Hải quân Mỹ lộ điểm yếu khi tập trận cùng 3 tàu sân bay

Tư lệnh Không quân Hải quân Mỹ thừa nhận lực lượng này phải huy động máy bay bảo quản trong kho ra hoạt động để phục vụ cho cuộc tập trận cùng lúc của 3 tàu sân bay vừa qua.

Hải quân Mỹ vừa có cuộc phô diễn sức mạnh chưa từng có trong một thập kỷ. Ba nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng một số tàu chiến của Hải quân Hàn Quốc và lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở Tây Thái Bình Dương.

Cuộc phô diễn sức mạnh khổng lồ này được xem là một tín hiệu gửi đến Triều Tiên, rằng Mỹ sẽ không bị đe dọa bởi các hoạt động thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ba tàu sân bay tập trung cùng lúc minh chứng cho khả năng huy động lực lượng khổng lồ của Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, phía sau cuộc phô diễn sức mạnh hùng hậu ấy là câu chuyện hoàn toàn khác về năng lực thực sự của Hải quân Mỹ. Phó đô đốc Mike Shoemaker, Tư lệnh Không quân Hải quân Mỹ thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với Business Insider rằng Hải quân Mỹ đang thiếu máy bay chiến đấu trầm trọng.

Vét hàng tồn kho ra hoạt động

Phó đô đốc Shoemaker nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện vào ngày 9/11, vài ngày trước cuộc tập trận của 3 nhóm tác chiến tàu sân bay ở Thái Bình Dương. “Chúng tôi đang đáp ứng các yêu cầu của Lầu Năm Góc về sự sẵn sàng chiến đấu của các tàu sân bay phục vụ cho tập trận nhưng gây ảnh hưởng rất lớn cho khả năng chiến đấu của lực lượng ở nhà”.

Tiêm kích F/A-18 cất cánh từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong cuộc tập ở Thái Bình Dương vừa qua. Ảnh: CNN.

Tiêm kích F/A-18 cất cánh từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong cuộc tập ở Thái Bình Dương vừa qua. Ảnh: CNN.

Trong năm 2017, Hải quân Mỹ đã triển khai 3 trong 4 tàu sân bay phụ trách khu vực Thái Bình Dương. Để các tàu sân bay này sẵn sàng hoạt động ở mọi thời điểm, hải quân phải huy động lực lượng dự trữ ở bờ Đông, lấy phụ tùng từ các máy bay dự trữ để cung cấp cho các máy bay đang hoạt động.

Để có đầy đủ phi đội chiến đấu cho các tàu sân bay USS Carl Vinson, USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt sẵn sàng triển khai hoạt động vào tháng 1, tháng 6 và tháng 10, hải quân phải huy động thêm 94 máy bay chiến đấu F/A-18 từ các kho bảo dưỡng trên cả 2 bờ biển.

“Chúng tôi buộc phải lấy máy bay từ phi đội dự phòng, nơi chúng tôi tập trung vào việc huấn luyện phi công mới”, Phó đô đốc Shoemaker nói. Vị chỉ huy cho biết thêm việc huy động máy bay dự trữ ra hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến khả năng dự phòng chiến lược, các phi công mới không có máy bay để huấn luyện.

Phó đô đốc Shoemaker cho rằng việc huy động cùng lúc 3 tàu sân bay tiến hành tập trận ở thời điểm hiện tại là “không thực sự cần thiết”, tạo thêm gánh nặng cho lực lượng bảo trì. Hàng trăm linh kiện được lấy từ các máy bay cũ ngưng sử dụng để sửa chữa cho các máy bay đang hoạt động. 300 thủy thủ được huy động để hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo sẵn sàng bay cho các tiêm kích trên hạm.

Một số chuyên gia cho rằng Hải quân Mỹ hiện tại không đủ khả năng để đáp ứng 2 cuộc chiến cùng lúc. Hải quân Mỹ đang có 10 tàu sân bay nhưng mới tập trung 3 tàu cùng lúc, họ đã phải huy động lực lượng dự trữ.

Quân đội Mỹ đang suy thoái?

Trong tháng 9, Phó đô đốc Shoemaker cho biết trong một bản tuyên bố rằng hải quân đang thiếu khoảng 81 máy bay giám sát, thu thập thông tin và trinh sát, nhu cầu về các máy bay khác cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, chương trình giảm ngân sách quốc phòng áp dụng từ năm 2011 khiến quân đội Mỹ nói chung và hải quân nói riêng gặp nhiều khó khăn.

3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Hải quân Mỹ.

3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Một số quan chức hải quân nhiều lần phàn nàn rằng quy mô Hải quân Mỹ nhỏ chưa từng có, trong khi họ vẫn phải làm nhiệm vụ trên toàn thế giới. Các chiến hạm được sử dụng với tần suất dày đặc, dẫn đến sự căng cứng của thủy thủ đoàn.

4 vụ tai nạn, trong đó có 2 tai nạn nghiêm trọng xảy ra với các tàu khu trục của Mỹ ở Thái Bình Dương trong năm nay được cho là hệ quả từ việc thủy thủ đoàn phải làm việc quá sức. Năm 2017 đánh dấu quy mô triển khai quân đội chưa từng có của Mỹ trong nhiều năm qua.

Hải quân Mỹ thường xuyên tập trận ở Thái Bình Dương để trấn an đồng minh trước mối đe dọa từ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên. Tại châu Âu, căng thẳng với Nga dẫn đến hàng loạt hoạt động quân sự chưa từng có kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Quân đội Mỹ đang hoạt động với tần suất rất cao, trong khi khả năng dự trữ chiến lược đang bị bào mòn rất nhanh do hệ quả của giảm ngân sách quốc phòng. Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ xây dựng lại quân đội hùng mạnh hơn nhưng vẫn chưa có chiến lược cụ thể.

Ngày 14/11, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2018 trị giá 700 tỷ USD, tăng 72 tỷ USD so với năm 2017. Dự thảo ngân sách mới chấm dứt thời kỳ giảm ngân sách quốc phòng được áp dụng dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ vẫn chưa tìm được nguồn tài trợ để bổ sung vào khoản ngân sách tăng thêm.

3 siêu tàu sân bay Mỹ xuất quân trong cuộc tập trận sát Triều Tiên Cuộc tập trận kéo dài 4 ngày của hải quân Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc có sự tham gia của 3 siêu tàu sân bay Mỹ, các tiêm kích F/A-18 và F-35 cùng nhiều khí tài quân sự hiện đại.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hai-quan-my-lo-diem-yeu-khi-tap-tran-cung-3-tau-san-bay-post796470.html