Hái quả ngọt từ đam mê sáng tạo

Từng có những hạn chế về ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, cô giáo Nguyễn Hương Giang, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ nhỏ. Cô luôn trăn trở tìm cách giúp các em có thể hoàn thiện được điều đó thông qua việc áp dụng phương pháp giáo dục sáng tạo.

Nỗ lực tìm cách khắc phục

Yêu thích công việc dạy học từ nhỏ, cô gái trẻ Nguyễn Hương Giang sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã chọn ngành sư phạm mầm non để theo học. Ngay từ những ngày đầu đến với nghề, cô Giang luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và những kiến thức mình học được tại ngôi trường Sư phạm để vận dụng vào công việc chăm sóc, giáo dục trẻ.

Cô Nguyễn Hương Giang hướng dẫn cho trẻ sử dụng ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp (Ảnh: NVCC)

Cô Nguyễn Hương Giang hướng dẫn cho trẻ sử dụng ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp (Ảnh: NVCC)

Cô Giang chia sẻ, đối với lứa tuổi mầm non, phát triển ngôn ngữ cho trẻ là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục mầm non. Vì ngôn ngữ sẽ giúp trẻ bày tỏ, trao đổi, giao tiếp với nhau trong học tập cũng như vui chơi. Trẻ còn dùng ngôn ngữ để đặt muôn vàn câu hỏi, yêu cầu, nguyện vọng, thể hiện biết bao thái độ, tình cảm, cảm xúc của mình… Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có thể giao tiếp bình thường, nhiều bé bị tật phát âm ngọng hoặc chậm nói, khiến các em gặp hạn chế về mặt ngôn ngữ. Nếu không can thiệp sớm, sự phát triển toàn diện của các em có thể bị ảnh hưởng.

Bản thân cô Giang cũng từng có những hạn chế về ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp nên cô hiểu được những khó khăn trong việc học tập và công việc sẽ gặp phải sau này. “Giao tiếp không tốt khiến mỗi cá nhân luôn có cảm giác tự ti, mặc cảm, dần dần hạn chế tiếp xúc và nói chuyện với nhiều người. Lúc đó, tâm lý muốn thu mình lại sẽ khiến cá nhân đó mất đi rất nhiều cơ hội được giao lưu, học hỏi với mọi người xung quanh”, cô Giang cho biết.

Chính vì vậy, cô luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm cách để giúp bé có thể khắc phục được nhược điểm đó càng sớm càng tốt ở độ tuổi còn nhỏ. Với tâm huyết đó, trong 14 năm công tác, hàng ngày tiếp xúc với trẻ, cô đã sáng tác hơn 100 bài thơ, bài hát, bài vè, câu chuyện nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không gò bó, áp đặt để dạy phát âm và chữa ngọng cho trẻ. Các tác phẩm do cô sáng tác rất phù hợp với lứa tuổi mầm non, dễ đọc, dễ thuộc và vô cùng hứng thú.

Với mong muốn những đứa trẻ không chỉ biết sử dụng ngôn ngữ bằng lời nói, mà còn biết sử dụng ngôn ngữ cơ thể để phù hợp với lời nói, nhằm tăng hiệu quả và sự tự tin trong giao tiếp cho trẻ, cô đã bắt tay vào sưu tầm và ứng dụng loại hình ngôn ngữ cơ thể (Body language). Ngôn ngữ cơ thể bao gồm các cử chỉ, động tác được thể hiện qua ánh mắt, nụ cười và hành động… tưởng chừng những điều đơn giản nhưng lại có tác dụng vô cùng hiệu quả. Nghĩ đến đâu, cô thực hành đến đó.

Sau khi lập kế hoạch để dạy trẻ kỹ năng giao tiếp, kết hợp dùng ngôn ngữ cơ thể, cô bắt đầu lồng ghép nội dung dạy trẻ cách sử dụng chúng vào các hoạt động giáo dục. Muốn hình thành ở trẻ ngôn ngữ cơ thể phù hợp để bổ trợ cho lời nói, song hành cùng ngôn ngữ nói và làm tăng hiệu quả của việc truyền đạt ý để trẻ bắt chước, sáng tạo ra những ngôn ngữ cơ thể của mình khi giao tiếp.

