Hai rào cản với tăng trưởng ngành sản xuất

Những gián đoạn trong chuỗi cung ứng và trên thị trường lao động do đợt dịch bệnh gần đây có thể kìm hãm tăng trưởng lĩnh vực sản xuất trong thời gian tới.

Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại IHS Markit, cho biết theo kết quả khảo sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất, tình hình đại dịch cải thiện, và kéo theo là việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, đã giúp các nhà sản xuất Việt Nam hoạt động trở lại trong tháng 10.

Cùng với việc tăng sản lượng, các công ty cũng tự tin hơn nhiều về triển vọng sắp tới so với các tháng gần đây.

Tuy nhiên, ông Andrew Harker lưu ý rằng vẫn có những vấn đề còn tồn tại do đợt bùng phát gần đây của đại dịch có thể kìm hãm tăng trưởng.

Thứ nhất, những khó khăn với hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng vẫn chưa kết thúc, từ đó khiến việc tìm kiếm nguồn hàng và phân phối sản phẩm trở nên khó khăn.

Thứ hai, một số công ty vẫn phải đợi công nhân trở lại khi trước đó họ đã phải quay về do làn sóng Covid-19 gần đây, và điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân công trong tháng 10.

“Hy vọng những khó khăn này sẽ giảm bớt khi lĩnh vực sản xuất tiếp tục bình thường trở lại trong những tháng tới”, vị chuyên gia cho biết.

Trong tháng 10, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại trên ngưỡng trung bình 50 điểm, đạt 52,1 điểm sau khi chỉ đạt 40,2 điểm trong tháng 9. Điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện trong lĩnh vực sản xuất, từ đó kết thúc thời kỳ giảm kéo dài bốn tháng.

PMI ngành sản xuất Việt Nam.

PMI ngành sản xuất Việt Nam.

Việc nới lỏng các hạn chế do Covid-19 đã giúp một số công ty tái khởi động sản xuất trong tháng 10, trong khi những công ty khác tăng sả̉n lượng để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Kết quả là, sản lượng ghi nhận mức tăng lần đầu tiên trong năm tháng.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh trở lại cũng được ghi nhận khi các nhà sản xuất và khách hàng của họ đều khôi phục hoạt động.

Sự cải thiện của tình hình đại dịch đã cho phép các công ty hưởng lợi từ tình trạng nhu cầu tăng trên thị trường quốc tế, từ đó số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng lần đầu kể từ tháng 5.

Cùng với đó, niềm tin kinh doanh đã cải thiện đáng kể trong tháng 10 khi làn sóng đại dịch Covid-19 mới đây đã có dấu hiệu dịu lại. Niềm hy vọng đại dịch sẽ được kiểm soát đã giúp mức độ lạc quan đạt mức cao của 29 tháng.

Những vấn đề liên quan đến việc làm vẫn hiện hữu bất kể tăng trưởng đã trở lại. Việc làm tiếp tục giảm đáng kể trong tháng 10 khi một số công ty cho biết một số nhân viên của họ đã trở về quê nhà trong làn sóng đại dịch mới nhất và vẫn chưa quay trở lại làm việc.

Tình trạng khan hiếm lao động đã góp phần làm lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng, và số lượng đơn đặt hàng mới tăng cũng tạo thêm áp lực cho công suất. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại so với mức kỷ lục của tháng 9.

Chi phí đầu vào đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2011, và là một trong những mức tăng mạnh nhất trong lịch sử khảo sát. Chi phí vận tải tăng được nhiều người nhắc đến, và điều này làm tăng áp lực lạm phát vốn do tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu gây ra.

Để đối phó với chi phí đầu vào tăng, các nhà sản xuất tăng giá bán hàng với tốc độ tăng nhanh nhất trong năm tháng.

Những nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của tình trạng tăng giá có thể xảy ra trong tương lai đã khiến các công ty tăng tồn kho hàng hóa đầu vào tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 10. Điều này đã được hỗ trợ thêm bởi hoạt động mua hàng tăng mạnh trở lại với tốc độ tăng gần kỷ lục.

Phương Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hai-rao-can-voi-tang-truong-nganh-san-xuat-1635746067713.htm