Hai sĩ tử đặc biệt ở Hà Nội được phép mang điện thoại vào phòng thi

Cơ thể cần truyền insulin 24/24, hai thí sinh tại Hà Nội được phép mang thiết bị hỗ trợ vào phòng thi lớp 10.

 Thí sinh tại điểm thi trường THPT Thọ Xuân. Ảnh: Ngọc Bích.

Thí sinh tại điểm thi trường THPT Thọ Xuân. Ảnh: Ngọc Bích.

"Con phải lắp thiết bị theo dõi đường huyết trên cơ thể 24/24. Nếu mức đường huyết cao, máy sẽ tự động báo về điện thoại đi kèm. Lúc này, con sẽ thao tác trên điện thoại để thiết bị đặt ở bụng tự động bơm insulin", phụ huynh em Đ.C.D. (học sinh trường THCS Đồng Tháp) chia sẻ với Tri Thức - Znews sáng 7/6.

D. là trường hợp thí sinh "đặc biệt", cần được hỗ trợ trong kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm nay. Nam sinh được các bác sĩ chẩn đoán cơ thể bị thiếu insulin.

Đây là hormone có vai trò điều chỉnh lượng đường trong máu. Những người không có khả năng sản xuất insulin sẽ buộc phải bổ sung từ các nguồn bên ngoài.

Cần thiết bị hỗ trợ đặc biệt

Cùng với D., em N.P.H.L. (học sinh trường THCS Đan Phượng) cũng mắc bệnh này. Sáng nay, hai nam sinh có mặt tại điểm thi trường THPT Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) để làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế.

Mẹ của D. cho biết tháng tháng 11/2023, gia đình suy sụp khi biết con bị tiểu đường tuýp 1, cơ thể thiếu insulin toàn phần. Chỉ trong khoảng 10 ngày, từ 66 kg, D. tụt xuống còn 60 kg.

Từ đó đến nay, trên người D. luôn được gắn hệ thống cấp insulin tự động, gồm 3 thiết bị: Máy đo chỉ số insulin trong máu, gắn ở bắp tay; máy tiêm insulin, có màn hình hiện chỉ số và dây gắn với bụng; điện thoại được kết nối bluetooth với máy tiêm, để người dùng nhấn lệnh tiêm khi cần thiết.

Mức đường huyết trong của D. luôn phải đảm bảo ở mức cho phép. Cao quá hay thấp quá đều rất nguy hiểm, nam sinh có thể ngất, nặng hơn là hôn mê. Nếu không sử dụng thiết bị tự động, em phải tự bơm bằng kim tiêm.

"Ban đầu, tôi cảm tưởng trời đất sụp đổ, tâm lý cả gia đình tụt dốc. Bây giờ, sức khỏe con đã tạm ổn định, có phương án để sống bình thường", mẹ của D. chia sẻ.

Năm nay, D. đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Thọ Xuân. Dù bị bệnh, nam sinh vẫn cố gắng giữ tinh thần, chăm chỉ ôn tập để tham gia kỳ thi. Hàng ngày, em vẫn thường học đến 23h, hy vọng đạt kết quả cao nhất.

Mẹ của D. cho biết thầy cô, nhà trường cũng tạo điều kiện, hỗ trợ gia đình trong việc làm thủ tục thi. Cả D. và L. đều sẽ được mang thiết bị cấp insulin tự động vào phòng thi để đảm bảo sức khỏe.

"Gia đình cũng chỉ động viên, không đặt áp lực cho con. Nếu trượt nguyện vọng 1, con sẽ học tư thục. Hiện tại, tôi chỉ mong con khỏe mạnh, tâm lý vững vàng để hoàn thành kỳ thi", mẹ D. chia sẻ thêm.

Hai thí sinh được bố trí thi tại phòng thi dự phòng, có thiết bị hỗ trợ tuyền insulin 24/24. Ảnh: Ngọc Bích.

Hai thí sinh được bố trí thi tại phòng thi dự phòng, có thiết bị hỗ trợ tuyền insulin 24/24. Ảnh: Ngọc Bích.

Thiết bị truyền insulin sẽ được kiểm tra trước mỗi buổi thi

Ông Trần Nguyên Hạnh, Trưởng điểm thi trường THPT Thọ Xuân, cho biết điểm thi có 16 phòng thi và 384 thí sinh dự thi. Hai thí sinh có vấn đề về sức khỏe là D. và L. được bố trí thi tại phòng thi dự phòng.