Bất kỳ hoạt động nào cô cũng cho trẻ được sử dụng lời nói kết hợp với sử dụng ngôn ngữ cơ thể của mình. Cuối mỗi buổi học, cô không quên khen ngợi, động viên những trẻ có tư thế, phong cách tự tin khi giao tiếp, tuyên dương những trẻ manh dạn và động viên trẻ còn nhút nhát, chưa tự tin.

“Quả ngọt cho sự cố gắng

Sau thời gian áp dụng dạy trẻ ngôn ngữ thông qua các tác phẩm mà mình sáng tác, trẻ tại lớp cô phụ trách có sự tiến bộ rõ rệt. Vốn từ của trẻ ngày càng phong phú, trẻ nói nhiều hơn, tích cực giao tiếp với cô và các bạn. Ngoài ra còn biết đặt nhiều câu hỏi đủ ý, biết diễn đạt suy nghĩ của mình rõ ràng và mạch lạc hơn. Với những trẻ vốn nhút nhát cũng trở nên mạnh dạn, tự nhiên và hòa đồng hơn. Như trường hợp của bé Anh Thư bị ngọng dấu hỏi với dấu nặng, được cô luyện nói bằng cách cho tập đọc thơ, sau vài tháng đã có thể phát âm rõ ràng. Tùy theo trẻ bị ngọng ở những dạng khác nhau, cô sẽ áp dụng các phương pháp khác nhau để chữa ngọng cho trẻ. Đến nay, phương pháp chữa ngọng cho trẻ cùng với các bài thơ, bài vè của cô Giang đã được phổ biến không chỉ trong trường Mầm non Tuổi Thơ, mà còn trong nhiều trường mầm non khác.

Cô trò cùng say sưa trong giờ học (Ảnh: NVCC)

Cô trò cùng say sưa trong giờ học (Ảnh: NVCC)

“Nhiều phụ huynh đã không giấu nổi xúc động khi chứng kiến sự thay đổi từng ngày của con em mình, có những video được quay lúc con hát, đọc thơ tại nhà để gửi cho cô xem. Những hình ảnh đó chính là món quà vô cùng quý giá đối với không chỉ cô Giang, mà còn đối với các cán bộ, giáo viên trong toàn trường”, cô Nguyễn Ngọc Thảo, lớp B2 Trường Mầm non Tuổi Thơ chia sẻ. Nhìn những ánh mắt, nghe từng lời nói đã có sự tiến bộ rõ rệt của trẻ, cô cho biết rất hạnh phúc và có thêm động lực để ngày càng cố gắng trong công việc, trau dồi và hoàn thiện hơn nghiệp vụ bản thân, luôn sáng tạo để có phương pháp dạy mới cho học sinh.

Sự tâm huyết và sáng tạo của cô giáo Nguyễn Hương Giang về ý tưởng “dạy trẻ sử dụng ngôn ngữ kết hợp ngôn ngữ cơ thể” cũng đã lan tỏa đến các đồng nghiệp trong nhà trường tham khảo và học hỏi noi theo, từ đó giúp các giáo viên khác có thêm kiến thức, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể để vận dụng trong giao tiếp hàng ngày và tham gia vào quá trình dạy trẻ tại trường.

Tháng 10/2020 vừa qua, cô giáo Nguyễn Hương Giang vinh dự là một trong những giáo viên đại diện cấp học Mầm non quận Hoàng Mai tham gia thuyết trình về những đổi mới sáng tạo trong quá trình giảng dạy tại Hội đồng xét duyệt giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo" lần thứ 4 năm học 2019-2020. Cô chia sẻ, đó chính là sự ghi nhận, động viên lớn dành cho cô, giúp cô thêm tự tin và tích cực hơn nữa./.

Anh Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hai-qua-ngot-tu-dam-me-sang-tao-117060.html