Hai Sa hoàng nhỏ tuổi cùng trị vì nước Nga

Những chiếc chuông trên Tháp chuông Ivan đã rung lên, và trong Thánh đường Đức Mẹ Lên Trời, những lời cầu nguyện chúc phúc được gửi đến hai vị Sa hoàng Chính thống giáo nhất là Ivan Alexeevich và Peter Alexeevich.

Vậy là Sophia đã nắm quyền kiểm soát khi không còn sự phản đối nào: Matveev đã chết, Natalya suy sụp và Peter chỉ là một cậu bé mười tuổi. Tuy nhiên, Peter vẫn là Sa hoàng và tương lai có thể khẳng định quyền lực của mình, nên chiến thắng của Miloslavsky chỉ là tạm thời. Để củng cố quyền lực, Sophia thúc giục quân Streltsy yêu cầu thay đổi ngai vàng. Họ đề nghị Peter và Ivan cùng cai trị như đồng Sa hoàng, nếu không sẽ tấn công Điện Kremlin lần nữa.

 Chân dung Peter đại đế thưở thiếu thời. Ảnh: Factinate.

Chân dung Peter đại đế thưở thiếu thời. Ảnh: Factinate.

Thượng phụ, các tổng giám mục và các đại quý tộc tập hợp tại Điện Facets để xem xét yêu cầu mới này. Trên thực tế, họ không có lựa chọn nào khác: không thể phản đối quân Streltsy. Ngoài ra, người ta lập luận rằng, hai Sa hoàng thậm chí có thể là một lợi thế: trong khi một người đi chinh chiến, người kia có thể ở lại và cai trị quốc gia.

Tất cả chính thức đồng ý rằng hai Sa hoàng sẽ cùng nhau trị vì. Những chiếc chuông trên Tháp chuông Ivan đã rung lên, và trong Thánh đường Đức Mẹ Lên Trời, những lời cầu nguyện chúc phúc được gửi đến hai vị Sa hoàng Chính thống giáo nhất là Ivan Alexeevich và Peter Alexeevich. Tên của Ivan được nhắc đến đầu tiên, vì bản kiến nghị của Streltsy yêu cầu anh phải có vị thế lớn hơn trong hai người.

Bản thân Ivan cũng thất vọng trước những việc xảy ra. Vì nói và nhìn đều khó khăn do các khuyết tật, anh không muốn tham gia bất kỳ vai trò nào trong chính quyền. Anh tranh luận với Sophia rằng mình thích một cuộc sống yên tĩnh, thanh bình hơn, nhưng trước áp lực, anh buộc phải đồng ý xuất hiện cùng với người em cùng cha khác mẹ trong các dịp lễ cấp nhà nước và thỉnh thoảng trong Hội đồng Đại quý tộc.

Bên ngoài Điện Kremlin, người dân, những người được quân Streltsy lấy danh nghĩa để đưa ra thỏa thuận chung mới, rất ngạc nhiên. Một số người cười lớn khi nghĩ đến việc Ivan - người mà ai cũng biết là đầy bệnh tật và nhu nhược - trở thành Sa hoàng.

Câu hỏi quan trọng cuối cùng là: Vì cả hai cậu bé đều còn nhỏ nên sẽ có một người khác thực sự cai quản đất nước. Vậy sẽ là ai? Hai ngày sau, vào ngày 29 tháng Năm, một phái đoàn khác của quân Streltsy xuất hiện với yêu cầu cuối cùng: vì hai Sa hoàng còn trẻ và thiếu kinh nghiệm nên Công chúa Sophia sẽ trở thành Nữ Nhiếp chính.

Đức Thượng phụ và các đại quý tộc nhanh chóng đồng ý. Cùng ngày hôm đó, một sắc lệnh thông báo rằng Công chúa Sophia Alexeevna sẽ thay thế Hoàng thái hậu Natalya làm Nhiếp chính.

