Hải quan hướng dẫn giải phóng nhanh hàng ùn ứ ở cảng Cát Lái
Ngày 3/8, Tổng cục Hải quan đã ra văn bản hướng dẫn tạm thời nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ các container hàng hóa của doanh nghiệp tại cảng Cát Lái do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tổng cục Hải quan đưa ra một số giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp giảm tải hàng hóa lưu giữ tại cảng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa, bảo đảm lưu thông hàng hóa, duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất cho doanh nghiệp, cùng cả nước chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, cho phép vận chuyển hàng hóa đang lưu giữ tại cảng Cát Lái đến cảng biển khác trên địa bàn TPHCM và các cảng cạn ICD, với điều kiện bảo đảm như: Hàng hóa không thuộc danh mục hàng nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu; hàng hóa chưa đăng ký tờ khai nhập khẩu; hàng không có dấu hiệu nghi vấn, vi phạm trong diện các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra theo thông báo của Hải quan; vận chuyển toàn bộ lô hàng, thuộc cùng một vận tải đơn, cùng một chủ hàng, về cùng một địa điểm lưu giữ hàng hóa.
Hàng hóa được vận chuyển đến cảng biển, cảng ICD để lưu giữ quy định. Hàng nhập khẩu của doanh nghiệp Đồng Nai được chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch.
Hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp tại Bình Phước được vận chuyển về ICD Tân Cảng Sóng Thần. Hàng nhập khẩu của doanh nghiệp các tỉnh miền Tây được vận chuyển về Tân Cảng Hiệp Phước.
Cục Hải quan TPHCM chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, các đơn vị khác liên quan quản lý, giám sát chặt chẽ đối với từng lô hàng từ khi bắt đầu vận chuyển tại cảng Cát Lái đến lúc doanh nghiệp nhập khẩu hoàn thành thủ tục hải quan, lấy hàng ra khỏi địa điểm lưu giữ.
Việc quản lý, theo dõi, giám sát, báo cáo tình trạng hàng hóa do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và doanh nghiệp quản lý địa điểm có hàng hóa vận chuyển đến chịu trách nhiệm quản lý. Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn chịu mọi chi phí vận tải, lưu giữ đối với các lô hàng tồn đọng từ khi vận chuyển từ cảng Cát Lái đến cảng Tân Cảng Hiệp Phước và đến khi hoàn thành việc xử lý hàng tồn đọng, thời gian áp dụng phương án giải quyết việc lưu giữ, giám sát hàng hóa tồn đọng thực hiện đến hết ngày 31/12/2021.
Văn bản này có hiệu lực áp dụng kể từ thời điểm ban hành văn bản đến thời điểm sau 15 ngày kể từ ngày UBND TPHCM có thông báo tạm dừng thực hiện Chỉ thị 16.
Trước đó, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết sau 3 tuần thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, sản lượng container xuất nhập tàu, container giao nhận bãi, số lượt xe ra vào cảng giao nhận container liên tục giảm so với khi chưa giãn cách, kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Cát Lái tăng cao. Với lượng hàng tồn đến thời điểm này lên tới 106.717 TEU, chiếm 86% dung lượng bãi, cảng Cát Lái lo ngại hàng nhập tồn lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sản xuất.
Nguyên nhân tồn hàng nhập là do nhiều doanh nghiệp không sản xuất được và đã tạm dừng hoạt động do không thể thực hiện được "3 tại chỗ" theo quy định của một số tỉnh, thành phố phía nam.
Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị UBND TPHCM và Đồng Nai quan tâm ưu tiên cho lực lượng lao động trong dây chuyền sản xuất cảng như: Cho phép số lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất cảng được cấp phép lưu thông, lập điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 và cấp giấy chứng nhận xét nghiệm 24/7 để phục vụ đối tài xế ra, vào cảng Tân Cảng được nhanh chóng…
Còn Cục Hàng hải Việt Nam ban hành quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương của Cục Hàng hải Việt Nam, đồng thời công bố đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm hàng tại cảng Cát Lái. Cục này cũng đề xuất các giải pháp phối hợp với cảng tăng cường năng lực giải phóng hàng khỏi bãi, sắp xếp lại container, điều chỉnh lại lượng hàng nhập về cảng…