Hai sáng kiến thiết thực trong công tác đo lường
Đến Trung tâm Đo lường, Viện Công nghệ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) tìm gặp Trung tá Nguyễn Thiên Hoàng, người được các đồng nghiệp gọi bằng cái tên thân mật là 'Hoàng sáng kiến', tôi được nghe anh kể về nhiều sáng kiến mà anh và các đồng nghiệp đã nghiên cứu, áp dụng hiệu quả vào hoạt động đo lường của đơn vị. Trong đó có hai sáng kiến anh Hoàng trực tiếp nghiên cứu, sáng chế.
Đầu tiên là sáng kiến sửa chữa, khắc phục thiết bị hiệu chuẩn nhiệt ẩm Thunder 2500 ST. Theo anh Hoàng giới thiệu, đây là thiết bị được trên đầu tư trang bị cho Trung tâm Đo lường từ tháng 12-2015, dùng để hiệu chuẩn, kiểm định các phương tiện đo nhiệt độ và độ ẩm cho các đơn vị. Thiết bị này có độ chính xác rất cao, giá thành đắt nên trong nước mới chỉ có vài đơn vị được trang bị. Quá trình vận hành sử dụng, thiết bị đã nảy sinh các lỗi về phần cứng khiến máy hoạt động không đúng, đủ chức năng. Việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn do tài liệu hướng dẫn toàn bằng tiếng Anh. Nếu mời chuyên gia từ nước ngoài sang Việt Nam sửa chữa sẽ rất tốn kém. Sau khi nghiên cứu tài liệu kỹ thuật của máy và được sự hỗ trợ của chuyên gia kỹ thuật, anh Hoàng đã quyết tâm tự nghiên cứu, khắc phục sự cố của máy với phương châm vừa làm vừa học hỏi, nghiên cứu thêm tài liệu. Nhờ sự thông minh và tích cực mày mò, anh đã làm cho máy này hoạt động ổn định trở lại, cho ra kết quả chính xác. Hiện nay, máy vẫn được dùng thường xuyên tại Trung tâm Đo lường, góp phần duy trì hoạt động ổn định của thiết bị, giúp tiết kiệm cho Viện Công nghệ hơn 100 triệu đồng.
Sáng kiến khác của anh Hoàng được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá cao ở tính thiết thực, hiệu quả, đó là “Nghiên cứu, chế tạo bộ đồ gá lắp đầu nối áp kế để kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo lường áp suất”. Anh Hoàng cho biết, thiết bị tạo chuẩn áp suất được cấp trên trang bị cho trung tâm năm 2010, dùng để hiệu chuẩn, kiểm định các phương tiện đo áp suất. Quá trình vận hành sử dụng thiết bị xảy ra nhiều bất cập như việc kết nối, gá lắp từ thiết bị chuẩn đến các phương tiện đo áp suất còn thiếu nhiều; ngoài ra, các đầu nối chuẩn đi kèm theo còn thiếu, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Vì vậy, trong quá trình kiểm định, các cán bộ của phòng mất nhiều thời gian để chế tạo bổ sung đầu cút nối. Trước thực trạng đó, anh Hoàng đã ra thị trường tìm hiểu và thấy có rất nhiều hãng trên thế giới chế tạo các đầu cút nối theo tiêu chuẩn, tuy nhiên, giá một bộ khá cao (khoảng 67 triệu đồng). Để tránh lãng phí cho cơ quan, anh đã tranh thủ thời gian tìm tài liệu kỹ thuật, tiến hành đo đạc và thiết kế theo nguyên mẫu các bản vẽ kỹ thuật của từng đầu cút nối, sau đó chế thử nhằm kiểm tra tính năng hoạt động. Kết quả chế thử cho thấy về tính năng kỹ thuật và thẩm mỹ đều đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Khi thử nghiệm, việc kết nối thiết bị chuẩn và áp kế thông qua cút nối trơn tru, dễ dàng, độ kín khít được bảo đảm, độ bền áp suất được duy trì, không thấy hiện tượng rạn nứt, bảo đảm an toàn về cơ khí. Từ thành công này, anh đã tiến hành chế tạo đầy đủ bộ gồm 50 chiếc đúng theo nguyên mẫu. Hiện nay, bộ đồ gá lắp đầu nối áp kế trở thành bộ dụng cụ không thể thiếu trong hoạt động chuyên môn của anh và các đồng nghiệp.
Từ năm 2014 đến nay, Trung tá Nguyễn Thiên Hoàng đã được cấp trên nhiều lần khen thưởng. Trong đó các năm 2015, 2016, 2018, anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cùng nhiều hình thức khen thưởng khác.