Hai phương án tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với chủ hộ kinh doanh có đăng ký
Theo quy định mới, từ ngày 1/7/2025 sẽ chính thức mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh. Phương án tham gia cụ thể đang được các cơ quan đề xuất...
Để chuẩn bị triển khai hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, từ đó làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện.
CÓ PHƯƠNG ÁN THU, ĐÓNG PHÙ HỢP
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất 2 phương án quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.
Phương án 1: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh không thuộc đối tượng trên mà có đề nghị tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Phương án 2: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có đề nghị tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đưa ra quan điểm cơ quan soạn thảo là quy định pháp luật phải mang tính khả thi khi đưa vào thực tiễn. Đặc biệt, cần nghiên cứu và xem xét khía cạnh là trong công tác thu và phát triển người tham gia, đối tượng là chủ hộ kinh doanh.
Theo ông Hào, hiện về đối tượng chủ hộ kinh doanh, có khoảng 5 triệu hộ trong cả nước, trong đó khoảng 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Dự thảo đưa ra 2 phương án chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, song có thể chưa phải là phương án tối ưu nhất, nên quá trình lấy ý kiến góp ý có thể đưa ra phương án khác.
Chẳng hạn, quy định chủ hộ kinh doanh có thuê mướn lao động mới thuộc đối tượng tham gia; ý khác là chủ hộ kinh doanh nhưng phải theo mức thu nhập (đóng thuế thu nhập)…
Đề xuất phương án thu bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh, ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho biết TP.HCM có khoảng 215.000 hộ kinh doanh, vì vậy cần phải có phương án đóng, thu phù hợp, vì thực tiễn khối lương công việc của đơn vị này hiện rất lớn, không đủ lực lượng để thu trực tiếp đối với các hộ kinh doanh này.
Bà Đỗ Thị Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lăk cũng cho rằng về chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội, nên chọn phương án 1 là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, nộp thuế.
Đây là hộ đã thuộc diện kinh doanh và có thu nhập ổn định, nên sẽ có khả năng và nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội. Với xu hướng ngày càng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội để hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân.
ĐẢM BẢO QUYỀN ĐƯỢC THAM GIA HỆ THỐNG AN SINH CỦA HỘ KINH DOANH
Theo pháp luật hiện hành quy định, việc đăng ký hộ kinh doanh là quyền của các hộ kinh doanh. Hiện nay, hộ kinh doanh được quy định tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Cụ thể, hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành, chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tuy nhiên, trong giai đoạn năm 2003 đến nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội các địa phương đã thực hiện thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2023, có 3.567 chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; số tiền đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 113 tỷ đồng.
Có 9.648 lượt chủ hộ kinh doanh đã được giải quyết và chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, với số tiền là 13,28 tỷ đồng; có 1 người được giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, số tiền là 21,55 triệu đồng; 275 người được giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất, số tiền là 32,84 tỷ đồng; có 397 người được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số tiền là 9,328 tỷ đồng.
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh sẽ giúp Nhà nước giảm áp lực trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động này khi họ đến tuổi nghỉ hưu, hoặc đến tuổi hưởng trợ giúp xã hội.
Người tham gia là chủ hộ kinh doanh sẽ được bảo vệ khỏi những rủi ro, được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, mức hưởng tương đương với mức đóng góp.