Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13
Ngày 3-10 tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 13.
Hội nghị sẽ được tổ chức từ ngày 9 -10/10/2019 tại Tp. Hạ Long, Quảng Ninh. Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan là Hội nghị có quy mô lớn với 53 đoàn đại biểu là các Tổng cục trưởng/Cao ủy các cơ quan Hải quan của các nước thành viên ASEM, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO),Liên minh Châu Âu và đại diện các Đại sứ quán các nước thành viên ASEM tại Việt Nam.
Diễn đàn ASEM đối thoại trên 3 trụ cột nòng cốt gồm chính trị, an ninh-kinh tế và văn hóa xã hội và hợp tác hải quan trong diễn đàn ASEM nằm trong tiến trình đối thoại an ninh – kinh tế với ưu tiên chính là bổ sung và tăng cường thực hiện hệ thống thương mại đa phương trong WTO.
Cơ chế làm việc trong diễn đàn hải quan ASEM bao gồm nhóm công tác về hải quan họp thường niên và Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan được tổ chức 2 năm một lần luân phiên nghĩa vụ đăng cai giữa Châu Á và Châu Âu.
Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan ASEM đóng vai trò là diễn đàn định hướng, chỉ đạo và hướng dẫn các nhóm công tác triển khai kế hoạch hành động theo các giai đoạn được các Tổng cục trưởng hải quan ASEM phê duyệt.
Tuyên bố Hạ Long thể hiện cam kết của các Tổng cục trưởng Hải quan ASEM về các mục tiêu và ưu tiên hợp tác hải quan ASEM trong tương lai cũng như Kế hoạch Hành động hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021 với các chương trình hoạt động được chính thức thông qua tại Hội nghị này.
Cùng với tinh thần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW, việc chủ trì Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM khẳng định sự chủ động trong việc đóng góp vào định hướng cho hoạt động hợp tác hải quan Á Âu; góp phần tạo ra sự kết nối và hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó là việc thế giới đang phải đối mặt với các thách thức về gian lận thương mại, an ninh, chống khủng bố, vận chuyển trái phép hàng hóa nguy hại đến môi trường, xã hội với mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi với qui mô lớn...
Bên cạnh nhiệm vụ đạt được các thỏa thuận về nội dung ưu tiên trong kế hoạch hành động ASEM 2020 - 2021, Hải quan Việt Nam cũng sẽ chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, lễ tân, hậu cần để quảng bá văn hóa và đất nước Việt Nam đến bạn bè khu vực và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, dựa trên 4 ưu tiên chính được thông qua tại Hội nghị ASEM 12, dự kiến chương trình hoạt động trong Kế hoạch Hành động Hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021 sẽ gồm 8 vấn đề ưu tiên.
Cụ thể, tạo thuận lợi cho thương mại và thủ tục hải quan phi giấy tờ; thực thi cơ chế một cửa trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối (blockchain); kiểm soát hải quan hiệu quả sử dụng công nghệ không gián đoạn; chiến dịch hải quan xanh nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải; hoạt động hải quan phối hợp nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới; kết nối ASEM thông qua cơ chế chia sẻ và trao đổi thông tin; kợp tác ASEM liên quan đến các hoạt động quá cảnh và chuyển tải và quản lý hải quan đối với thương mại điện tử.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, nằm trong khuôn khổ hợp tác hải quan chung ASEM, đầu tháng 3-2019, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với cơ quan chống hàng giả châu Âu (OLAF) tổ chức các hoạt động triển khai hoạt động hợp tác hải quan liên quan đến đấu tranh chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ với hàng tiêu dùng nhanh (gọi tắt là JCO HYGIEA).
Chương trình hành động này nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng dưới hình thức phát động chiến dịch hoạt động hải quan chung nhằm đấu tranh chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhóm hàng tiêu dùng nhanh (hàng gia dụng, nhu yếu phẩm, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân…).
Cách thức triển khai chiến dịch dựa trên việc trao đổi thông tin về việc di chuyển các lô hàng có yếu tố rủi ro cao, thông qua việc sử dụng ứng dụng trực tuyến (VOCU) thuộc hệ thống thông tin chống gian lận (AFIS) do OLAF phát triển.
Theo đó, chiến dịch được chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn trước khi triển khai, các nước thành viên thu thập và cung cấp thông tin về các lô hàng rời khỏi nước mình để đến người nhận tại EU. Thông tin được thu thập phù hợp với các hồ sơ được xác định cho hoạt động này, dựa trên phân tích hoạt động ban đầu của những hàng hóa vi phạm đã bị bắt giữ trước đó.
Các chỉ số rủi ro được xác định trên cơ sở dữ liệu quốc gia của các nước thành viên tham gia hoặc theo các chỉ số và tiêu chí rủi ro được thiết lập cho hoạt động này cần được sử dụng trong giai đoạn trước và trong khi triển khai đối với các lô hàng được khai báo là đã được dỡ xuống tại một số cảng của một trong các nước thành viên tham gia.