Hai thái cực trí tuệ và quyết định thành, bại

Wanling, người Trung Quốc, bị bại não, được cấp bằng kỹ sư mạng cấp cao. Wang Hao, thần đồng người Trung Quốc thì lại là 'Thiên tài điên rồ nhất'!

Các thể lâm sàng của bại não

Để có căn cứ đánh giá xin thông tin về bại não. Bại não là bệnh tổn thương não không tiến triển, có các thể lâm sàng:

1. Thể liệt cứng (spastic cerebral palsy, khoảng 70 - 80% số bại não): Trẻ luôn ở trạng thái tăng trương lực cơ nên các cơ co cứng, mọi vận động rất khó khăn, khó cầm nắm, bò, đi… Gồm 3 thể bệnh nhỏ: Liệt cứng 2 chi dưới: co cứng 2 chân do các cơ khép đùi luôn co, chân luôn bị khép vào trong nên có dáng đi bắt chéo hai chân rất đặc trưng. Liệt cứng nửa người: Liệt một bên, phải hoặc trái, chi trên thường nặng hơn chi dưới. Liệt cứng tứ chi: Liệt cả 4 chi, cùng các cơ trục thân, các cơ mặt, gây tàn phế rất nặng.

2. Thể múa vờn (dyskinetic cerebral palsy, loạn động, khoảng 6%): Trương lực cơ tăng, giảm thất thường, làm phát sinh các động tác bất thường, nhịp điệu chậm, biên độ rộng như múa, ngoài ý muốn. Trẻ khó có tư thế vận động bình thường; các cơ mặt và lưỡi cũng như vậy làm khó bú, nuốt, nói.

3. Bại não thể thất điều (ataxic cerebral palsy, 5 - 10%): Rối loạn cân bằng tư thế và phối hợp động tác, khó kiểm soát tư thế, dáng đi lảo đảo, vùng thắt lưng "uốn éo"; khó thực hiện các động tác cần phối hợp nhịp nhàng như vỗ tay theo nhịp hay viết.

4. Bại não thể phối hợp: Phối hợp 2 trong các thể bại não trên, nhiều nhất là phối hợp thể co cứng với múa vờn, mức độ tàn tật rất nặng nề. Ngoài rối loạn vận động kể trên, nhiều trẻ bại não còn kèm theo những tàn tật khác như thiểu năng trí tuệ; chậm phát triển ngôn ngữ nói, khó hoặc không hiểu những từ nghe và đọc nên khó khăn khi nói chuyện, không biết cách bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc; rối loạn khả năng học tập; rối loạn hành vi; suy giảm thị, thính giác; lác mắt; sụp mi; khó khăn thực hiện những thao tác cần khéo léo như cài cúc áo, nhặt đồ vật…; chảy nhiều nước dãi…

Đặc biệt khoảng 23 - 52% trẻ bại não bị động kinh các loại. Bao gồm cơn động kinh toàn thể (cơn lớn); cơn vắng ý thức (đột ngột mất ý thức, ngừng hoạt động trong vài giây đến vài chục giây, vẻ đờ đẫn, nhìn vô hồn về một hướng, đánh rơi đồ vật đang cầm hoặc chữ viết bỗng nguệch ngoạc…) hoặc các cơn động kinh cục bộ (cơn nhỏ): cơn rung giật cơ (cơ giật đột ngột, ngoài ý muốn, ở một phần hoặc cả người); cơn co giật cơ (tay, chân co giật liên tục vài giây đến vài phút, không dừng dù người khác giữ lại); cơn co cứng (co cứng đột ngột tay, chân hai bên, thường xuất hiện khi đang ngủ); cơn nhược cơ (mất trương lực cơ: các cơ mềm nhũn, mi mắt sụp…)…

Giống như động kinh do mọi nguyên nhân, các cơn cục bộ có thể mất hoặc không mất ý thức trong cơn, có thể toàn bộ hóa thứ phát. Trẻ bại não có thể có trí thông minh bình thường (thường ở thể liệt cứng nửa người) hoặc suy giảm trí tuệ trầm trọng (thường ở thể co cứng tứ chi và thể phối hợp). Nhưng cho dù trí thông minh bình thường đi nữa, những rối loạn nặng nề nói trên cản trở khủng khiếp cuộc sống của trẻ, đặc biệt là tiếp thu, học tập…

Nguyên nhân gây bại não

Có rất nhiều nguyên nhân gây bại não: Nhiễm trùng thai kỳ như virus Rubella (gây bệnh sởi Đức) và các loại virus khác (Cúm, một số loại virus họ Herpesviridae…), Toxoplasma (trùng cong - một loại ký sinh trùng) trong 3 tháng đầu thai kỳ; nhiễm trùng ối hoặc hệ tiết niệu - sinh dục mẹ. Thiếu oxy não thai do suy chức năng nhau thai; nhau bong non hoặc chảy máu do nhau tiền đạo (rau bám ở lỗ cổ tử cung, gây chảy máu 3 tháng cuối thai kỳ. Thai có bất thường cấu trúc hệ thần kinh.

