Sức mạnh hải quân là chìa khóa để nhiều quốc gia khẳng định vị thế cường quốc trong nhiều thế kỷ, từ Đế chế Anh cho đến Mỹ ngày nay là vô địch về khả năng sức mạnh hải quân.
Hải quân cũng có thể là lực lượng phòng thủ, với Liên Xô trước đây và Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên ngày nay có lực lượng hải quân hướng đến bảo vệ lãnh thổ hơn là tấn công vũ lực.
Cán cân quyền lực trên biển cũng phản ánh những quốc gia nào có các cơ sở công nghiệp tiên tiến nhất, nhờ đó mà sức mạnh hải quân khu vực Đông Á hiện nay tăng trưởng so với phần còn lại của thế giới, khi các trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu di chuyển về phía đông.
Đứng đầu danh sách vẫn là Hải quân Mỹ, với đội tàu chiến lớn nhất trên thế giới và vẫn duy trì được mức độ sẵn sàng chiến đấu cao nhờ các khí tài tiên tiến so với các cường quốc phương Tây khác như Anh và Đức.
Vũ khí mang tính biểu tượng nhất trong hạm đội Hải quân Mỹ là các nhóm tấn công tàu sân bay. Tàu sân bay USS Gerald Ford của Mỹ hiện là siêu tàu sân bay duy nhất trên thế giới được tích hợp hệ thống phóng điện từ.
Hải quân Mỹ hiện đang triển khai 11 siêu tàu sân bay và 9 tàu tấn công đổ bộ - loại tàu chiến 40.000 tấn có thể hoạt động như tàu sân bay hạng trung và triển khai tới 20 máy bay chiến đấu có khả năng hạ cánh thẳng đứng như F-35B và Harrier II
Hạm đội tàu khu trục của Mỹ ngày càng bị các đối thủ cạnh tranh như Sejong của Hàn Quốc và Type 055 của Trung Quốc vượt xa về mặt chất lượng. Các tàu khu trục Mỹ được hỗ trợ bởi các tàu tuần dương Lớp Ticonderoga tuy đã già cỗi, nhưng lại là những tàu mặt nước được trang bị vũ khí mạnh nhất của phương Tây trên biển.
Hạm đội tàu ngầm của Mỹ cũng không có đối thủ về hỏa lực, với gần 70 tàu đang hoạt động và tất cả đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong đó có 18 tàu thuộc lớp Ohio được thiết kế đặc biệt cho chiến tranh hạt nhân chiến lược.
Đứng thứ hai là Hải quân Trung Quốc, là lực lượng hải quân phát triển nhanh nhất trong lịch sử thế giới, nếu tính theo trọng tải được bổ sung hàng năm cho hạm đội, thì theo dự đoán vào năm 2030 Trung Quốc sẽ là đối thủ ngang hàng với Mỹ trên biển.
Tuy nhiên không giống như Mỹ, Trung Quốc chỉ tập trung phần lớn lực lượng của mình vào một mặt trận duy nhất ở Đông Bắc Á. Hạm đội tàu chiến mặt nước của Trung Quốc hiện có hơn 50 tàu khu trục với lớp tàu khu trục Type 055.
Các tàu khu trục Type 055 của nước này cũng được thiết lập để tích hợp các loại bom, đạn vệ tinh, khiến Type 055 được đánh giá là những tàu chiến mặt nước có năng lực bậc nhất hiện nay.
Trong khi hạm đội tác chiến mặt nước của Trung Quốc rất nổi bật, nhưng hạm đội tàu ngầm và tàu sân bay của Trung Quốc hiện được đánh giá mờ nhạt hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tích cực đóng thêm tàu sân bay và tham vọng có 7 tàu sân bay vào năm 2025.
Thứ ba là Nga, khả năng của hạm đội tàu mặt nước Nga đã không còn là cường quốc kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Việc mất các nhà máy đóng tàu của Ukraine khiến Hải quân Nga chỉ có thể sản xuất các tàu khu trục nhỏ và hiện nay hạm đội khiêm tốn của Nga chỉ gồm 13 tàu khu trục và 9 tàu tuần dương.
Tàu sân bay duy nhất của Nga là Đô đốc Kuznetsov đã có một lịch sử đầy khó khăn, mặc dù trang bị các máy bay chiến đấu đáng gờm nhưng con tàu sắp được cho nghỉ hưu để chuyển sang loại siêu tàu sân bay mới, sẽ được sản xuất trong tương lai.
