Hải sản Tuy Phong: Tỏa đi các huyện lân cận

Mỗi ngày, chị Bé Trinh - 1 nậu vựa thu mua hải sản ở thị trấn Phan Rí Cửa đều đóng hàng gửi cho những mối quen ở hầu hết các chợ từ huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. Chị Trinh cho biết: 'Trước đây tôi chỉ bỏ sỉ hải sản cho các tiểu thương ở TP. Hồ Chí Minh. Nay thành phố áp dụng Chỉ thị 16, vận chuyển hàng rất khó khăn nên tôi chuyển sang bỏ hàng lẻ cho tiểu thương các chợ nhỏ ở Lương Sơn, Sông Lũy (Bắc Bình), rồi chợ Sa Ra, thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc). Xe chạy tuyến Phan Rí - Phan Thiết dọc quốc lộ 1A, các tiểu thương đón lấy hàng rất thuận lợi. Ngoài ra, tôi còn đóng hàng cho những khách lẻ ở các nơi như Đà Lạt, Biên Hòa, Đắk Lắk… Nhờ vậy, nguồn hải sản địa phương mới phần nào được thông thương, chứ không sẽ bị ứ đọng'. Ngoài chị Trinh, còn rất nhiều cá nhân khác ở địa phương cũng làm kênh kết nối tiêu thụ hải sản cho những khách có nhu cầu ở các huyện. Chị Diệu Thái ở thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh) nhờ người thân ở Phan Rí Cửa mua hải sản gửi lên để chị chia sẻ lại cho những người thân xung quanh, khi chợ nơi chị ở nhiều ngày tạm phong tỏa. Dù phí gửi xe hơi cao và phải chuyển xe 2 lần, nhưng chị Thái mỗi ngày vẫn bán gần 100 kg cá các loại. Nếu TP. Hồ Chí Minh chưa áp dụng biện pháp mạnh 'ai ở đâu ở yên đó' để phòng chống dịch Covid-19 thì lượng lớn hải sản nơi đây cũng được nhiều gia đình tiếp tế cho người thân.

Hải sản Tuy Phong

Kết nối các huyện

Tôm, cá vùng biển Tuy Phong đang dồi dào được tải đi tiêu thụ các huyện.

Tôm, cá vùng biển Tuy Phong đang dồi dào được tải đi tiêu thụ các huyện.

Đang vào chính vụ cá nam nên lượng hải sản khá dồi dào, nhất là các loại cá: nục, bạc má, bã trầu, mó, đổng, chỉ… Do ở Phan Thiết, nhiều tàu thuyền hạn chế ra khơi, còn Cảng La Gi cũng tạm ngưng hoạt động nên việc cung cấp nguồn hàng cho các huyện đang áp dụng Chỉ thị 15 như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh khan hiếm. Hiện chỉ có 2 nơi là Tuy Phong và Phú Quý tàu thuyền còn hoạt động nhộn nhịp. Phú Quý thì xa, lại ngoài đảo nên tiểu thương các nơi tranh thủ về Tuy Phong gom hải sản đem đi chợ nhỏ buôn bán, thay vì lấy ở Phan Thiết như trước đây. Anh Sơn - một tiểu thương bán cá ở chợ Sa Ra - Hàm Thuận Bắc cho biết: “Từ lúc Phan Thiết áp dụng Chỉ thị 16, tôi đành phải nghỉ chợ 1 thời gian vì không thể ghé Cảng Phú Hài lấy cá như thường. May có người bạn kết nối với nậu vựa Phan Rí, nên tôi lấy hàng ở đó và bán chợ chiều rất thuận lợi”.

Vẫn khó tiêu thụ

So cách đây 1 tháng, giá hải sản ở các chợ Phan Rí Cửa, Liên Hương… bắt đầu hạ nhiệt do nguồn cung dồi dào. Cá bạc má chỉ còn 50.000 – 60.000 đồng/kg, cá nục gai 30.000 – 50.000 đồng/ kg, bã trầu 50.000 – 70.000 đồng/kg, tôm chỉ còn 120.000 – 150.000 đồng/kg, mực ống 140.000 – 170.000 đồng/kg… Những ngày qua, thời tiết tương đối thuận lợi nên hàng trăm tàu thuyền ở huyện đã tranh thủ vươn khơi. Tuy nhiên, ngoài việc được tiểu thương cũng như các cá nhân ở nhiều huyện thu mua lượng lớn hải sản trong huyện vẫn rơi vào tình trạng bí đầu ra do các tỉnh như Ninh Thuận, Khánh Hòa… cũng đang áp dụng Chỉ thị 16 nên việc vận chuyển hàng khó khăn hơn trước. Các kho lạnh ở địa phương rất tích cực thu mua cho ngư dân, nhưng sẽ đầy trong vài ngày tới. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất cá khô cũng tranh thủ thu mua xẻ phơi vì sản lượng đang nhiều lại có giá rẻ.

Tuy sản lượng dồi dào, nhưng nhiều ngư dân đánh giá mùa cá nam năm nay không thuận lợi do vướng phải dịch Covid-19, giá cả không như mong đợi. Ngư dân nơi đây mong dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, nguồn hàng hóa được lưu thông trở lại, lúc đó hải sản vụ nam không bị khó tiêu thụ.

Minh Vân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/hai-san-tuy-phong-toa-di-cac-huyen-lan-can-140979.html