Hài Tết - hết trò!

Nhiều năm nay, hài Tết chủ yếu vẫn quẩn quanh nội dung diễn lại tích xưa cộng thêm màn tung hứng có phần thô tục, tuyển thêm dàn hot girl phô vẻ sexy của cơ thể mà không có chuyển biến đáng kể về nội dung, chất lượng.

Theo dõi thị trường đĩa hài Tết, có thể nhận thấy một điểm chung là đa số các đĩa hài chỉ là sự nối dài câu chuyện của nhiều năm trước. Có đĩa hài đã đến phần 5, phần 6 mà không hề đổi tên, đổi mới.

Vẫn cách khai thác những bối cảnh dân gian với những tình huống dở khóc dở cười như quen thuộc như: Gái ế, nông dân muốn đổi đời, người xấu thích thành hoa hậu... đan xen thêm vài yếu tố "đương đại" như: Hiệu ứng thời công nghệ, thực phẩm bẩn, kinh doanh đa cấp, sống ảo... là màu sắc chung của hài Tết mỗi năm.

Chung quy, gần như hài Tết phía Bắc quanh đi quẩn lại vẫn chỉ những câu chuyện như thế được khai thác một cách triệt để, lặp đi lặp lại mỗi mùa.

Một trong những dự án hài mà khi in đĩa đạt số lượng cao, khán giả lựa chọn nhiều để mở vào dịp Tết là các phim hài Tết của đạo diễn Phạm Đông Hồng. Tuy nhiên, 20 năm qua, gần như chủ đề quen thuộc được đạo diễn khai thác vẫn là phong cách dân gian quen thuộc.

Cảm hứng dân gian luôn được ưu tiên ở hài Tết

Cảm hứng dân gian luôn được ưu tiên ở hài Tết

Như để minh chứng cho sự thay đổi, nhiều đạo diễn đã điểm danh có dàn diễn viên mới góp mặt vào phim hài Tết nhưng xem đi xem lại vẫn chỉ "bình mới rượu cũ". Quả là có người mới, song cách làm vẫn y cũ. Mới ở đây chủ yếu là dàn hot girl "đi đi lại lại" trên phim, thỉnh thoảng phô ra những đường cong nóng bỏng với mục đích gây cười là chính.

Sự không chuyên của những diễn viên phụ cộng với sự nhàm chán của dàn diễn viên cũ ở hài Tết vừa tạo ra sự chênh lệch vừa dẫn tới sự nhàm chán với khán giả theo kiểu chưa xem đã biết hài Tết năm nay có gì.

Chính đạo diễn Phạm Đông Hồng cũng thừa nhận, làm hài Tết thời buổi này rất "đau đầu" đặc biệt là áp lực làm sao kịch bản năm sau hay và mới hơn năm trước. Nếu như phía Bắc các nghệ sĩ vẫn bám trụ với đĩa hài truyền thống thì phía Nam hình thức này được đổi mới thành hài truyền hình, hài đan xen các talk show... Điều này phần nào tạo nên sự khác biệt, mới lạ, tương tác ngẫu hứng.

Nhưng một câu hỏi đặt ra là tại sao hài Tết nhàm mà khán giả vẫn có nhu cầu mở đĩa hài trong dịp Tết? Theo phân tích của nhiều chuyên gia, đặc thù phía Bắc đa phần là nông thôn nên khán giả vẫn chuộng xem hài theo cách truyền thống, màu sắc truyền thống, đến sự thô tục, cách pha trò cũng truyền thống!

Nghệ sĩ Trung Hiếu, Công Lý là gương mặt quen thuộc được các đạo diễn hài Tết mời

Nghệ sĩ Trung Hiếu, Công Lý là gương mặt quen thuộc được các đạo diễn hài Tết mời

Thực tế, vài năm trở lại đây, khán giả cũng bắt đầu chán dần hài Tết. Việc lười đổi mới chỉ là một nguyên nhân bên cạnh cả cảm giác hài Tết "lừa" khán giả vì chen vào quá nhiều quảng cáo, cắt ghép lộ liễu, cẩu thả tên nhà tài trợ, nhãn hàng.

Mùa hài Tết 2018, nhiều nghệ sĩ tham gia kỷ lục đến chục dự án hài, phủ sóng từ phim đến tiểu phẩm, đĩa hài, sân khấu... thử hỏi nghệ sĩ chạy show như thế làm sao có thể diễn hay, sâu sắc?

Không phải ngẫu nhiên mà giữa thị trường hài Tết đủ mọi loại "món", chương trình "Gặp nhau cuối năm" (Táo quân) luôn nhận được sự chờ đón, theo dõi đặc biệt từ khán giả trong suốt 14 năm qua. Dù nội dung, chất lượng mỗi năm một khác, có năm được khán giả khen, năm khán giả chê... nhưng rõ ràng Táo quân đã mang đến một nét riêng biệt, không lẫn lộn, không dễ "nhái".

Một trong những điểm quan trọng góp phần làm nên thành công của chương trình Táo quân đó chính là khâu kịch bản. Kịch bản Táo quân được xây dựng dựa trên sự đóng góp của cả một ê-kíp và không ngừng bổ sung, thay đổi, sửa chữa trong quá trình tập luyện.

Một kịch bản Táo quân hoàn thiện là sản phẩm tinh thần của nhiều người, trong đó chính các nghệ sĩ tham gia diễn xuất cũng có đóng góp nhất định. Điều này, có lẽ chỉ ở Táo quân mới có.

Thông thường, các dự án hài Tết khác, kịch bản chỉ một đầu mối, nghệ sĩ chỉ biết diễn, chưa kể trong dàn diễn viên đông đảo nhiều gương mặt chỉ để cho "đẹp màn hình", không đủ chuyên môn về sân khấu, điện ảnh.

Gây chú nhất về chương trình hài Tết, cụ thể là Táo quân chính là phát ngôn của nghệ sĩ hài Quang Thắng. Anh cho rằng, nhiều nghệ sĩ trẻ bây giờ chỉ chú ý chạy sô thật nhiều trong khi sân khấu hài như Táo quân cần sự tập luyện, hy sinh nhất định mới có được thành quả. Điều đó hoàn toàn chính xác và một số đông nghệ sĩ chạy sô triền miên dịp cận Tết phần lớn dồn vào các dự án hài nhỏ lẻ khác.

T.Nam

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/hai-tet-het-tro-20180104191657605.htm