Hải quan gặp khó trong quản lý nhập khẩu cá tầm
Trong quá trình quản lý, lực lượng Hải quan dù đã phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm, nhưng việc xử lý các lô hàng cá tầm nhập khẩu còn gặp nhiều vướng mắc, nguyên nhân mấu chốt là sự 'vênh' trong kết quả giám định.
Đơn cử như lô hàng cá tầm nhập khẩu của Công ty TNHH Đầu tư và XNK A.H. nhập khẩu qua Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Kết quả giám định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I kết luận: hàng hóa thực tế nhập khẩu của DN không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp (tên là Cá tầm Xiberi, tên khoa học Acipenser baerii).
Tuy nhiên kết quả giám định không xác định cá tầm nhập khẩu có thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam hay không.
Hải quan gặp khó trong quản lý nhập khẩu cá tầm. Ảnh TL
Cũng lô hàng này, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết luận hàng hóa thực tế nhập khẩu có một mẫu đúng chủng loại và 4 mẫu không đúng chủng loại với khai hải quan của doanh nghiệp là “Cá tầm Xiberi (tên khoa học Acipenser baerii)”. Đồng thời kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật không xác định cá tầm nhập khẩu có thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam hay không.
Giữa tháng 4, Tổng cục Hải quan đã có buổi làm việc với một số đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I), Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Hiệp hội cá nước lạnh Việt Nam) để bàn phương án kiểm tra, kiểm soát các lô hàng cá tầm nhập khẩu tại Lào Cai và Lạng Sơn.
Các đơn vị đều khẳng định các loài cá tầm do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp giấy phép nhập khẩu và cá tầm thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP phải là cá tầm thuần chủng.
Tuy nhiên, các đơn vị không thể đưa ra kết luận cá tầm nhập khẩu tại Cục Hải quan Lạng Sơn (đã có kết quả giám định) là con lai hay thuần chủng do không có mẫu cá tầm thuần chủng để so sánh và đoạn gen dùng để so sánh trình tự ADN là gen ty thể (di truyền theo một dòng), đồng thời cũng chưa thể xác định được giống, loài của loài cá tầm này.
Theo Tổng cục Hải quan, việc các cơ quan chuyên môn không thể xác định được giống, loài, con lai hay con thuần chủng dẫn đến cơ quan Hải quan chưa đủ cơ sở để quyết định thông quan hàng hóa hoặc xử lý đối với hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Để giải quyết những tồn tại vướng mắc, Tổng cục Hải quan đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp để kiểm tra các lô hàng cá tầm nhập khẩu. Trong đó, đối với một số lô hàng cụ thể tại Cục Hải quan Lạng Sơn, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn căn cứ kết quả giám định và xác định cụ thể về giống, loài, con lai hay con thuần chủng của cá tầm nhập khẩu; có phù hợp với Giấy phép CITES và có được nhập khẩu vào Việt Nam hay không? Và thông báo kết luận về Tổng cục Hải quan để cơ quan Hải quan có cơ sở giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, qua kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho thấy trong một lô hàng cá tầm nhập khẩu có thể có nhiều loài cá tầm khác nhau, không đúng như ghi trên giấy phép CITES và khai báo trên tờ khai hải quan của doanh nghiệp (chỉ có 1 loài Xiberi).
Do vậy, theo Tổng cục Hải quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo Cơ quan quản lý CITES Việt Nam trao đổi cụ thể với Cơ quan quản lý CITES Trung Quốc để thống nhất cơ chế quản lý và hoạt động cấp phép đối với cá tầm nhập khẩu và các loài động vật hoang dã nói chung để đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát hải quan.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hai-quan-gap-kho-trong-quan-ly-nhap-khau-ca-tam-post132371.html