Mẹ có bệnh tuyến giáp, tiểu đường, tiền sản giật; dùng các loại thuốc chống chỉ định khi mang thai hoặc nhiễm độc (Chì, Thủy ngân, Thạch tín…). Có yếu tố di truyền. Sinh non (trước 37 tuần tuổi thai, đặc biệt trước 32 tuần và nhất là trước 28 tuần nguy cơ bại não rất cao), do nguy cơ rất cao xuất huyết não, phù não, làm tổn thương các tổ chức não mong manh đang phát triển hoặc nhuyễn hóa chất trắng (màu trắng trên tiêu bản kính hiển vi, là các đường dẫn truyền tín hiệu thần kinh) quanh não thất (khoang rỗng trong não chứa dịch não tủy - một cấu trúc giải phẫu bình thường).

Nhẹ cân - nghiên cứu thấy trẻ sinh non nặng dưới 1.500 gam nguy cơ bại não gấp 30 lần trẻ sinh đủ tháng. Ngạt khi chuyển dạ và sinh: Lọt lòng không khóc ngay, toàn thân trắng bệch (ngạt trắng) hoặc tím tái (ngạt tím); phải cấp cứu; chiếm 10% trẻ bại não. Chấn thương sản khoa do giác hút, forceps khi sinh khó. Xuất huyết não sơ sinh và trẻ nhỏ do thiếu vitamin K; các bệnh lý về máu gây rối loạn đông máu. Vàng da nhân do vàng da sinh lý (bình thường khoảng 1 tuần ở trẻ đủ tháng, 2 tuần ở trẻ sinh non) kéo dài: Hồng cầu vỡ nhiều, kéo dài hơn, giải phóng quá nhiều chất Bilirubin vào máu, gan và thận sơ sinh không chuyển hóa, đào thải kịp, Bilirubin vượt qua hàng rào máu - não, lắng đọng ở các nhân xám não gây tổn thương; gặp nhiều ở trẻ sinh non, bất đồng Rh máu mẹ - con. Hạ đường huyết sau sinh làm trẻ hôn mê, suy hô hấp.

Với trẻ 1 - 5 tuổi còn có nguyên nhân viêm màng não mủ, viêm não, chấn thương sọ não, ngạt nước được cứu sống... Những nguyên nhân này để lại tổn thương một hoặc nhiều vùng não. Ở các nước phát triển tỷ lệ bại não 1,8 - 2,3/1.000 trẻ sơ sinh sống, tỷ lệ trai/gái là 1,35/1; ở Việt Nam bại não chiếm 31,7% trẻ tàn tật…

Wanling và chứng chỉ "siêu khó" CCIE

Wanling sinh năm 1994, ở Dương Châu, Trung Quốc, bị bại não do ngạt khi sinh. Anh khó khăn khi diễn đạt bằng lời. Mẹ Wanling nói, từ bé anh không thể tham gia hoạt động thể chất như những đứa trẻ cùng lứa. Năm 10 tuổi, Wanling bắt đầu tự học công nghệ thông tin. Bố mẹ không ủng hộ vì nghĩ anh không thể…, nhưng Wanling quyết tâm theo đuổi đam mê. "Tôi đã vấp ngã nhiều lần theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mỗi lần như thế, tôi đều đứng dậy. Cuối cùng, tôi thi đỗ bằng CCIE của Cisco". CCIE (Cisco Certified Internetwork Expert) là chứng chỉ cao cấp nhất của Cisco (Công ty hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin và kết nối mạng.

CCIE do Leonar Bosack sinh năm 1952 ở Pennsylvania và vợ là Sandy Lerner, sinh năm 1955 ở California sáng lập ngày 10.12.1984, ở San Francisco, California, Mỹ) dành cho các chuyên gia mạng, viễn thông. Thi CCIE có phần lý thuyết 100 câu hỏi, phải hoàn thành trong 2 giờ. Sau thi lý thuyết, có 18 tháng chuẩn bị cho thực hành, thí sinh phải cấu hình, sửa lỗi, nâng cấp hệ thống trong 8 giờ. Hai năm một lần, người được cấp bằng CCIE phải sát hạch lại, nếu không đạt, chứng chỉ bị "treo". Một năm sau, nếu vẫn không đạt chứng chỉ bị thu hồi, sẽ phải thi như mới (nếu muốn). Đến nay, toàn cầu có khoảng 50.000 người được cấp bằng CCIE.

