Hải Tân đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học

Nằm về phía Nam của tỉnh, bên dòng sông Ô Lâu, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng là địa phương có truyền thống hiếu học. Trong thời phong kiến có nhiều người đỗ đạt làm quan trong triều đình mà tiêu biểu là ông Bùi Dục Tài, thôn Câu Nhi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (tức là hoàng giáp hạng đứng đầu học vị tiến sĩ) khoa Nhâm Tuất năm 1502, đời vua Lê Hiến Tôn. Theo các nhà nghiên cứu, ông là người đỗ đại khoa đầu tiên của đất Thuận Hóa (khu vực Trị- Thiên) và cả các tỉnh Đàng Trong. Sau khi đỗ đạt, ông được giữ lại làm quan ở kinh đô Thăng Long. Dưới chính thể cách mạng cũng có các vị bộ trưởng, thứ trưởng như Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn và nhiều người đỗ đạt có học vị cao, làm việc ở các cơ quan nhà nước.

 Học sinh Trường THCS Hải Tân luôn có ý thức học tập tốt. Ảnh: TL

Học sinh Trường THCS Hải Tân luôn có ý thức học tập tốt. Ảnh: TL

Tiếp nối truyền thống của quê hương, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và Hội Khuyến học xã đẩy mạnh cuộc vận động gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học. Theo báo cáo của Hội Khuyến học xã Hải Tân, 4/4 thôn có chi hội khuyến học; 36/36 dòng họ, 17/17 xóm có ban khuyến học; tổng số hội viên tham gia hội khuyến học có 1.147 người. Ngoài ra tổ chức khuyến học cũng được thành lập trong các cơ quan, đoàn thể, trường học. Xã Hải Tân có trung tâm học tập cộng đồng mở được nhiều lớp, đa dạng hóa các loại hình học tập, các nội dung học tập, tập huấn. Trung tâm học tập cộng đồng của xã và các thôn hoạt động thường xuyên, triển khai các chuyên đề gắn với cuộc sống người dân địa phương như kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giáo dục quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới, dạy nghề làm nón lá, thêu ren, đan lát và các khóa học, tập huấn về sức khỏe, dưỡng sinh…Ở Hải Tân khuyến khích, động viên người lớn trong gia đình tham gia một hình thức học, tự học thích hợp, có hiệu quả. Đối với trẻ em trong độ tuổi đều được vận động đến trường, không bỏ học, không dính vào các tệ nạn xã hội. Xã tổ chức “Ngày Hội Khuyến học” nhằm biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các “gia đình hiếu học, “dòng họ hiếu học”, “cộng đồng hiếu học” và các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong việc xây dựng xã hội học tập.

Trong các làng quê hiếu học ở Hải Tân tiêu biểu có làng Câu Nhi, ở đây có chi hội khuyến học hoạt động tích cực, hiệu quả. Riêng về xây dựng quỹ hội, đến nay đã vận động được hơn 250 triệu đồng (bao gồm quỹ của thôn, xóm và các dòng họ), số tiền lớn nhất trong các chi hội của xã. Hằng năm chi hội khuyến học của thôn tổ chức phát thưởng nhiều lần cho học sinh, sinh viên có kết quả học tập tốt, đạt giải cao trong các kì thi hoặc trúng tuyển vào các trường đại học. Qua đó động viên các em nỗ lực vượt khó, vươn lên.

Tình cờ khi đến thôn Câu Nhi, tôi gặp ông Lê Chí Cư, (52 tuổi), dáng gầy, đang đạp chiếc xe cũ trên đường làng. Trước đây ông làm nghề sửa xe đạp, thu nhập thấp nhưng đã cố gắng nuôi 2 người con thi đỗ vào các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, đang học khoa công nghệ thông tin. Cả hai người con của ông thời phổ thông đạt một số giải cao trong các kì thi học sinh giỏi, hoặc giải toán qua mạng cấp tỉnh, cấp quốc gia; là những học sinh có điểm thi vào đại học khá cao 24- 25 điểm, có cháu thi đỗ vào Trường Đại học Y Huế, nhưng sau đó lại lựa chọn học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Lê Chí Cư kể, hằng tháng gia đình phải dành dụm, vay mượn để gửi tiền cho 2 người con đang học đại học khoảng 7 triệu đồng, gia đình có quyển số đỏ cũng đã cầm cố ở ngân hàng để vay tiền. Những năm sau này khi nghề sửa xe đạp ế ẩm, ông được tuyển vào làm kho quỹ của HTX.

Ở thôn Câu Nhi còn có gia đình ông Bùi Công Đồng, chủ yếu làm ruộng nhưng đã nuôi 6 người con thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó một người con hiện là tiến sĩ, 2 người thạc sĩ, con dâu là bác sĩ, đang công tác ở một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Bà Lê Thị Nhạn, chồng mất sớm, tài sản trong nhà hầu như không có gì đáng giá, cũng đã vượt qua bao khó khăn để nuôi 6 người con ăn học, có nghề nghiệp ổn định, trong đó có 5 người là giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục. Ở thôn Văn Quỹ, xã Hải Tân có gia đình ông Nguyễn Văn Vãn, đông con, nghèo khó nhưng cũng đã nuôi 2 người con thi đỗ đại học. Gia đình bà Lê Thị Trưng, thôn Văn Trị, một người mẹ đơn thân có con học Đại học Sư phạm Huế và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường này…

Về dòng họ hiếu học, nổi bật ở xã Hải Tân có dòng họ Nguyễn Khánh (thôn Văn Quỹ); dòng họ Phạm (thôn Văn Trị); dòng họ Bùi (thôn Câu Nhi)… Các dòng họ này có nguồn quỹ khá lớn, hằng năm đều tổ chức phát thưởng cho hàng trăm lượt học sinh có kết quả học tập tốt. Để động viên các em vươn lên trong học tập, một số thôn, xóm, dòng họ tổ chức phát thưởng và các ngày quan trọng như lễ, tết, ngày kị giỗ ông đứng đầu họ, phái. Việc phát thưởng được tổ chức trang trọng để lại dấu ấn khó quên về những tình cảm của quê hương, dòng họ dành cho các em.

Tuy có nhiều cố gắng nhưng hoạt động của Hội Khuyến học xã Hải Tân vẫn còn một số hạn chế trong việc vận động, xây dựng nguồn quỹ hằng năm còn ít. Bên cạnh đó một số người làm công tác khuyến học thiếu năng động, nhiệt tình, chưa kết nối được nhiều với các doanh nghiệp, “mạnh thường quân” nên cũng đã ảnh hưởng đến một số hoạt động của hội. Thấy rõ những hạn chế này để khắc phục, xã Hải Tân tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học; phong trào toàn dân xây dựng xã hội học tập, phát huy nhân tố con người, nâng cao dân trí, phục vụ tốt hơn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước…

PA

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142387