Trước đó, hội đồng thi yêu cầu gia đình và học sinh ký cam kết đảm bảo sức khỏe cho các em, đồng thời ký cam kết thiết bị hỗ trợ của các em không gắn các phương tiện thu phát thông tin.

Phòng thi "đặc biệt" sẽ có 2 giám thị coi thi bên trong và 2 giám thị giám sát bên ngoài để hỗ trợ kịp thời nếu có tình huống phát sinh.

"Khi nhận thông tin điểm thi có 2 học sinh này, về phía cá nhân, tôi rất lo. Thứ nhất là lo cho sức khỏe của các em. Sau là vấn đề kỹ thuật, các thiết bị đi kèm học sinh", ông Hạnh cho biết.

Theo trưởng điểm thi, ngày 8/6, hai thí sinh cần đến điểm thi sớm hơn để làm công tác kiểm tra sức khỏe cũng như thiết bị. Nhân viên y tế sẽ kiểm tra hoạt động của bộ máy, bộ phận an ninh sẽ đảm bảo thiết bị không liên quan đến gian lận.

Ban đầu, theo thông tin từ Sở GD&ĐT, thiết bị cấp insulin sẽ do gia đình mang tới phòng thi trước, được kiểm tra và niêm phong. Tới mỗi buổi thi, giám thị sẽ lấy máy ra để thí sinh sử dụng, hết thời gian làm bài lại niêm phong.

Tuy nhiên, ông Hạnh giải thích do gia đình chỉ có một bộ thiết bị gắn trên người học sinh 24/24, không thể yêu cầu gia đình chuẩn bị thêm bộ khác do chi phí lớn (khoảng 50 triệu đồng). Vì vậy, đơn vị đã thay đổi phương án, thiết bị sẽ được hội đồng thi kiểm tra trước mỗi buổi thi và ký vào biên bản kiểm tra.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng (Hà Nội), cho biết bộ thiết bị truyền insulin được gia đình sử dụng mới có trên thị trường. Trước đây, người bệnh thường phải tiêm trực tiếp theo giờ.

Bác sĩ Long lưu ý trước mỗi buổi thi, học sinh cần ăn uống đầy đủ. Việc bỏ ăn, ăn ít sẽ khiến cơ thể có nguy cơ tụt đường huyết. Sáng 7/6, bác sĩ Long cũng có mặt tại điểm thi để hướng dẫn, tập huấn cho nhân viên y tế tại điểm thi nhằm hỗ trợ các em kịp thời.

Ngoài hai nam sinh trên, Hà Nội còn 8 trường hợp thí sinh bị gãy tay, được bố trí người viết bài hộ. Toàn bộ quá trình thi và nội dung đọc, chép được lưu lại bằng máy ghi âm đã được cơ quan an ninh kiểm tra và niêm phong. Nội dung ghi âm được lưu trong 3 năm.

Tại buổi tập huấn công tác tổ chức thi lớp 10 hôm 4/6, ông Nghiêm Văn Bình, Phó trưởng phòng phụ trách Quản lý thi, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết đã có hướng dẫn cách giải quyết với từng trường hợp cụ thể.

"Học sinh muốn thi, thầy cô cần tạo điều kiện hết sức. Các điểm thi cũng không nên quá áp lực, căng thẳng, dễ khiến học sinh bị cảm giác kỳ thị. Tinh thần là thực hiện đúng quy chế, đảm bảo quyền lợi tối đa cho các em", ông Bình nói.

Năm học 2023-2024, Hà Nội dự kiến có 133.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Khoảng 81.200 học sinh sẽ trúng tuyển vào các trường THPT công lập, tỷ lệ khoảng 61%. Số còn lại sẽ trúng tuyển vào các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sáng 8/6, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT tại Hà Nội năm học 2024-2025 chính thức diễn ra. Thí sinh dự thi 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (thí sinh chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn). Bài thi Ngữ văn và Toán có thời gian làm bài 120 phút, thi theo hình thức tự luận. Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, 60 phút làm bài.

Hà Nội đã huy động gần 15.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi. Toàn thành phố có 201 điểm thi với hơn 4.500 phòng thi.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hai-si-tu-dac-biet-o-ha-noi-duoc-phep-mang-dien-thoai-vao-phong-thi-post1479571.html