để tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố".

Trụ sở Hội còn là bộ mặt văn hóa thành phố

Mọi việc tưởng sẽ êm xuôi nhưng không ngờ, khi tận mắt chứng kiến trụ sở mới mà Hội sẽ chuyển về, nhiều văn nghệ sỹ của Hội đã bày tỏ sự thất vọng. Trong suy nghĩ của những người làm nghệ thuật, không ai nghĩ rằng bộ mặt văn hóa thành phố lại có thể tạm bợ như thế.

Nhìn trụ sở mới mà thành phố bố trí cho Hội LHVHNT, giới văn nghệ sỹ Hải Phòng không khỏi ngán ngẩm

Nhìn trụ sở mới mà thành phố bố trí cho Hội LHVHNT, giới văn nghệ sỹ Hải Phòng không khỏi ngán ngẩm

Nhìn trụ sở mới đang xây mà thành phố có kế hoạch bàn giao cho Hội, đông đảo nghệ sỹ không khỏi xót xa. Trong khuôn viên số 6-8 Minh Khai là gian nhà cấp 4 chật hẹp, chỉ có vài cabin phân chia chỗ ngồi cho cán bộ văn phòng Hội, trong khi Hội có tới 700 văn nghệ sĩ thường xuyên sinh hoạt, hội họp, triển lãm, trưng bày các di sản văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh v.v...

Họa sĩ Đặng Tiến, UV Ban Thường vụ Hội LHVHNT Hải Phòng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng ngậm ngùi chia sẻ: "Nhìn ảnh trụ sở Hội mới, nhiều người bảo giống nhà trông trẻ, người bảo không bằng cái nhà văn hóa xã, trạm y tế xã...".

Nhà văn Dương Thị Nhụn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng, tâm tư: "Mấy ngày nay, chúng tôi liên tục qua 19 Trần Hưng Đạo để ghi lại những hình ảnh cuối trước khi phải di dời trụ sở, nhất là bộ bàn ghế cụ Nguyên Hồng từng ngồi làm việc... Trụ sở mới nom như cái nhà trọ cho thuê chật chội, không biết có chỗ nào để kê bộ bàn ghế ấy không".

Với phần diện tích nhỏ hẹp, quy mô cấp 4, đông đảo hội viên Hội LHVHNT lo ngại không đảm bảo công năng sử dụng và hoạt động thường xuyên của Hội

Với phần diện tích nhỏ hẹp, quy mô cấp 4, đông đảo hội viên Hội LHVHNT lo ngại không đảm bảo công năng sử dụng và hoạt động thường xuyên của Hội

Đạo diễn sân khấu Quang Ngọc thì bày tỏ sự thất vọng bằng cách đưa lên Facebook cá nhân một loạt các trụ sở đàng hoàng, bề thế của hội văn nghệ các tỉnh như Quảng Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Cà Mau, Bạc Liêu….

Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng của Ban Chấp hành mở rộng Hội LHVHNT Hải Phòng mới đây (29/7), các văn nghệ sĩ được mời đã chất vấn Thường trực Hội LHVHNT Hải Phòng về việc này.

Các văn nghệ sĩ Hải Phòng bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn có sự thay đổi trong tư duy, cách nhìn và sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo thành phố Hải Phòng cho Hội. Cụ thể là một trụ sở mới đàng hoàng và đầy đủ công năng hơn để văn nghệ sĩ đất Cảng có một tổ ấm xứng tầm với vị thế của thành phố Hải Phòng - đô thị loại 1 cấp quốc gia.

Nếu buộc phải di dời khỏi vị trí hiện tại để đến trụ sở mới tại số 6-8 Minh Khai vì sự phát triển chung của thành phố, Hội đề nghị thành phố quan tâm, có quyết định cấp, bàn giao hẳn (chứ không phải cho thuê hoặc cho mượn tạm) trụ sở mới để Hội hoạt động ổn định lâu dài.

