Hải Phòng: Xem xét, bố trí ngân sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các quận, huyện xem xét, bố trí ngân sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm thực hiện các chỉ tiêu 2023.
Tính đến ngày 31/8/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn TP. Hải Phòng là 491.920 người, đạt tỷ lệ 47,58% so với lực lượng lao động trong độ tuổi của thành phố. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 465.594 người đạt 93,02% so với kế hoạch, tăng 4.274 người so với cùng kỳ năm trước.
Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 26.326 người, đạt 79,29% kế hoạch, tăng 2.165 người so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 446.732 người, đạt 92,77% kế hoạch, chiếm 43,21% lực lượng lao động trong độ tuổi của thành phố, tăng 3.222 người so với cùng kỳ năm trước.
Riêng số người tham gia bảo hiểm y tế là 1.921.768 người, đạt 98,64% kế hoạch, tăng 30.103 người so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ lệ 92,73% dân số toàn thành phố tham gia bảo hiểm y tế. Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt 8.668 tỷ đồng, đạt 62,75% kế hoạch, tăng 1.395.109 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Hải Phòng đặt mục tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 93% dân số; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 51,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó về bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 48,4%, về bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 3%. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 46,9% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.
Để thực hiện các chỉ tiêu đề ra, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội TP. Hải Phòng cho biết, Bảo hiểm Xã hội thành phố đã và đang khẩn trương đẩy mạnh triển khai toàn diện các mặt công tác ngay từ đầu năm. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải hóa giải, nhất là trong bối cảnh tình hình sản xuất của các doanh nghiệp nói chung và Hải Phòng nói riêng vẫn còn hạn chế nhất định. Thực trạng này sẽ tạo áp lực không nhỏ trong công tác thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Mới đây, UBND TP. Hải Phòng đã có Công văn số 2165/UBND-VX chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hải Phòng về việc tiếp tục phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào Nghị quyết của từng cấp ủy các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm của địa phương theo Nghị quyết số 69/NQ-CP và Quyết định số 546/QĐ-TTg để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Coi việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia là tiêu chí để xem xét khen thưởng, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp.
Ngoài ra, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các phương thức, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để cán bộ, đảng viên, chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa tính nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, từ đó nâng cao ý thức tự giác, ý thức chấp hành pháp luật về chính sách.
Thực hiện tốt việc chia sẻ, cung cấp thông tin về khai trình lao động của doanh nghiệp, kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân của các cơ quan quản lý về lao động, thuế, kế hoạch đầu tư... với cơ quan bảo hiểm xã hội; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sử dụng lao động, việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các đơn vị sử dụng lao động, nhất là đơn vị sử dụng nhiều lao động nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát hiện, ngăn chặn gian lận, trục lợi, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 3 tháng trở lên; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan liên quan tập hợp hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý đối với các hành vi gian lận, trốn đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.
Đặc biệt, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các quận, huyện xem xét, bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình cho người dân, nhất là số người mới thoát nghèo, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo,... có hoàn cảnh khó khăn nhằm mở rộng và duy trì người tham gia.