Hải quan bắt giữ hơn 60.000 viên thuốc điều trị COVID-19 nhập lậu
Lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ hơn 60.000 viện thuốc được dùng trong điều trị COVID-19 ngụy trang dưới 'vỏ bọc' thực phẩm, bao gồm thuốc Favipiravir Tablets 200 mg, Fabiflu 400 mg...
Ngày 14/9, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội), Cục Cảnh sát kinh tế (C03, Bộ Công an) tiến hành kiểm tra 15 kiện hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại một kho hàng, thuộc thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội.
Lô hàng hóa trên được nhập khẩu từ Ấn Độ về sân bay quốc tế Nội Bài và ngụy trang dưới hình thức quà biếu, quà tặng được gửi theo đường chuyển phát nhanh.
Các kiện hàng được gửi cho người nhận là nhiều cá nhân khác nhau ở Hà Nội và cả Cao Bằng. Đáng chú ý, dù nhiều kiện hàng đứng tên nhiều người nhận khác nhau nhưng lại có cùng số điện thoại, do đó nghi vấn đặt ra toàn bộ số hàng vi phạm của cùng một chủ.
Hải quan thu giữ hơn 60.000 viên thuốc nhập lậu dùng trong điều trị COVID-19:
Bên cạnh đó, trên vận đơn, hàng hóa được thể hiện là thực phẩm nhưng thực tế kiểm tra lực lượng Hải quan thu giữ hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị COVID-19 như, Favipiravir Tablets 200 mg, Fabiflu 400 mg, Baricitinib, Molnupiravir Capsules…
Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc Nguyễn Phương Mai cho biết trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp, nguy cơ nhập lậu tân dược và thiết bị y tế phòng chống dịch tăng cao.
“Qua các vụ việc vừa phát hiện cho thấy thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng loại hình quà biếu, quà tặng qua đường bưu chính quốc tế, chia nhỏ lô hàng, khai báo hàng hóa trị giá thấp, khai sai tên hàng để trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng. Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định,” bà Mai nói.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) Lê Dũng nhấn mạnh trước diễn biến COVID-19 phức tạp, Chi cục vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật trong nhập khẩu thuốc, thiết bị và vật tư y tế phòng, chống dịch đồng thời cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
“Đối với loại hình chuyển phát nhanh, các đội tượng thường chia nhỏ lô hàng và khai báo không đúng bản chất hàng hóa… để vận chuyển số lượng lớn tân dược. Để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm, Chi cục chú trọng các biện pháp như đánh giá phân luồng hàng hóa vào các tuyến trọng điểm và phối hợp với các lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện, bắt giữ các vụ việc vi phạm,” ông Dũng nói.
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng nhập lậu thuốc điều trị COVID-19, bà Mai cho biết thời gian tới, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát và phối hợp các lực lượng chức năng trong và ngoài Ngành để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm về nhập khẩu tân dược và thiết bị y tế./.