Hai rào cản chính trong chuyển đổi năng lượng của Việt Nam
Con đường chuyển đổi năng lượng của Việt Nam được đánh giá không hề dễ dàng, với hai rào cản chính là thiếu cơ sở hạ tầng và năng lực truyền tải cho năng lượng tái tạo và kinh phí cho cả quá trình chuyển đổi.
HSBC trong báo cáo mới nhất nhận định, hai thách thức chính trong chuyển đổi năng lượng của Việt Nam bao gồm cơ sở hạ tầng và kinh phí.
Về cơ sở hạ tầng, nhu cầu về năng lượng của Việt Nam chủ yếu ở phía Bắc và phía Nam – nơi tập trung hầu hết các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, các công trình sản xuất năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo, lại đang được xây dựng ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Điều này có nghĩa là, khả năng truyền tải sẽ phải được nâng cấp tại miền Bắc, khu nhu cầu điện dự kiến ngày càng tăng. Tuy nhiên, HSBC đánh giá, cơ sở hạ tầng lưới điện hiện tại của Việt Nam không hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của điện mặt trời và điện gió.
Theo Ngân hàng Thế giới, hệ thống truyền tải hiện tại chỉ có thể tích hợp tối đa 3,3GW năng lượng tái tạo biến đổi ở miền Nam, trong khi tổng công suất năng lượng mặt trời và gió được lắp đặt hiện tại là khoảng 20GW.
Việc phát triển các hệ thống truyền tải sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu mới, với ít nhất 47% sản lượng điện đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, tăng từ mức 36% hiện nay, như được đưa ra trong Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP Việt Nam.
McKinsey trong nghiên cứu về lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam đánh giá, nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể khi các ngành được điện hóa.
Theo đó, Việt Nam sẽ cần đầu tư vào hạ tầng phụ trợ, như đường dây truyền tải và phân phối điện năng, cùng với hệ thống lưu trữ điện quy mô công nghiệp, để có thể tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện, khắc phục tình trạng thiếu hụt trong ngắn hạn, và giải quyết vấn đề khoảng cách giữa nơi sản xuất với nơi tiêu thụ.
Trước đó, thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sự gia tăng mạnh mẽ nguồn điện năng lượng tái tạo đã gây nên khó khăn khi các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi năng lượng tái tạo, ảnh hưởng đến an ninh cấp điện cuối mùa khô cũng như tăng số lần khởi động/thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than/tuabin khí, làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy.
Không chỉ vậy, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC 3) mặc dù đã giảm huy động nguồn điện trong khu vực phụ trách, nhưng tình trạng vận hành đầy tải nhiều đường dây 220kV vẫn còn trong giai đoạn giữa năm 2021.
Một số máy biến áp 500kV cũng xảy ra tình trạng đầy và quá tải như máy biến áp tại trạm biến áp 500kV Đắk Nông, Pleiku 2, Pleiku mang tải từ 94 – 100%.
Theo PTC 3, để giảm áp lực đầy và quá tải lưới điện do nguồn năng lượng tái tạo đấu nối phát triển nhanh, cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân, trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối, đường dây 500kV KrôngBuk – Tây Ninh, trạm biến áp 500kV Krông Buk và đấu nối, đường dây 220kV Sông Ba Hạ - Krông Buk.
Nhu cầu cấp thiết về truyền tải đặt ra rào cản thứ hai trong chuyển đổi năng lượng là vấn đề kinh phí.
Theo ước tính của Trung tâm Cơ sở hạ tầng toàn cầu (Global Infrastructure Hub), Việt Nam cần trung bình ít nhất 25 tỷ USD mỗi năm cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong 20 năm tới, trong đó, ngành năng lượng chiếm gần 45% tổng nhu cầu.
Trong lịch sử, sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam chậm hơn nhiều so với các nước ASEAN. Hiện các nhà quản lý đang tìm cách giải quyết trở ngại, đơn cử như thông qua Luật Dầu khí sửa đổi mới đây, để tăng cường khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Cùng với đó, đáng mừng là trong những năm gần đây, đầu tư vào năng lượng với sự tham gia của khu vực tư nhân ngày càng tăng ở Việt Nam, vượt xa các nước trong khu vực khác như Indonesia, Malaysia, hay Thái Lan.
Dù vậy, Việt Nam vẫn có thể huy động thêm các khoản đầu tư lớn theo dự án trong năng lượng sạch từ khu vực tư nhân, nếu cơ chế quản lý cho phép.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), vấn đề để thu hút đầu tư là các hợp đồng mua bán điện cần có khả năng vay vốn ngân hàng đối với nguồn năng lượng bền vững.
“Tín dụng xanh cung cấp mức giá ưu đãi cho các nhà đầu tư tư nhân để giảm thiểu phát thải CO2, nhưng khung pháp lý cần được cập nhật để làm rõ các tiêu chí phê duyệt tín dụng xanh”, Amcham nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) là một cơ chế quan trọng để thu hút các nhà đầu tư, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong các lĩnh vực khác.
Cơ chế này đã được sử dụng ở nhiều quốc gia, và được kỳ vọng sẽ có thể có hiệu lực tại Việt Nam trong năm nay. Việc phê duyệt cơ chế DPPA có thể mang lại hàng tỷ USD đầu tư từ khu vực tư nhân.