Sophia đã tiếp nhận vai trò lãnh đạo nhà nước Nga theo cách như vậy. Mặc dù cô đang lấp chỗ trống mà mình và tay sai tạo ra, nhưng thực tế Sophia giờ đây là sự lựa chọn đương nhiên. Không có người đàn ông thuộc dòng họ Romanov nào đủ tuổi để nắm quyền cai trị, và cô vượt trội hơn tất cả các công chúa khác về trình độ học vấn, tài năng và ý chí.

Cô đã chứng tỏ rằng mình biết cách phát động và điều khiển cơn lốc nổi dậy của quân Streltsy. Quân lính, chính phủ, thậm chí cả người dân bây giờ đều trông chờ vào cô. Sophia chấp nhận và trong bảy năm tiếp theo, người phụ nữ phi thường này đã cai trị nước Nga.

Để khẳng định và củng cố chiến thắng của mình, Sophia nhanh chóng thể chế hóa quyền lực. Chỉ mười ba ngày sau cuộc nổi dậy của quân Streltsy, vào ngày 6 tháng Bảy, hai Sa hoàng Ivan và Peter cùng đăng quang. Đây là sự kiện độc đáo trong lịch sử Nga và châu Âu, lần đầu có hai vị vua cùng được trao vương miện.

Buổi lễ bắt đầu từ sáng sớm với Peter và Ivan cầu nguyện, sau đó họ thăng cấp cho những người thân cận của Sophia. Hai vị Sa hoàng, Peter mười tuổi và Ivan mười sáu tuổi, đi bên nhau đến thánh đường, nơi họ nhận phước lành và tham gia lễ đăng quang trong không gian tráng lệ của Thánh đường Đức Mẹ Lên Trời.

Ở giữa thánh đường, ngay dưới bức tranh khổng lồ của Chúa Kitô đang giơ cao bàn tay ban phước, trên một bục cao phủ vải đỏ thẫm, một ngai vàng đôi đang chờ Ivan và Peter. Vì thời gian quá gấp không kịp chế ra hai chiếc ngai vàng giống hệt nhau nên chiếc ngai bằng bạc của Sa hoàng Aleksey đã bị ngăn đôi bằng một thanh dọc. Đằng sau chiếc ghế mà cả hai cậu bé sẽ ngồi, có một tấm màn che - nơi ẩn náu của người theo dõi họ, thông qua một cái lỗ có thể thì thầm hướng dẫn và phản hồi cần thiết trong buổi lễ.

Buổi lễ bắt đầu khi hai vị Sa hoàng tiến đến gần bức tường thánh tích và hôn lên thánh tích thiêng liêng nhất. Đức Thượng phụ yêu cầu họ tuyên xưng đức tin của mình, mỗi người đều trả lời: “Tôi thuộc về Đức tin Chính thống Nga.” Sau đó là một loạt những lời cầu nguyện và thánh ca dài được chuẩn bị cho thời khắc quan trọng nhất của buổi lễ - nghi thức đội vương miện vàng Monomakh lên đầu các Sa hoàng.

Chiếc mũ cổ đại có đường viền lông chồn này được cho là của Hoàng đế Constantinople tặng cho Vladimir Monomakh, Đại Công tước Kyiv thế kỷ XII. Nó đã được sử dụng trong các nghi lễ đăng quang của tất cả các Đại Công tước Moskva và tất cả các Sa hoàng của Nga sau khi Ivan IV xưng tước hiệu Sa hoàng. Ivan được trao vương miện, tiếp theo đến Peter, sau đó chiếc mũ được trả lại trên đầu Ivan và một bản sao khác, được làm riêng cho Peter, được đặt trên trán của vị Sa hoàng trẻ tuổi.

Khi buổi lễ kết thúc, những người cai trị mới lại hôn thánh giá, thánh tích và tranh thánh lần nữa, rồi di chuyển theo đoàn diễu hành đến Thánh đường Tổng lãnh thiên thần Mikhail để tỏ lòng tôn kính tại lăng mộ của các cựu Sa hoàng, sau đó đến Thánh đường Truyền tin rồi quay lại phòng tiệc để khai tiệc và nhận những lời chúc mừng.

Robert K. Massie/Bách Việt Books-NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/hai-sa-hoang-nho-tuoi-cung-tri-vi-nuoc-nga-post1569077.html