Hải quan Lạng Sơn: Thắt chặt kiểm soát chống buôn lậu và hàng giả

Cục Hải quan Lạng Sơn mới ban hành kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu và hàng giả mạo sở hữu trí tuệ (SHTT), đặc biệt tập trung vào việc kiểm tra chặt chẽ các lô hàng có dấu hiệu vi phạm và các đối tượng trọng điểm tại các địa bàn nhất định.

Xử lý hơn 500 vụ buôn lậu

Thời gian qua, các vụ buôn lậu nhóm mặt hàng như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và dược liệu trên địa bàn Cục Hải quan Lạng Sơn quản lý tuy không thường xuyên và chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, song vẫn cần được quan tâm. Đáng chú ý, tại các xã Yên Khoái và Tú Mịch, huyện Lộc Bình, các đối tượng thường tập kết hàng nhập lậu bên kia biên giới và thuê người dân địa phương sinh sống gần biên giới để vận chuyển hàng hóa dưới hình thức khoán gọn, gắn với toàn bộ trị giá lô hàng.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đưa ra nhận định về tình trạng gian lận thương mại, trong đó kẻ gian lợi dụng chính sách ưu đãi thuế và sự thông thoáng của thủ tục hải quan điện tử cho các lô hàng theo luồng xanh và luồng vàng. Những hành vi vi phạm thường gặp bao gồm khai báo sai tên hàng, số lượng, thuế suất, mã số hàng hóa và xuất xứ.

Theo thống kê từ Cục Hải quan Lạng Sơn, tính đến ngày 20-4, Cục đã phát hiện và xử lý tổng cộng 527 vụ liên quan đến buôn lậu, vi phạm hành chính, vận chuyển trái phép và vi phạm sở hữu trí tuệ, với tổng giá trị vi phạm lên đến hơn 1,8 tỷ đồng. Riêng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, đã có 306 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành, thu về hơn 1,2 tỷ đồng tiền phạt và truy thu số tiền thuế lên tới trên 5,3 tỷ đồng.

Một trường hợp có thể kể đến là vụ việc Công ty TNHH Công nghiệp và Thương mại Hosung Việt Nam (trụ sở tại Hà Nội) đã bị phát hiện nhập khẩu hàng giả mạo nhãn hiệu SKF với tang vật vi phạm là 6 vòng bi bằng inox, trị giá trên 219 triệu đồng. Chi cục đã quyết định xử phạt công ty này 14 triệu đồng và buộc tiêu hủy tang vật.

Trong một vụ việc khác, Công ty CP BOT Bình Minh cũng bị phát hiện nhập khẩu 22 chiếc vòng bi thép giả mạo nhãn hiệu SKF, với giá trị tang vật hơn 260 triệu đồng. Số tiền phạt đưa vào ngân sách nhà nước là 360 triệu đồng và công ty này đã được yêu cầu tái xuất hàng hóa vi phạm.

Công chức Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị thực hiện kiểm tra hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp.

Công chức Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị thực hiện kiểm tra hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp.

Tăng cường công tác xử lý thông tin

Theo Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, ông Vũ Tuấn Bình, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi nhập lậu và hàng giả, Cục Hải quan Lạng Sơn đã chỉ thị cho các đơn vị hải quan tại các cửa khẩu tăng cường công tác thu thập thông tin và kiểm soát, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao. Cục cũng đã đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có thuế suất cao.

Để thực hiện điều này, Cục đã tăng cường việc sử dụng máy soi chiếu container tại các cửa khẩu như: Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma, nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận trong kê khai hải quan và nhập lậu các mặt hàng có giá trị cao từ nước ngoài vào Việt Nam bởi các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao.

Bên cạnh đó, các chi cục hải quan cửa khẩu cũng được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hồ sơ hải quan điện tử ngay từ khi tiếp nhận thông tin khai báo của các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát trực tuyến trên hệ thống để kịp thời phát hiện những trường hợp gian lận trong quá trình kê khai hải quan.

Theo ông Vũ Tuấn Bình, Hải quan Lạng Sơn đã không chỉ chủ động trong việc kiểm soát và ngăn chặn hàng giả và gian lận thương mại, mà còn tích cực phối hợp với các lực lượng như Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường và Kiểm dịch. Sự phối hợp này nhằm tăng cường công tác tuần tra và kiểm soát, đặc biệt là trên các tuyến và địa bàn có nguy cơ cao. Các hoạt động này được thực hiện thông qua triển khai hiệu quả các chuyên đề và kế hoạch chống buôn lậu. Ông Bình cũng nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện công tác thu thập và xử lý thông tin một cách hiệu quả, đồng thời áp dụng chính xác các quy định về quản lý rủi ro, để đạt được mục tiêu chống lại các hành vi vi phạm.

Hiện tại, Chi cục đã tổ chức và chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm tra và giám sát các loại hình xuất nhập khẩu, đặc biệt là các loại hình hàng hóa tiêu dùng, tạp hóa nhập khẩu, và hàng vận chuyển phát nhanh. Đơn vị đã cụ thể hóa trách nhiệm cho từng cán bộ giám sát từng lô hàng, đồng thời tăng cường công tác giám sát cơ động để kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu. Các hoạt động kiểm tra thường xuyên được tiến hành để nắm bắt và đánh giá tình hình của các doanh nghiệp và hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng trọng điểm.

Đơn vị cũng đã chủ động đề nghị chuyển luồng hàng kịp thời và hiệu quả, nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy định. Bên cạnh đó, chi cục cũng đã chỉ đạo việc thực hiện tốt công tác tham vấn, bảo đảm cập nhật đầy đủ dữ liệu tham vấn trước khi chấp nhận hoặc bác bỏ giá trị khai báo của các doanh nghiệp.

Bài, ảnh: HỒNG NỤ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hai-quan-lang-son-that-chat-kiem-soat-chong-buon-lau-va-hang-gia-774730