Mặt khác, do diện tích phần đất nơi dự kiến làm trụ sở mới nhỏ hẹp, nên Hội kính đề nghị UBND thành phố cho xây dựng thành ngôi nhà 3 tầng, với các phòng làm việc, phòng chức năng có diện tích, quy mô và công năng phù hợp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu làm việc và hoạt động của Hội".

Tạm dừng di dời trụ sở

Liên quan phản ánh trên, tại cuộc giao ban báo chí chiều ngày 5/9, bà Đào Khánh Hà - Trưởng ban Tuyên giáo thành phố hải Phòng chia sẻ: "Vừa qua, khi xuất hiện nhiều ý kiến phản đối từ phía văn nghệ sỹ thành phố trên mạng xã hội về việc di dời trụ sở, với trách nhiệm của Ban Tuyên giáo, cơ quan liên quan, chúng tôi cũng đã nắm bắt, trao đổi thông tin với Hội.

Việc rà soát các trụ sở, các cơ quan do Nhà nước quản lý là chủ trương chung của thành phố. Theo quy định, những hội đặc thù như Hội VHNT sẽ phải trả tiền thuê nhà và số tiền thuê khá lớn. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý công trình do nhà nước quản lý, trong đó có trụ sở của Hội LHVHNT, thành phố nhận thấy có quá nhiều vấn đề. Cụ thể: nhà xuống cấp không có kinh phí để sửa chữa; tự ý cho thuê để làm quán ăn, quán cà phê, thậm chí có lúc thành rạp chiếu phim. Do đó, thành phố cần phải rà soát, xem xét lại việc sử dụng trụ sở Nhà nước của các hội; đồng thời, tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với tài sản công".

Bà Hà nhấn mạnh thêm: "Ý tưởng của thành phố là đưa một số hội về đường Minh Khai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nảy sinh một số bất cập như không thể xây tòa nhà cao tầng vì liên quan nguồn gốc đất đai... Hiện Ban Tuyên giáo thành phố cũng đã báo cáo Ban thường trực Thành ủy về vấn đề này. Qua đó, Thường trực Thành ủy yêu cầu tạm dừng việc di dời trụ sở của Hội, thay vào đó, giao UBND thành phố rà soát lại tất cả các hội đặc thù trên địa bàn theo tinh thần bố trí làm sao phù hợp với chức năng, tính chất đặc thù của các đơn vị trong phạm vi cho phép. Chủ trương của thành phố là đưa các hội về một nơi sao cho tiết kiệm chi phí cho các hội đặc thù sau khi nhiều cơ quan ban ngành chuyển sang bên trung tâm hành chính huyện Thủy Nguyên".

Trụ sở 19 Trần Hưng Đạo, quận Hồng Bàng, Hải Phòng là khu biệt thự cổ, tòa nhà cổ xây dựng từ thời Pháp, liệt vào hạng di sản kiến trúc, tọa lạc ở mặt tiền các phố trung tâm nhất Hải Phòng như Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Lê Đại Hành, Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung...

Biệt thự sân vườn đẹp đẽ đậm chất văn hóa số 19 Trần Hưng Đạo - trụ sở Hội LHVHNT Hải Phòng được khẳng định là vị trí "kim cương" vì có 2 mặt tiền, nhìn ra dải công viên cây xanh giữa thành phố, cách Nhà hát và Quảng trường trung tâm thành phố Hải Phòng chỉ khoảng 200m.

Nơi đây đã gắn với tên tuổi các văn nghệ sĩ nổi tiếng, gạo cội của cả nước như Văn Cao, Thế Lữ, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Trần Hoàn, Lê Đại Thanh, Duy Khán v.v…

Minh Lý - Hải Yến

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/hai-phong-tam-dung-viec-di-doi-tru-so-hoi-lien-hiep-van-hoc-nghe-thuat-172220803165300149.htm