Hải Phòng và Thanh Hóa chảy ngược dòng, 'sốt' đất vẫn tiếp diễn

Trong khi thị trường bất động sản trong nước bắt đầu hạ nhiệt, thì tại Thanh Hóa và Hải Phòng, 'sốt' đất vẫn diễn ra, giá đất nền tiếp tục leo thang.

Sau 3 tháng bùng nổ hàng loạt các đợt “sốt” đất, thị trường bất động sản Việt Nam thời điểm này tương đối bình lặng. Hầu hết, các cơn “sốt” đều nhanh chóng hạ nhiệt. Tuy nhiên, hiện nay tại bất động sản tại Thanh Hóa và Hải Phòng vẫn “sốt”.

Đất Hải Phòng tăng “nóng”

Ngay trong thời điểm cuối tháng 4/2021, bất động sản Hải Phòng, nhất là các huyện ngoại thành đang trở thành điểm nóng, thu hút một lượng lớn nhà đầu tư từ khắp miền Bắc đổ về, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Bất động sản các huyện ngoại thành Hải Phòng đang "sốt".

Theo ghi nhận của PV Báo Nhà báo và Công luận, tại huyện An Dương, cuối năm 2020, giá đất tại các xã An Đồng, Hồng Phong, Đồng Thái, Hồng Thái;... có giá giao dịch trên thị trường khoảng 5 - 8 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng lên 13 - 15 triệu đồng/m2.

Đặc biệt tại xã Lê Lợi, nơi vừa có một dự án chung cư có vốn của doanh nghiệp Hàn Quốc, giá đất toàn tuyến cũng tăng gấp đôi, lên ngưỡng 25 - 30 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Tại Thủy Nguyên, trong khu vực trung tâm thị trấn Núi Đèo, giá đất mặt đường đã tăng trên 100 triệu đồng/m2, tương đương giá với nhiều khu đất trong trung tâm thành phố.

Khu vực tại định cư Bắc Sông Cấm, giá đất cũng tăng từ 35 - 40 triệu đồng/m2, lên 55 - 71 triệu đồng/m2. Các xã Tân Dương, An Lư, Thủy Đường, Lưu Kiếm, Quảng Thanh cũng tăng khoảng 30% - 40%, tùy nơi.

Không chỉ tại An Dương và Thủy Nguyên, ngay tại các huyện thuần nông như An Lão, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, giá đất cũng tăng 30% - 40%, tùy nơi. Thậm chí, tại thị trấn Núi Đối, một số chủ đất mặt đường còn rao bán 70 - 80 triệu đồng/m2, mức gia cao chưa từng thấy tại khu vực này.

Theo giới chuyên gia, sở dĩ bất động sản Hải Phòng tăng mạnh là do thành phố này đang có nhiều quy hoạch mang tính chiến lược, như việc đề xuất huyện Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng. Hoặc tại Kiến Thụy, An Dương cũng có thông tin quy hoạch lên quận vào năm 2030.

Tuy nhiên, các thông tin quy hoạch nêu trên không thể khiến giá đất tại Hải Phòng tăng gấp đôi, gấp 3 lần chỉ trong vài tháng ngắn ngủi. Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng thừa nhận, sự tăng nóng của thị trường bất động sản Hải Phòng hiện nay là một hiện tượng bất bình thường.

Không loại trừ khả năng, sự tăng nóng của bất động sản Hải Phòng có sự nhúng tay của giới “cò” đất, nhằm thổi giá đất lên cao để trục lợi bất chính. Do đó, trước khi có quyết định xuống tiền, ông Thanh khuyên nhà đầu tư đừng nên vội vàng và phải thật cẩn trọng.

Thanh Hóa “sốt” nhờ hàng loạt thông tin quy hoạch

Trong khi đó, tại Thanh Hóa, hàng loạt thông tin quy hoạch về giao thông, các dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn đã tạo sức bật cho thị trường bất động sản tăng mạnh.

Hải Tiến là khu vực "nóng" nhất tại Thanh Hóa.

Đơn cử, khu vực huyện Nghi Sơn có hàng loạt dự án giao thông đang triển khai như dự án giao thông như Quốc lộ 1A, đến điểm đầu tuyến Đông - Tây 4, đi qua cảng Nghi Sơn, đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1).

Trong khi đó, tại thành phố Thanh Hóa, nhờ vào sự đổ bộ của các “ông lớn” nước ngoài như AEON Việt Nam, Foxconn cũng khiến giá đất các xã vùng ven “nổi sóng”.

Tuy nhiên, “tâm điểm” của thị trường bất động sản Thanh Hóa, nằm ở các xã ven biển, nhất là khu vực Hải Tiến và Quảng Xương. Nhờ vào các dự án tỷ đô, xây dựng hàng loạt khu du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng đã khiến giá đất Hải Tiến tăng phi mã.

Cụ thể, đất ven biển có vị trí đẹp tại Quảng Xương vào năm 2020 có giá khoảng 4 - 7 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3, lên ngưỡng 15 - 16 triệu đồng/m2. Các vị trí khác cũng tăng từ 3 - 5 triệu đồng/m2, lên 9 - 12 triệu đồng/m2. Đất thổ cư cũng tăng từ 3 - 4 triệu đồng/m2, lên 7 - 8 triệu đồng/m2.

Tại khu vực ven biển Hải Tiến, giá đất ven biển cũng tăng từ 3 - 4 triệu đồng/m2 lên 8 - 12 triệu đồng/m2, chỉ trong 1 năm. Đất thổ cư cũng tăng từ 1 - 3 triệu đồng/m2, lên 8 - 10 triệu đồng/m2, tùy nơi.

Không chỉ đất ven biển, đất đấu giá tại Thanh Hóa cũng tăng nhanh, ví dụ như đất đấu giá loại 2 tại Quang Hùng, thành phố Sầm Sơn tăng 8 - 9 triệu đồng/m2 lên 13 - 15 triệu đồng/m2, chỉ sau 1 năm.

Đất đấu giá tại các xã Quảng Tiến, Quảng Châu, Quảng Vinh của thành phố Sầm SƠn cũng bị “thổi” gấp đôi so với đầu năm 2020, lên ngưỡng 45 - 58 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi rao bán trên 60 triệu đồng/m2;...

Trước tốc độ tăng giá bất thường của thị trường bất động sản, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản chỉ đạo các biện pháp nhằm ổn định thị trường bất động sản, tránh đầu cơ, gây sốt đất ảo. Trái ngược với nhiều địa phương, việc UBND tỉnh Thanh Hóa có chỉ đạo các cơ quan trực thuộc kiểm soát chặt việc quản lý đất đai, song các điểm nóng tại đây chưa có dấu hiệu hạ “sốt”.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hai-phong-va-thanh-hoa-chay-nguoc-dong-sot-dat-van-tiep-dien-post131016.html