Wanling mở và điều hành công ty công nghệ thông tin ở Dương Châu, cung cấp các giải pháp dịch vụ Internet. Hukan, kỹ sư làm việc ở một tập đoàn công nghệ lớn Trung Quốc nói rằng: "Tôi đã thi CCIE hai lần nhưng đều thất bại, rất khó vượt qua các bài kiểm tra. Không phải vô cớ mà rất nhiều kỹ sư mạng muốn chinh phục CCIE, vì ngoài được công nhận là chuyên gia cao cấp quy mô toàn cầu, thu nhập còn rất cao"…

Anastasia Radzinskaya - nữ Youtuber nhỏ tuổi nhất nhưng kiếm tiền nhiều nhất

Cô bé Anastasia Radzinskaya, sinh ở miền nam nước Nga, hiện sống ở Florida, Mỹ, bại não bẩm sinh, khi chào đời, các bác sĩ sợ rằng bé sẽ không bao giờ nói được… Cha mẹ đã quay video ghi lại quá trình chữa bệnh và phát triển của em, chia sẻ trên Youtube với người thân, bạn bè. Một trong những video đó ghi lại cuộc đi chơi vườn thú của hai cha con Anastasia có đến 900 triệu lượt xem năm 2018. Những video này vô tình làm cộng đồng mạng có cảm tình với Anastasia.

Từ những video gia đình đời thường ban đầu, Anastasia đã trở thành Youtuber (nhân vật Youtube hay người sáng tạo nội dung, đối tác của Youtube - chỉ người upload các video lên trang Youtube nhằm chia sẻ nội dung hoặc kiếm tiền) chuyên nghiệp. Các video của Anastasia có tác dụng giáo dục và trẻ em rất dễ tiếp cận. Trong khi các nhà sáng tạo nội dung nhí khác trên Youtube thường dùng cách viết blog (thể hiện nhìn nhận chủ quan về chủ đề nhất định, viết về những gì thích) và giao tiếp trực tiếp với người theo dõi, thì các video của "Like Nastya" là các clip có tình tiết cụ thể, có cốt truyện ngắn đủ đơn giản để một đứa trẻ 3 tuổi theo dõi và thích thú.

Kênh Youtube của cô bé có hơn 172 triệu người theo dõi và hàng tỷ lượt xem mỗi năm.

Theo tạp chí Forbes (ấn phẩm nổi tiếng nhất của Công ty xuất bản và truyền thông Forbes, Mỹ, ra 2 số/tuần. Forbes và Bloomberg là 2 tạp chí có bảng xếp hạng tỷ phú uy tín nhất Thế giới hiện nay) năm 2019, Anastasia là một trong những người sở hữu kênh Youtube tăng trưởng nhanh nhất Thế giới, đứng thứ 3 trong 10 Youtuber thu nhập cao nhất năm, ước 18 triệu USD.

Dịch COVID-19 khiến nhiều người phải ở nhà và xem Youtube là việc không thể thiếu. Số lượt xem các video trên Youtube tăng lên đồng nghĩa với thu nhập của các Youtuber tăng theo trong năm 2020 và 2021. Các thương hiệu cũng tăng cường hợp tác với các Youtuber để quảng cáo sản phẩm, thay vì chi tiền quảng cáo ở những nơi vốn đông đúc, giờ vắng vẻ vì dịch bệnh.

Năm 2020, Anastasia xếp thứ 7 trong top 10 Youtuber kiếm tiền nhiều nhất, với 18,5 triệu USD. Năm 2021, Forbes công bố 10 Youtuber thu nhập cao nhất từ những video. Nổi bật trong số này là Anastasia Radzinskaya, 7 tuổi, chủ sở hữu kênh Youtube "Like Nastya" tiếng Nga và 11 kênh phụ bằng nhiều ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt, thu được từ Youtube số tiền 28 triệu USD, là nữ Youtuber nhỏ tuổi nhất nhưng kiếm tiền nhiều nhất và là nữ Youtuber duy nhất trong 10 người thu nhập cao nhất năm 2021.

Wang Hao và thăng trầm

Năm 2005, bài báo "Tan tành giấc mơ đại học Thanh Hoa" ("The Crush of Tsinghua Dream") của Wang Hao, đã làm mạng xã hội Trung Quốc tranh luận ồn ào. Bài báo mở đầu rằng: "Khi tôi còn là một đứa trẻ, mẹ đã cho tôi một giấc mơ. Bà chỉ vào một bức ảnh và nói rằng đây là học trò của ông ngoại tôi. Người này được vào đại học Thanh Hoa là niềm tự hào của mọi người trong dòng họ. Mẹ nói rằng khi lớn lên, tôi nhất định phải đến Thanh Hoa, đem vinh quang về cho gia đình".

