Hải quan Indonesia gửi trả 8 container rác thải về Australia
Người phát ngôn cơ quan hải quan Indonesia Alvina Christine cho biết trong số 8 container có 6 container chứa rác thải độc hại và 2 container chứa rác thải sinh hoạt.
Ngày 13/8, Indonesia đã vận chuyển hàng trăm tấn rác thải của Australia ra khỏi nước này, mạnh tay ngăn chặn làn sóng nhập khẩu rác thải.
Theo cơ quan hải quan địa phương, 8 container rác thải, chứa khoảng 210 tấn rác, đã rời cảng lớn thứ hai của Indonesia là Surabaya trên một con tàu chở hàng hướng về Singapore.
Người phát ngôn cơ quan trên Alvina Christine cho biết trong đó có 6 container chứa rác thải độc hại và 2 container chứa rác thải sinh hoạt.
Tuy nhiên, quan chức này không xác nhận thời điểm những container này có thể về tới Australia.
Động thái trên diễn ra chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi Australia cam kết ngừng xuất khẩu rác thải tái chế trước những quan ngại về rác thải nhựa đang gây ô nhiễm các đại dương và các nước châu Á phản đối việc tiếp nhận rác thải.
Tháng trước, Indonesia đã tuyên bố sẽ chuyển 8 container rác thải về Australia sau khi nhà chức trách phát hiện các container này được dán nhãn chứa giấy vụn sạch nhưng thực tế là vật liệu độc hại và rác thải gia đình như chai nhựa, bao bì, tã lót đã sử dụng, chất thải điện tử và vỏ lon.
Số container này được công ty Oceanic Multitrading của Australia chuyển đến Indonesia với sự hỗ trợ từ một công ty sở tại.
Cũng trong tháng 7, Indonesia đã trả lại 7 container chứa rác thải nhập khẩu trái phép về Pháp và Hong Kong (Trung Quốc).
Hiện lực lượng chức năng nước này vẫn đang lên kế hoạch gửi trả 42 container chứa rác thải, trong đó có các container được nhập khẩu từ Mỹ, Australia và Đức.
Trong một báo cáo hồi tháng 4 vừa qua, tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho biết phần lớn lượng rác thải mà Indonesia nhập khẩu đến từ Australia, Đức, Hà Lan, Anh và Mỹ. Indonesia đã ban hành quy định cho phép nhập khẩu mảnh vụn nhựa vào nước này theo đề nghị của Bộ Môi trường.
Tuy nhiên, nhân viên hải quan phát hiện các container chứa vụn nhựa có lẫn với các rác thải khác như cao su, tã lót... và đã yêu cầu các tàu chở số hàng hóa này trở về nước xuất phát.
Indonesia hiện cũng đang chật vật xử lý rác thải của chính nước này, thường bằng cách chôn lấp hoặc đổ ra sông.
Theo một nghiên cứu thực hiện năm 2015 đăng tải trên tạp chí Khoa học, Indonesia là thủ phạm lớn thứ hai gây nên tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở đại dương.
Nhằm giảm tình trạng ô nhiễm đáng báo động này, Indonesia cũng tìm cách đánh thuế vào túi nilon, song nỗ lực này đã vấp phải rào cản tại Quốc hội do các ý kiến phản đối của giới doanh nghiệp.
Theo Quỹ thế giới bảo vệ thiên nhiên (WWF), khoảng 300 triệu tấn nhựa đang được sản xuất ra hàng năm, trong đó đa số kết thúc ở các hố chôn hoặc gây ô nhiễm các đại dương.
Tình trạng này đã trở thành một cuộc khủng hoảng quốc tế ngày càng nghiêm trọng./.