Hai thái cực gây 'choáng' với nhà đầu tư của cổ phiếu DDG

Ngược dòng thị trường chung phiên 9/8, cổ phiếu DDG của của CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương tăng kịch trần lên mức 10.200 đồng/cp cùng thanh khoản khớp lệnh hơn 7,6 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu DDG tăng trần sau thông tin doanh nghiệp công bố về việc hai lãnh đạo đăng ký mua vào tổng 1,8 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh từ ngày 14/8 đến ngày 11/9 với mục đích đầu tư tài chính cá nhân.

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu để nâng số cổ phiếu nắm giữ lên 2,33 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,9%); bà Trần Kim Sa, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc đăng ký mua 800.000 cổ phiếu, qua đó nâng số cổ phiếu nắm giữ lên hơn 2,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,01%).

Lãnh đạo đăng ký mua vào 1,8 triệu cổ phiếu, DDG tăng kịch trần.

Lãnh đạo đăng ký mua vào 1,8 triệu cổ phiếu, DDG tăng kịch trần.

Theo quan sát, cổ phiếu DDG đang ghi nhận xu hướng tăng tốt. Với mức giá kịch trần trong phiên 9/8, cổ phiếu DDG đã ghi nhận mức tăng 18,6% trong 1 tuần và tăng 70% trong 3 tháng gần nhất.

Ngược thời gian, giai đoạn từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 5, cổ phiếu DDG lại khiến nhà đầu tư “choáng váng” theo chiều hướng thị giá đi xuống. Đáng chú ý, DDG đã có 19 phiên liên tiếp xuống giá mạnh: Từ ngày 7/4 đến 9/5 (thị giá giảm sâu nhất) giảm gần 86%, rơi từ mức 42.200 đồng/cp (phiên 7/4) xuống 6.000 đồng/cp (phiên 9/5).

Trong bối cảnh đó, hàng loạt cá nhân và lãnh đạo doanh nghiệp bán ra cổ phiếu.

Thời điểm tháng 5, bốn lãnh đạo doanh nghiệp gồm bà Trần Kim Sa, Yang Kiều An (con ruột bà Sa), ông Nguyễn Thanh Quang và ông Trần Kim Cương (thành viên HĐQT) đã bị bán tổng số lượng 2,5 triệu cổ phiếu cầm cố.

Trước khi có đà lao dốc này, cổ phiếu DDG gần như không chịu tác động tiêu cực từ thị trường, luôn duy trì được mức ổn định, thậm chí có phiên lên tới 43.200 đồng/cp trong tháng 2/2023.

Nhìn về kết quả kinh doanh, mặc dù nằm trong nhóm HNX30 (nhóm có tính thanh khoản tốt nhất trên sàn HNX), nhưng Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương lại ghi nhận lợi nhuận âm trong 6 tháng đầu năm 2023.

Trong báo cáo tài chính quý II/2023, doanh thu thuần của công ty đạt 191 tỷ đồng, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng cũng giảm khoảng 17% so với 6 tháng đầu năm 2022. Doanh thu nửa năm đạt 350,3 tỷ đồng, bằng 32,4% kế hoạch cả năm.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt mức âm 193,5 tỷ đồng tại quý II, lũy kế 6 tháng lỗ 193,3 tỷ đồng (trước đó, tại quý I/2023, công ty chỉ lãi khoảng 200 triệu đồng). Con số này tạo khoảng cách khá lớn so với cùng kỳ 6 tháng năm 2022 có mức lợi nhuận là 30,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, nợ phải trả tại doanh nghiệp ở mức 1.020 tỷ đồng, trong đó 525,5 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, giảm đáng kế so với con số đầu năm; ngược lại, nợ dài hạn lại tăng, gấp 4 lần so với đầu năm, đạt mức 424,5 tỷ đồng. Nợ từ vay nợ tài chính chiếm 840 tỷ đồng. Hiện, công ty đang ghi nhận dư nợ trái phiếu dài hạn 300 tỷ đồng tại lô trái phiếu mã DDGH212300.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/hai-thai-cuc-gay-apos-choang-apos-voi-nha-dau-tu-cua-co-phieu-ddg-1094501.html