Wang Hao nổi tiếng học giỏi từ nhỏ

Wang Hao nổi tiếng học giỏi từ nhỏ

Wang Hao sinh năm 1979, ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, từ nhỏ nổi tiếng học giỏi, được gọi là "thần đồng" của trường. Năm 1997, Wang vào đại học Tứ Xuyên, rồi được gửi đến học ở Viện Phần mềm máy tính, đại học Thanh Hoa năm 2001. "Giấc mơ" Thanh Hoa đã thành hiện thực và ai cũng nghĩ anh sẽ trở thành chuyên gia máy tính tài giỏi. Thế nhưng, cuối năm 2005, Wang tuyên bố nghỉ học và đăng bài báo nói trên, nói rằng giáo dục trong nước quá lạc hậu, chỉ biết dạy lý thuyết, không thực tế. Wang là người đầu tiên bỏ học tiến sĩ trong lịch sử đại học Thanh Hoa và rất khó nghĩ rằng ai đó dám bỏ học tiến sĩ ở đại học Thanh Hoa vào thời điểm đó.

Năm 2006, Wang dễ dàng vượt qua kỳ thi, trúng tuyển khoa Khoa học máy tính, đại học Cornell, bang New York, Mỹ - trong top 20 đại học tốt nhất Thế giới; thứ 6 trong các trường có chuyên ngành máy tính tốt nhất nước Mỹ; có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp nhận việc làm cao nhất Thế giới; đã đào tạo hơn 50 người nhận giải Nobel. Thế nhưng, năm 2008, một lần nữa Wang lại đăng bài báo nói về thất vọng của mình với đại học Cornell tựa đề "Cảm xúc Cornell" ("Cornell Feelings") và lại bỏ học. Wang lại học tiến sĩ khoa học máy tính ở đại học Indiana, thành phố Bloomington, bang Indiana. Năm 2012, Wang lại bỏ học, lại viết bài báo "Vĩnh biệt" ("Far Farewell"), tuyên bố không muốn học tiến sĩ nữa vì thấy không có ích. "Tôi sẽ làm một thứ gì đó có ích hơn là chỉ ngồi học". Lúc này cộng đồng mạng gọi Wang là "Thiên tài ngạo mạn nhất Trung Quốc" hay "Thiên tài điên rồ nhất Trung Quốc".

Wang đến Google làm thực tập sinh và xuất bản sách "Wang Hao: Câu chuyện của tôi với Google". Anh ta gọi Google là công ty độc ác, khuyên mọi người tẩy chay. Rời Google, Wang đến Microsoft làm việc. Có người cho rằng có lẽ anh sẽ xây dựng sự nghiệp ở đây. Thế nhưng, 9 tháng sau anh quyết định xin thôi việc, lý do là mức lương không xứng đáng với khả năng. Tuy nhiên, theo hợp đồng Wang phải làm việc 1 năm, nếu nghỉ việc sẽ phải bồi thường. Wang cho rằng mình đã làm nhiều việc hơn so với số tiền đã nhận 9 tháng qua, nên không đồng ý với những điều khoản mà Microsoft đưa ra trong hợp đồng. Sau đàm phán, Microsoft đồng ý trả lương cả năm cho anh, với điều kiện là mọi công ty con, chi nhánh của Microsoft không được nhận anh làm việc. Wang rất tức giận với điều kiện này nên từ chối, nhưng Microsoft cũng rất quyết tâm "chặn" anh trên toàn cầu.

Sau đó, trong bài viết "Cuộc đình công của người đàn ông" ("A Strike of a Man"), Wang nói rằng Microsoft không tôn trọng, không công nhận tài năng của mình, rằng đó là một công ty bạo chúa, sẽ sớm hủy hoại nó. Microsoft nói dù năng lực làm việc của Wang rất tốt, chỉ số thông minh siêu cao nhưng chỉ số thông minh cảm xúc (Emotional Quotient - EQ, dùng để đo trí tưởng tượng, sáng tạo. Người có EQ cao có khả năng nhận biết, đánh giá và điều tiết cảm xúc bản thân) lại tỷ lệ nghịch với chỉ số thông minh, vì thế hai bên không thể cộng tác.

Người bại não rõ ràng quá bất hạnh, nhưng không phải đã mất tất cả, nếu phát hiện, khơi dậy được một khía cạnh trí tuệ nào đó là thế mạnh ở họ, sẽ chiến thắng số phận. Chỉ số thông minh cao nhưng đánh giá, quyết định sai sẽ đưa cuộc đời đến thất bại!

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//hai-thai-cuc-tri-tue-va-quyet-dinh-thanh-bai-179220827100913364.htm