Hải quan nỗ lực không để gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu

Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức và Dân tộc, ông Nguyễn Trung Hải - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực XVI (quản lý địa bàn Cao Bằng, Tuyên Quang) cho biết, đơn vị đã nỗ lực để triển khai hoạt động thông suốt theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Cửa khẩu Tà Lùng là địa bàn xuất nhập khẩu quan trọng trên địa bàn Cao Bằng. Ảnh: T.Bình.

Cửa khẩu Tà Lùng là địa bàn xuất nhập khẩu quan trọng trên địa bàn Cao Bằng. Ảnh: T.Bình.

Theo ông Nguyễn Trung Hải, mục tiêu hàng đầu là đảm bảo sự ổn định và liên tục trong hoạt động xuất nhập khẩu, tránh gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và thị trường.

“Mặc dù mới đi vào hoạt động chỉ sau 20 ngày thành lập, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Cục Hải quan cùng sự quyết tâm, nỗ lực của Ban lãnh đạo và cán bộ, công chức, Chi cục đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện làm việc, đặc biệt chuyển đổi hệ thống quản lý và công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hoạt động nghiệp vụ”, ông Nguyễn Trung Hải cho biết.

Hải quan khu vực XVI chính thức vận hành, đảm bảo thông suốt xuất nhập khẩu.

Hải quan khu vực XVI chính thức vận hành, đảm bảo thông suốt xuất nhập khẩu.

Tại Hội nghị công bố các quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo do Chi cục Hải quan khu vực XVI tổ chức ngày 1/7, thừa ủy quyền của Cục trưởng Cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực XVI đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm 3 Phó Chi cục trưởng; 15 công chức giữ chức trưởng phòng, đội trưởng và tương đương; 23 công chức giữ chức phó trưởng phòng, phó đội trưởng và tương đương.

Ngay sau đó, cán bộ, công chức đã nhanh chóng ổn định vị trí công tác, đảm bảo không để gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, góp phần duy trì sự thông suốt và hiệu quả trong công tác quản lý hải quan. “Chi cục đã thành lập Tổ thường trực để kịp thời giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện theo mô hình tổ chức bộ máy mới”, ông Nguyễn Trung Hải cho biết.

Chi cục Hải quan khu vực XVI có trụ sở tại Cao Bằng, quản lý địa bàn gồm tỉnh Cao Bằng và Tuyên Quang (sau khi hợp nhất). Trên địa bàn này có các đơn vị hải quan cửa khẩu và ngoài cửa khẩu như: Hải quan cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang, Pò Peo, Lý Vạn (Cao Bằng); Hải quan cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Xín Mần, Săm Pun và Hải quan Tuyên Quang (Tuyên Quang).

Tại Chi cục Hải quan khu vực III với chức năng quản lý Nhà nước về hải quan tại thành phố Hải Phòng (hợp nhất từ thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương trước đây), Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực III Trần Mạnh Cường cũng yêu cầu các nhân sự được bổ nhiệm của Chi cục luôn phát huy năng lực, tinh thần trách nhiệm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo Cục Hải quan, trong ngày 1/7, hệ thống thông quan của ngành Hải quan ghi nhận tổng số tờ khai xuất nhập khẩu là 50.300 tờ khai, trong đó, xuất khẩu 25.700 tờ khai, nhập khẩu 24.600 tờ khai; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 2,3 tỷ USD; số thu ngân sách (đến 17 giờ ngày 1/7) là 762 tỷ đồng.
Theo Trưởng ban Công nghệ thông tin (CNTT) và Thống kê hải quan (Cục Hải quan) Lê Đức Thành, từ 5 giờ ngày 1/7, hệ thống CNTT của ngành Hải quan đã vận hành thông suốt theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Trước đó, để chuẩn bị triển khai hệ thống, Cục Hải quan đã tạm dừng tiếp nhận khai hải quan từ 22 giờ ngày 30/6 đến 5 giờ ngày 1/7. “Việc lựa chọn thời điểm nêu trên để tạm dừng tiếp nhận tờ khai để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, bởi đây là thời điểm hầu như ít phát sinh tờ khai đăng ký. Trong khoảng thời gian này, cơ quan Hải quan đã tập trung cao độ về nguồn lực để triển khai hệ thống CNTT theo cơ cấu tổ chức bộ máy mới để hệ thống hoạt động ổn định theo đúng kế hoạch”, ông Lê Đức Thành cho biết.

MP/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/hai-quan-no-luc-khong-de-gian-doan-hoat-dong-xuat-nhap-khau-20250702011133878.htm