Hải quan tiếp tục cải cách thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp

Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 với 7 mục tiêu cải cách trọng tâm.

Các đơn vị xây dựng nhiều mô hình, sáng kiến mới triển khai, áp dụng vào thực tiễn.

Các đơn vị xây dựng nhiều mô hình, sáng kiến mới triển khai, áp dụng vào thực tiễn.

Cụ thể, năm 2024, ngành Hải quan tiếp tục đặt mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, triển khai đồng bộ và toàn diện từ công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính đến xây dựng và phát triển hải quan điện tử, hải quan số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực hải quan.

Bên cạnh đó, phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, ngành Hải quan cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lơi ích cá nhân; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Các đơn vị xây dựng nhiều mô hình, sáng kiến mới triển khai, áp dụng vào thực tiễn, tạo dấu ấn nổi bật trong thời gian tới với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả”.

Đồng thời, toàn ngành tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan; nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội.

Một nhiệm vụ nữa là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả cụ thể, thực chất, không hình thức.

Cùng với đó là tiếp tục rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo tinh gọn, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành Hải quan có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.

Với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hải quan số, cơ quan hải quan nhấn mạnh tinh thần phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua các công cụ số hóa, góp phần đổi mới phương thức làm việc; xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy, cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan; nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, ngành Hải quan đề cao trách nhiệm người đứng đầu đối với việc tổ chức thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan; xác định rõ kết quả đạt được, những nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân chủ trì thực hiện; bố trí nguồn lực đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính của các đơn vị trong ngành Hải quan.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hai-quan-tiep-tuc-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-lien-quan-truc-tiep-den-doanh-nghiep-145337.html