Hải Phòng: Xử phạt các trường hợp sử dụng lòng đường để tổ chức đám ma, đám cưới
Lấn chiếm lòng lề đường phục vụ nhu cầu, mục đích cá nhân từ lâu trở thành thói quen của người dân nhiều địa phương. Việc tận dụng lòng lề đường dựng rạp hay buôn bán còn gây ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông khu vực. Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, từ tháng 11/2022, Hải Phòng sẽ xử phạt mọi trường hợp vi phạm này.
Tại phiên họp thường kỳ mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Nguyễn Văn Tùng nêu rõ: Từ tháng 11, thành phố Hải Phòng sẽ xử phạt hành chính các trường hợp sử dụng lòng đường để tổ chức đám ma, đám cưới hoặc các sự kiện.
Ngay khi chỉ đạo trên được thông tin rộng rãi, phần lớn người dân đều đồng tình; một số nhỏ người dân thì băn khoăn bởi những địa điểm phục vụ cho sự kiện quy mô nhỏ ở thành phố còn khá hạn chế.
Anh Nguyễn Đình Giáp (Hoa Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng) phấn khởi chia sẻ: "Thành phố ra quyết định sẽ xử phạt những hộ lấn chiếm lòng đường rất hợp lòng dân. Tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để dựng rạp khiến việc đi lại, di chuyển của người dân xung quanh rất khó khăn. Ở huyện Thủy Nguyên, tìm kiếm địa điểm để tổ chức sự kiện phục vụ đám hiếu, đám hỉ gần như không có. Do đó, thành phố cũng nên có kế hoạch đầu tư nâng cấp xây dựng những khu, điểm tổ chức tiệc cưới, nhà đám…, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân".
Ông Vũ Tiến Lợi, 56 tuổi ở quận Hải An, Hải Phòng cho hay: Khó chịu nhất là thói dựng rạp chiếm hết 2/3 lòng đường rồi kéo dài linh đình suốt mấy ngày liền, ảnh hưởng cuộc sống của những người xung quanh. Có hôm vừa dắt xe máy ra khỏi cửa đưa con đi học thì bị cái rạp to khủng chặn hết lối đi. Thế là lại phải quay xe tìm đường khác rồi muộn học của con. Việc thành phố quyết định xử phạt tình trạng chiếm dụng lòng đường hoàn toàn hợp tình, hợp lý.
Đứng trước nỗi lo mất nguồn thu nhập khi người dân sẽ hạn chế dựng rạp ở lòng đường, vỉa hè tổ chức hiếu-hỉ, bà Nguyễn Thị Với - chủ cơ sở dịch vụ đám hiếu-đám hỉ ở quận Lê Chân, bày tỏ lo lắng: "Biết việc lấn chiếm lòng đường là sai nhưng có nhiều gia đình không đủ điều kiện để thuê điểm tổ chức nên đành dựng rạp cưới, hỏi tại nhà. Ngay trong trung tâm thành phố, địa điểm tổ chức cưới hỏi mức bình dân gần như không có mà tầng lớp công nhân, lao động phổ thông thì nhiều. Bản thân tôi làm nghề cho thuê rạp phục vụ nhà đám khi nghe thông tin thành phố sẽ xử phạt những hộ dân lấn chiếm lòng đường đã không khỏi lo lắng vì chắc chắn công việc bị cắt giảm nhiều, nguồn thu sẽ ít".
"Tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để tổ chức các "sự kiện" cần được làm triệt để, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa hướng tới nếp sống văn minh. Việc xử phạt các hành vi lấn chiếm lòng đường có từ rất lâu nhưng thành phố vẫn chưa làm triệt để khiến nhiều người tự cho rằng việc lấn chiếm lòng đường khi nhà có việc là chuyện hiển nhiên. Họ cho rằng khi dựng rạp, có cái biển thông báo từ xa "Nhà có đám, xin thông cảm tìm lối khác" là thoải mái dựng, sẽ không ai có ý kiến gì", anh Hoàng Văn Giang (phường Hải Thành, quận Dương Kinh) lên tiếng.
Để chủ trương đi vào cuộc sống, ngoài nâng cao ý thức, nhận thức chấp hành cho người dân, thành phố cũng cần quan tâm chăm lo xây dựng các nhà tang lễ, các trung tâm tổ chức sự kiện nằm ở các vị trí thuận tiện để phục vụ nhu cầu của người dân. Với một đô thị gần 1 triệu dân, nếu không có đủ các cơ sở dịch vụ dễ dẫn tới quá tải, người dân sẽ lại vì sự tiện lợi riêng của mình mà vi phạm quy định của thành phố.
Theo UBND TP Hải Phòng, việc tự ý sử dụng lòng, lề đường tổ chức các sự kiện như trên ảnh hưởng đến an toàn giao thông, ảnh hưởng đến văn minh đô thị là sai quy định pháp luật. Bởi vậy, để bảo đảm an ninh trật tự, văn minh đô thị, UBND TP Hải Phòng yêu cầu UBND các quận, huyện thực hiện tuyên truyền việc sử dụng lòng, lề đường cho người dân.
UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu, từ ngày 1/11, cấp chính quyền cơ sở sẽ thực hiện xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp cố tình sử dụng lòng, lề đường tổ chức các sự kiện gây tiềm ẩn mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị.
Theo Điều 12 Nghị định 100/2019, hành vi sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông sẽ chịu mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức nếu dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ.