Hải Phòng tiếp tục đưa các chương trình thuộc Đề án Sân khấu truyền hình đến với công chúng
Năm 2024, Đề án Sân khấu truyền hình - 'thương hiệu' đặc sắc riêng có, là món ăn tinh thần không thể thiếu của công chúng TP. Hải Phòng mỗi dịp cuối tháng sẽ tiếp tục có những chương trình, vở diễn trong tháng 4, tháng 5 tới đây.
Chiều 22/3, Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng tổ chức Lễ khai trương vở múa rối “Trê Cóc tranh con”. Đây là vở diễn thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng số tháng 5/2024.
Vở diễn được NSND Phạm Xuân Thấm chuyển thể từ kịch bản Chèo của tác giả Trần Đình Ngôn, mang đậm chất dân gian, từng được giải toàn quốc vào năm 2001. Vở diễn được thực hiện với êkip: Đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng, họa sỹ sáng tác maket nhân vật rối NSND La Viết Sinh, họa sỹ thể hiện nhân vật rối NSƯT Thế Khiển, họa sỹ thiết kế maket và thể hiện sân khấu Ngô Thắng, nhạc sỹ Tuấn Nghĩa, chịu trách nhiệm chương trình Trưởng đoàn Nguyễn Thị Thu Thủy, qua phần thể hiện của tập thể nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng và một số đơn vị nghệ thuật Thành phố.
“Trê Cóc tranh con” có nội dung phê phán lòng tham, ích kỷ của thói đời, vì những lợi nhuận của cá nhân mà dùng mọi thủ đoạn hòng chiếm đoạt của cải của người khác. Trong vở diễn, Vua ban sắc lệnh Luật đầm ao, đếm cá chia ao, vợ chồng nhà Trê lừa gạt đàn con nòng nọc của chị Cóc để có thêm nhân khẩu nhận phần. Tình đoàn kết giống nòi của họ nhà Cóc đã mang lại công bằng giúp chị Cóc đòi lại đàn con.
Vở diễn mang đến triết lý dù có nhiều mưu mô thủ đoạn, dù có sự che chở bênh vực của một hay nhiều thế lực thì sớm muộn tội ác cũng phải phơi bày. Luật nào cũng không bằng luật trời, người tính không bằng trời tính, mưa rào trút xuống, nòng nọc đứt đuôi chính là những đứa con của chị Cóc. Vở diễn muốn nhắc nhở mọi người hãy sống trung thực, hãy vì cộng đồng, đừng coi thường luật Vua, phép nước rồi lại bị búa rìu của pháp luật như vợ chồng nhà Trê, thầy Đề và bà Huyện.
Phát biểu tại lễ khai trương vở diễn, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật TP. Hải Phòng cho biết: Vở diễn đã được dàn dựng rất thành công với loại hình nghệ thuật chèo, tuy nhiên lần này kịch bản được thể hiện thông qua loại hình nghệ thuật múa rối. Lãnh đạo ngành tin tưởng với êkip thực hiện gồm nhiều nghệ sĩ được nhà nước vinh danh là Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, cùng với lòng say mê, yêu nghề của các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, vở diễn sẽ mang tới nhiều bài học sâu sắc, lan tỏa giá trị nhân văn tới khán giả trẻ của thành phố, đây cũng là món quà nghệ thuật dành cho các em nhỏ nhân ngày Tết Thiếu nhi 1/6.
Theo kế hoạch, vở diễn được truyền hình trực tiếp trên kênh sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng vào tối ngày 18/5/2024 từ Nhà hát Sông Cấm (số 274 đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền).
Trước đó, ngày 21/3, Đoàn Ca múa Hải Phòng đã khai trương chương trình “Ngô Thụy Miên - Người viết tình ca”, thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng số tháng 4/2024.
Chương trình ca múa nhạc “Ngô Thụy Miên- Người viết tình ca” do Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Đoàn Ca múa Hải Phòng thực hiện với ekip thực hiện gồm: Tổng đạo diễn NSND Kiều Lê; Đạo diễn âm nhạc, nhạc sĩ Đỗ Bảo; Biên đạo: NSND Kiều Lê, NSƯT Trung Dũng, NSƯT Thu Dung; Thiết kế mỹ thuật: Nhà thiết kế Phùng Nam Thắng, với sự tham gia biểu diễn của tập thể Đoàn Ca múa Hải Phòng và các nghệ sĩ, diễn viên Trung ương.
Thông qua chương trình ca múa nhạc “Ngô Thụy Miên – Người viết tình ca” nhằm xây dựng nên một chân dung con người Ngô Thụy Miên tài hoa, giản dị, khiêm cung và cũng hết mực thủy chung, sâu sắc. Dẫn dắt cảm xúc của khán giả đi qua những cung đường của tình yêu, vui buồn cùng chuyện tình của nhạc sĩ cũng như thấy được chuyện tình của mình, ký ức một thời của mình cùng gia đình, bạn bè trong ca khúc đó.
Phát biểu giao nhiệm vụ, bà Trần Thị Hoàng Mai nhấn mạnh, Hải Phòng là địa phương có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa nghệ thuật, là vùng đất đã sản sinh, nuôi dưỡng những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Thành phố từng tổ chức những chương trình về các nhạc sĩ tên tuổi của Việt Nam, Hải Phòng, như Văn Cao, Đoàn Chuẩn... Việc tổ chức chương trình về nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nhằm giới thiệu tới công chúng sự nghiệp và những tác phẩm đi cùng năm tháng của ông. Lãnh đạo Sở đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của chương trình sẽ thu hút được đông đảo khán giả không chỉ của TP. Hải Phòng mà còn của các tỉnh, thành lân cận về với Nhà hát thành phố.
Được biết, năm 2024 là năm thứ 4 triển khai thực hiện, chương trình Sân khấu truyền hình đã trở thành một “điểm hẹn” văn hóa nghệ thuật của những người yêu nghệ thuật sân khấu và yêu sân khấu Hải Phòng. Mỗi tháng, trong tuần cuối cùng của tháng sẽ có một chương trình nghệ thuật được truyền hình trực tiếp thông qua sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng để đến với công chúng yêu nghệ thuật cả nước. Việc công diễn hằng tháng chương trình, vở diễn Sân khấu truyền hình cũng trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân thành phố Cảng.
Để phát huy những kết quả đạt được của Đề án Sân khấu truyền hình, năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã tham mưu Thành phố quyết định 12 số trong chương trình năm. Trong đó, chất lượng các kịch bản - yếu tố then chốt quyết định thành công của tác phẩm sân khấu được bảo đảm.
Theo Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, sở cũng đã quan tâm phát động để động viên các tác giả sân khấu sáng tác về đề tài Thành phố, đồng thời tổ chức lưu diễn ngoại thành, hải đảo để tất cả các tầng lớp nhân dân đều được thưởng thức nghệ thuật trực tiếp, kéo gần khoảng cách hưởng thụ nghệ thuật giữa trung tâm thành phố với vùng sâu, vùng xa. Trong đó, các chương trình, vở diễn tái hiện các di tích, danh thắng nổi tiếng của thành phố cũng là một trong những “mũi nhọn” để nâng cao chất lượng Đề án Sân khấu truyền hình năm 2024.