Hải quan An Giang và Kiên Giang bước vào cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại
Thời điểm tháng cuối năm, đặc biệt những ngày cận Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu hàng hóa qua biên giới Tây Nam sẽ gia tăng mạnh và diễn biến phức tạp, do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cao vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhất là đối với các mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá, pháo nổ, vàng... Cục Hải quan và các ngành chức năng 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang đang nỗ lực nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu không trở thành 'điểm nóng' về buôn lậu, gian lận thương mại...
Diễn biến phức tạp, khó lường
Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Trần Quốc Hoàn cho biết, năm 2022, qua công tác kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều vụ xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc gian lận về nhãn hàng hóa, khai sai về xuất xứ hàng hóa.
Điển hình, cách đây chưa lâu, tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang), lực lượng hải quan phối hợp với biên phòng liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển hàng qua biên giới: phát hiện xe tải vận chuyển 1.145 thùng giấy bên trong chứa 34.350 bịch khăn ướt nhãn hiệu YUNIKU xuất xứ nước ngoài, trị giá 860 triệu đồng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, trong tháng 7/2022, Cục Hải quan An Giang đã phát hiện vụ xuất khẩu lô phân bón nghi giả nhãn hiệu với khối lượng lớn. Toàn bộ đều là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Còn tại Kiên Giang, theo báo cáo gửi Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang đã phát hiện, bắt giữ 55 vụ, trị giá 1,7 tỷ đồng, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 40 vụ, phạt tiền 668 triệu đồng. Các mặt hàng chủ yếu vẫn là thuốc lá điếu, đường cát, hải sản... tại khu vực cửa khẩu Hà Tiên, Bến Xuồng - Hà Tiên, bãi Tà Lu, cửa khẩu Giang Thành…
Đại diện Cục Hải quan hai tỉnh An Giang và Kiên Giang cho biết, mặc dù đơn vị thường xuyên phối hợp với bộ đội biên phòng, công an tuần tra, kiểm soát, lập các chốt chặn để ngăn chặn các hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhưng hoạt động vận chuyển vẫn diễn ra do người dân sinh sống tại khu vực cửa khẩu đời sống gặp nhiều khó khăn, nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nên các đối tượng này dễ bị các đầu nậu, tội phạm buôn lậu lợi dụng để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và rất manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng để giành lại hàng hóa khi bị phát hiện, bắt giữ.
Một số ít cư dân biên giới không có công việc ổn định; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân tộc sống tại khu vực biên giới còn nhiều hạn chế nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả công tác chống buôn lậu.
Một khó khăn tại địa bàn An Giang và Kiên Giang, đó là tại khu vực cửa khẩu của 2 tỉnh đều có nhiều đường mòn, lối mở, trong khi lực lượng chuyên trách làm công tác kiểm soát hải quan lại quá mỏng, không đủ để bố trí thường xuyên tuần tra, kiểm soát...
Riêng tại Kiên Giang, địa bàn quản lý của Cục Hải quan bao gồm cả đường sông, đường biển và đường hàng không cũng rất khó khăn cho hoạt động nghiệp vụ.
Nhiều giải pháp tăng cường cao điểm
Đại diện lãnh đạo Cục Hải quan 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang cho biết, trước Tết Nguyên đán, cùng với việc kiện toàn ban chỉ đạo 389, các đơn vị đã chủ động ban hành các kế hoạch và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn cụ thể về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới và địa bàn nội địa; về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới và địa bàn nội địa.
Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Trần Quốc Hoàn cho biết, không những có sự tăng cường chủ động, tích cực vào cuộc của ngành chức năng, hầu hết các địa phương trong khu vực biên giới đã có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tại đây, ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức họp, tuyên truyền vận động người dân ký cam kết không tham gia, không bảo kê, không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu nhằm ngăn ngừa từ sớm, từ xa…
“Trong điều kiện địa bàn rộng, phức tạp, lực lượng mỏng, thiếu biên chế… nhưng đơn vị luôn chủ động, linh hoạt bố trí cán bộ tham gia các đoàn liên ngành, duy trì 8 tổ chốt thường trực trên tuyến biên giới, trực luân phiên cao điểm trong dịp Tết Nguyên đán” - Cục trưởng Cục hải quan An Giang Trần Quốc Hoàn chia sẻ.
Còn tại Kiên Giang, đại diện lãnh đạo Cục Hải quan cho biết, với mục tiêu chủ động phòng ngừa và có biện pháp xử lý kịp thời những hành vi phạm pháp liên quan đến lĩnh vực hải quan. Cục Hải quan Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ đặc biệt tại các đường mòn, lối mở, hai bên cánh gà cửa khẩu để phòng, chống hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Phối hợp với các lực lượng chức năng trao đổi thông tin, nắm chắc địa bàn, không để hình thành ổ nhóm, đường dây buôn lậu.
Riêng tại khu vực Phú Quốc, Chi cục Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các chuyến bay xuất nhập cảnh tại sân bay quốc tế Phú Quốc nhằm ngăn ngừa, phát hiện việc lợi dụng hành lý xách tay, hành lý ký gửi để buôn lậu.
Thời điểm này, lãnh đạo Cục đã chỉ đạo các Chi cục hải quan cửa khẩu, Đội Kiểm soát hải quan chủ động, linh hoạt trong việc tăng cường tổ chức và thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng, công an, quản lý thị trường, cảnh sát biển trong công tác bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tập trung tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại./.
Ngay từ đầu quý III, Ban chỉ đạo 389 các địa phương đã chủ động ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Dương lịch 2023, Tết Nguyên đán Quý Mão.