Hải sản suy giảm: Có nên cấm đánh bắt ?

Mùa cá nam vừa kết thúc cũng là lúc ngư dân liên tiếp đón các đợt áp thấp nhiệt đới. Một năm được đánh giá không thuận lợi, cả thời tiết lẫn ngư trường và cả yếu tố khách quan - dịch Covid-19.

Hải sản suy giảm

Do áp thấp nhiệt đới trên biển Đông mấy ngày qua diễn biến hết sức phức tạp, có thể mạnh lên thành bão, nên ngư dân Nguyễn Thanh Bình (phường Phú Hài - TP. Phan Thiết) cùng các thuyền viên đành nằm bờ vài ngày. Hỏi thăm về vụ cá nam năm nay, anh Bình cho biết: “Có tàu trúng, tàu không, nhưng phải công nhận mỗi năm sản lượng đánh bắt ngày càng giảm. Nếu những năm trước, từ đầu vụ đến cuối vụ đều có cá để thu hoạch, thì những năm gần đây chỉ được 1 – 2 tháng ngư dân làm ăn có. Đa số các chuyến biển còn lại huề hoặc lỗ tổn, đã thế còn bị dịch Covid – 19, giá cả không như ý muốn, khiến chúng tôi muốn bỏ nghề”. Nhớ lại thời điểm đầu vụ cá nam, các tàu hành nghề pha xúc, vây cá cơm chưa có năm nào thất bát đến thế. Những tàu hành nghề này phải nằm bờ 4 - 5 tháng trời vì biển không có cá. Đến cuối vụ họ mới thở phào vì cũng được gọi là “trúng mùa”, gỡ gạc lại những tháng đầu năm. Theo kinh nghiệm của các ngư dân, ngoài vấn đề thời tiết thay đổi, tình trạng tàu giã cào bay đánh bắt bằng lưới nhỏ và nghề lưới mùng dùng thuốc nổ hoạt động thường xuyên đã làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Vì lẽ đó, các tàu đánh bắt xa bờ ngày càng ngại ra khơi, chỉ đánh tuyến lộng cho đỡ phí tổn. Nhiều ngư dân có hơn 10 năm bám biển cho biết, nếu lúc trước đi biển 8 tháng trúng hết 8, thì nay chỉ khoảng 3 tháng là có cá, khiến nhiều người buộc phải “xẻ thịt” tàu thuyền, chuyển đổi nghề khác.

Những chuyến biển được mùa ngày càng hiếm

Chị Nguyễn Thị Kim Tuyền - Giám đốc Công ty TNHH Mười Tuyền chia sẻ: “Gần 20 năm kinh doanh trong lĩnh vực thu mua hải sản ở Bình Thuận, tôi cảm nhận rõ nguồn lợi thủy hải sản đang bị khai thác quá mức. Trước năm 2009 – 2010, sản lượng ở vùng biển Bình Thuận rất dồi dào, công ty thu mua liên tục và từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, buộc chúng tôi phải thành lập các chi nhánh thu mua tại nhiều tỉnh, thành khác như: Khánh Hòa, Quảng Nam, Vũng Tàu… mới đủ nguyên liệu cung cấp cho đối tác”.

Từ năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành văn bản cấm tất cả hoạt động khai thác các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và các loại ốc trên toàn vùng biển Bình Thuận trong thời gian từ ngày 1/4 - 31/7 hàng năm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đã triển khai 2 dự án bảo vệ, tái tạo nguồn lợi điệp quạt, sò lông ở một số địa phương. Bên cạnh đó, sự ra đời của Luật Thủy sản 2017 cũng phần nào hạn chế tình trạng đánh bắt tận diệt, hủy hoại môi trường của một số ngư dân. Tuy nhiên, để nguồn lợi thủy sản trở lại dồi dào như trước, ngành chức năng cần có những giải pháp cứng rắn hơn. Chị Tuyền chia sẻ thêm: “Tôi từng tham quan ngư trường của Thái Lan. Ở đây, ngư dân sẽ bị cấm đánh bắt trong vòng 3 tháng (từ tháng 6 - 9) nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các loài sinh vật biển sinh trưởng, phục hồi và trưởng thành. Sau thời gian cấm, ngư dân đánh bắt trở lại sẽ thu hoạch được hải sản chất lượng với sản lượng nhiều hơn, thay vì tận diệt như trước đây. Nếu Việt Nam cũng từng bước thực hiện chính sách này, có sự tính toán phù hợp để ngư dân chuyển đổi nghề trong 3 tháng cấm biển. Tôi nghĩ, với chính sách này sau một thời gian, ngư trường Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng sẽ trở lại dồi dào hải sản và ngư dân sẽ từng bước ý thức hơn việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

M.Vân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/hai-san-suy-giam-co-nen-cam-danh-bat-132184.html