Hải quan TP. Hồ Chí Minh tập trung triển mạnh kiểm tra sau thông quan
Năm 2021, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thực hiện trên 60 cuộc kiểm tra sau thông quan, chủ yếu thực hiện tại trụ sở cơ quan Hải quan, tăng thu cho ngân sách nhà nước trên 25 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tăng 33%. Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tập trung nhiều vào công tác hậu kiểm, lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu...
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tạm dừng các cuộc kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) tại trụ sở doanh nghiệp theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan.
Công tác KTSTQ của đơn vị chủ yếu tập trung vào các nghiệp vụ, như: Tăng cường công tác thu thập, rà soát, phân tích thông tin dữ liệu về mặt hàng trọng điểm, nổi cộm về trị giá, xuất xứ, mã số. Trong đó chú trọng phát hiện những vấn đề sơ hở trong thông quan và những bất cập của chính sách để kiến nghị xử lý kịp thời.
Cùng với đó, Chi cục KTSTQ tập trung triển khai Quyết định số 3450/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan về việc giao kế hoạch KTSTQ đánh giá tuân thủ pháp luật năm 2021. Theo đó, đơn vị đã phân công cụ thể danh sách 22 doanh nghiệp cho từng đội nghiệp vụ để lên kế hoạch triển khai. Đồng thời, triển khai các chuyên đề về xử lý thông tin, tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục KTSTQ đã tập trung thực hiện các chuyên đề KTSTQ được giao, giải quyết thu thập thông tin trên cơ sở dữ liệu Hải quan, hạn chế tối đa việc kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp, chỉ tập trung KTSTQ theo dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
Trong năm 2021, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện trên 60 cuộc KTSTQ, chủ yếu thực hiện tại trụ sở cơ quan Hải quan, tăng thu cho ngân sách nhà nước trên 25 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tăng 33%, số tiền thuế truy thu giảm gần 5%.
Trong quá trình thực hiện KTSTQ, cơ quan Hải quan luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, hướng dẫn doanh nghiệp hiểu, đồng thuận việc KTSTQ và chấp hành các quyết định KTSTQ, quyết định ấn định thuế.
Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp tìm cách lợi dụng chủ trương của Chính phủ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để đối phó, trì hoãn, không hợp tác cung cấp hồ sơ, tài liệu và xin kéo dài thời hạn KTSTQ... ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Hải quan.
Từ nay đến cuối năm, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác thu thập, rà soát, phân tích thông tin dữ liệu về mặt hàng trọng điểm, nổi cộm về trị giá, xuất xứ, mã số, tập trung các trường hợp doanh nghiệp có rủi ro cao, hoạt động XNK phức tạp, thực hiện sản xuất, nhập khẩu trên nhiều địa bàn khác nhau, cũng như các trường hợp phát sinh do Tổng cục Hải quan chỉ đạo kiểm tra...
Trong số 60 vụ KTSTQ trong 11 tháng năm 2021 tại Hải quan TP. Hồ Chí Minh có đến 23 vụ kiểm tra liên quan đến lĩnh vực gia công, sản xuất khẩu.
Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ Nguyễn Đức Khánh cho biết, đối với lĩnh vực gia công và sản xuất xuất khẩu, Cục Hải quan TPHCM đã kiểm tra, phát hiện và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước đối với nhiều doanh nghiệp quy mô lớn trong những năm trước đây.
Qua đó các doanh nghiệp chấp hành thực hiện quy định pháp luật hải quan ngày một tốt hơn. Đối với các vụ KTSTQ lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu trong thời gian vừa qua, chi cục chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực mới, có dấu hiệu, như: doanh nghiệp nhập khẩu gia công mặt hàng hạt điều, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu...
Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao hiệu quả công tác KTSTQ, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng kế hoạch định hướng theo 4 lĩnh vực lớn, như: Kiểm tra mã số đối với các mặt hàng rủi ro cao, mặt hàng đã có kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng tiếp tục vi phạm; kiểm tra về trị giá đối với các mặt hàng có giá cao/ thuế suất cao như khoáng sản, hàng tiêu dùng...; kiểm tra về chính sách thuế bao gồm hàng miễn thuế và 17 Hiệp định thương mại tự do; đổi mới công tác KTSTQ đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thu thập thông tin doanh nghiệp qua các hệ thống nghiệp vụ; các Chi cục Hải quan chú trọng công tác tham vấn, KTSTQ trong thời hạn 60 ngày... Bên cạnh đó, để thu hồi, xử lý nợ đọng thuế từ công tác KTSTQ, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tập trung việc xử lý nợ thuế đã quá hạn 10 năm, tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi nợ thuế, nợ phạt vi phạm hành chính…