Các tàu chiến cũ hơn đã được Hải quân Nga trang bị lại bằng các tên lửa hiện đại để tăng cường khả năng chiến đấu, với tên lửa hành trình Kalibr và P-800 được đánh giá là một trong những tên lửa mạnh nhất trên thế giới. Ngoài ra còn được bổ sung bởi tên lửa hành trình siêu thanh Zicron, có tốc độ khoảng Mach 10 và tấn công mục tiêu ở cự ly xa với độ chính xác cao.
Hải quân Nga cũng được trang bị các máy bay hiện đại như MiG-31 và Tu-22M, máy bay có khả năng triển khai tên lửa đạn đạo săn tàu siêu thanh được mệnh danh là “kẻ hủy diệt tàu sân bay”.
Tuy nhiên, sức mạnh lớn nhất của Hải quân Nga là hạm đội tàu ngầm với 51 tàu ngầm tên lửa đạn đạo, bao gồm 17 tàu tấn công hạt nhân và 33 tàu tấn công diesel. Những tàu chiến này là chìa khóa để bù đắp cho những thiếu sót của hạm đội tàu mặt nước Nga cho đến thời điểm nền kinh tế của đất nước có thể cho phép xây dựng các tàu mặt nước mới.
Thứ tư là Nhật Bản, với đội tàu khu trục lớn thứ ba trên thế giới, còn lớn hơn cả nước láng giềng Trung Quốc và vượt qua tất cả các hạm đội tàu khu trục của châu Âu cộng lại. Hải quân Nhật Bản cho đến nay vẫn là lực lượng vũ trang mạnh nhất của nước này.
Nhật Bản có hạm đội tàu sân bay lớn thứ ba trên thế giới với bốn tàu, gồm hai lớp tàu sân bay hạng nhẹ với trọng lượng 19.000 và 27.000 tấn, được thiết kế chủ yếu cho chiến tranh chống tàu ngầm. Các tàu lớp Izumo của nước này có khả năng triển khai máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng F-35B của Mỹ.
Tuy nhiên, giống như Trung Quốc, Hải quân Nhật Bản chủ yếu theo định hướng phòng thủ, việc thiếu tàu sân bay có thể được bù đắp bằng các máy bay chiến đấu tầm xa trên đất liền của nước này. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đầu tư mạnh mẽ vào các tàu ngầm tầm ngắn chạy bằng diesel để phòng thủ đất nước.
Cuối cùng là Hải quân Hàn Quốc, với một hạm đội lớn gồm 12 tàu khu trục hiện đại và một chương trình tàu sân bay, cho đến nay đã đóng được hai tàu sân bay Lớp Dodko có kích thước khiêm tốn nhưng cực kỳ hiệu quả và tinh vi, có khả năng đóng góp vào các nỗ lực chống tàu ngầm.
Tàu khu trục Sejong được trang bị vũ khí tốt hơn so với lớp Arleigh Burke của Mỹ, được đánh giá là một trong những tàu khu trục hàng đầu trên thế giới. Hải quân Hàn Quốc là một trong những hải quân hiện đại nhất thế giới, với năng lực đóng tàu quân sự vượt trội so với tất cả các cường quốc châu Âu.
Ngoài ra, Hàn Quốc còn có 16 tàu ngầm tấn công được đánh giá là một trong những tàu tấn công diesel đáng gờm nhất trên thế giới, trong khi các tàu khu trục nhỏ và tàu hộ tống của nước này cũng thuộc hàng đẳng cấp thế giới.
Hải quân Hàn Quốc có tiếp tục bành trướng hay không sẽ phụ thuộc vào việc căng thẳng với Triều Tiên có tiếp tục giảm bớt hay không. Ngoài ra còn xem xét về kế hoạch Nhật Bản mua máy bay chiến đấu, Hàn Quốc sẽ phải đầu tư tương tự để duy trì sự ngang bằng với đối thủ lâu đời của mình trong khu vực. Nguồn ảnh: Fliclkr.
Vì sao Hải quân Anh lừng lẫy một thời tới nay không còn được "xưng danh" trong top những lực lượng mạnh nhất trên biển?. Nguồn: HUF.
Thái Hòa