Hải quan số, hải quan thông minh - Bước đi tiên phong, tầm nhìn rộng mở
Để cải cách, hiện đại hóa, Hải quan Việt Nam luôn đi từng bước. Mỗi bước đều được tính toán thận trọng từ k¬ thuật, hướng đi sao cho phù hợp với thực tiễn mà không cản trở giao thương. Điều quan trọng nhất đó đều là những bước đi tiên phong, với tầm nhìn rộng mở. Trước 'cánh cửa' thương mại Việt Nam ngày càng rộng lớn, điều mà ngành Hải quan đang nhắm đến chính là sử dụng công nghệ tạo nên chiếc 'chìa khóa' đưa Việt Nam vươn xa.
Khơi thông dòng chảy
Những năm đầu của thế kỷ XXI, các văn bản, thủ tục giấy tờ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hầu hết vẫn đang được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Vào thời điểm này, ngành Hải quan đã “nhìn xa”, tính đến việc cải cách. Sau hàng trăm cuộc họp lớn nhỏ, quyết tâm điện tử hóa thủ tục hải quan đã định được “hình hài”, bằng Quyết định số 149/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thủ tục hải quan điện tử.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực trình độ cao
"Để xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại như mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, vấn đề con người luôn là yếu tố then chốt. Ngành Hải quan đã, đang và sẽ tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, được tổ chức, quản lý khoa học, gắn với nhu cầu thực tiễn của vị trí việc làm với năng lực của từng cá nhân, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại."
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan
Trong năm đầu tiên thí điểm tại 2 đơn vị là Hải quan Hải Phòng và Hải quan TP. Hồ Chí Minh, kết quả rất đáng khích lệ. Thủ tục hải quan điện tử được áp dụng đối với loại hình kinh doanh cho 215 doanh nghiệp với lưu lượng trung bình đạt 90 tờ khai/ngày. 21.000 tờ khai được thông quan điện tử, với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 1,7 tỷ USD, chiếm tỷ lệ gần 7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo loại hình kinh doanh năm 2006 của 2 đơn vị thí điểm. Thời gian thông quan trung bình đối với các lô hàng luồng xanh là 5 - 10 phút, đối với luồng vàng từ 20 - 30 phút.
Ngay sau đó, việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử được nhân rộng, áp dụng tại các đơn vị hải quan trọng điểm kể từ cuối năm 2007. Thừa “thắng” xông lên, năm 2011, Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 được phê duyệt, với ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Tổng kết chiến lược này, kết quả đạt được đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, định nghĩa "5E” mà ở thập niên trước vẫn còn khá mơ hồ đã được ngành Hải quan hiện thực hóa. Đó là thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử
(E-Declaration); triển khai mạnh mẽ thanh toán điện tử (E-payment); E-C/O - cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) bản điện tử; bản lược khai hàng hóa điện tử (e-Manifest); cấp giấy phép các bộ, ngành (e-Permit).
Một dấu ấn không thể không nhắc đến chính là Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) được Chính phủ Nhật Bản viện trợ, bàn giao cho Tổng cục Hải quan đưa vào sử dụng từ năm 2014, trở thành hệ thống cốt lõi của Hải quan Việt Nam cho đến tận hôm nay. Việc đưa vào vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS thời điểm đó là một bước đột phá trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
10 năm hoạt động, Hệ thống VNACCS/VCIS xử lý từ lượng tờ khai chỉ vài triệu bộ/năm, nhưng hiện nay con số này đã lên khoảng hơn 15 triệu bộ tờ khai/năm. Quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2014 mới đạt hơn 298 tỷ USD nhưng đến nay đã tăng lên hơn 730 tỷ USD. Đặc biệt, ý nghĩa lớn nhất của VNACCS/VCIS chính là giúp Hải quan Việt Nam hoàn thành được mục tiêu xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin tập trung, tạo nền tảng để triển khai tất cả các chương trình hiện đại hóa sau này.
Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% đơn vị hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của ngành Hải quan. Toàn ngành áp dụng các công nghệ số trong kiểm tra, giám sát hàng hóa như sử dụng máy soi container, giám sát trực tuyến, sử dụng seal định vị điện tử trong giám sát tự động đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container,...
Điều quan trọng nhất là hiệu quả qua từng năm của việc ứng dụng công nghệ đã từng ngày nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của các đơn vị, của từng cán bộ công chức hải quan.
Những kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua là động lực để xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại, là tiền đề xây dựng hải quan số, hải quan thông minh trong thời gian tới.
Bước tiếp cùng dòng chảy công nghệ số
Sau hơn 10 thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020, thế giới đã có sự thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, đặc biệt là sự phát triển chưa từng có của công nghệ số. Cộng thêm sự phát triển như vũ bão của thị trường thương mại, sự hội nhập mạnh mẽ của đất nước với thế giới, Hệ thống VNACCS/VCIS đã trở nên “lão hóa”. Mặt khác, các dữ liệu kèm theo tờ khai cũng rất lớn. Trong khi dịch vụ bảo hành mở rộng đối với hầu hết các trang thiết bị phần cứng đã hết hạn. Vậy là lại đến lúc cần thay đổi.
Tổng kết công tác của ngành Hải quan năm qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - người phụ trách công tác hải quan của Bộ Tài chính, nói rằng: “Chúng ta nhiều năm tiên phong, phải làm thế nào giữ được phong độ, dù dư địa không còn nhiều. Bởi với thời đại này, chỉ cần đứng im tức là đã tụt hậu”.
Điều mà Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh là điều mà tập thể lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng như các đơn vị chuyên môn luôn “đau đáu” ngày đêm. Chia sẻ về điều này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn từng khẳng đinh: “Ngành Hải quan luôn nhận thức rất rõ và chủ động từ sớm, từ xa, lường trước để chuẩn bị”.
Ở góc độ chuyên môn, ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Ngành Hải quan ý thức được việc thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh mới là một cuộc cách mạng làm thay đổi cách thức, phương pháp làm việc của cơ quan hải quan.
Với nhận thức ấy, Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng hải quan số, hải quan thông minh. Đó là tuyến “cao tốc” mở ra thời kỳ phát triển mới của Hải quan Việt Nam, cũng là chiếc chìa khóa để thương mại Việt Nam vươn cao và xa hơn nữa.
Trọng tâm trước mắt là hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin
Trong kế hoạch triển khai chiến lược nói trên, trọng tâm trước mắt mà ngành Hải quan đặt ra là hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống.
Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 như: 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (đến năm 2030 phấn đấu chỉ tiêu đạt 100%); 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số…