Hai thập kỷ kinh doanh thăng trầm của Thế Giới Di Động

Ngoài yếu tố 'thiên thời, địa lợi' cùng với việc nắm bắt nhanh chóng và khai thác cơ hội, song Thế Giới Di Động cũng gặp không ít khó khăn khi mở rộng nhanh chóng.

Chặng đường 20 năm của Thế Giới Di Động bắt đầu từ tháng 3/2004 với việc thành lập công ty TNHH Thế Giới Di Động, kết hợp mô hình trang web trực tuyến và hệ thống cửa hàng bán lẻ điện thoại di động.

Khởi nguồn từ một cửa hàng nhỏ ở số 89A Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Tp.HCM vào năm 2005, đến năm 2007 công ty đã nhận vốn đầu tư của quỹ Mekong Capital và chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Thế giới di động. Cửa hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu cũng là nơi đặt nền móng thời “khai thiên lập địa” của chuỗi Thế Giới Di Động sau này.

Đến cuối năm 2009, Thế Giới Di Động đã có 38 siêu thị trên cả nước, trong đó có 19 siêu thị tại Tp.HCM, 5 siêu thị tại Hà Nội, 2 siêu thị tại Đà Nẵng và 12 siêu thị tại các tỉnh thành khác. Thời gian này bắt đầu vào giai đoạn mở rộng thần tốc của “đế chế” Thế Giới Di Động.

Tháng 12/2010, Thế Giới Di Động ra mắt chuỗi bán lẻ ngành hàng điện máy với tên gọi ban đầu là dienmay.com. Đến năm 2015, chuỗi dienmay.com được đổi nhận diện thương hiệu và logo mới, ra mắt Điện máy Xanh. Lúc này, chiến dịch quảng cáo ấn tượng với “người xanh” cũng được nhận diện và nhanh chóng phổ biến với người tiêu dùng.

Năm 2014, vào kỷ niệm sinh nhật 10 năm, Thế Giới Di Động đã bước chân lên sàn chứng khoán với mã MWG, lúc này doanh nghiệp cũng chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam về điện thoại di động.

Một năm sau đó, Thế Giới Di Động bắt đầu thử nghiệm với ngành hàng thực phẩm tiêu dùng cùng cửa hàng Bách Hóa Xanh đầu tiên vào tháng 11/2015.

Vào tháng 3/2018, Thế Giới Di Động đã tiến hành mua lại 40% vốn chuỗi dược phẩm Phúc An Khang rồi đổi tên thành Nhà thuốc An Khang.

Sau 2 thập kỷ thành lập, ngoài yếu tố "thiên thời, địa lợi" từ sự phát triển của thị trường cùng với việc nắm bắt nhanh chóng và khai thác cơ hội, song Thế Giới Di Động cũng gặp không ít khó khăn khi áp dụng chiến lược mở rộng nhanh chóng dẫn đến việc đóng nhiều cửa hàng và làm suy giảm tỷ suất sinh lời (ROI).

Từ đỉnh cao tới vực sâu

Chỉ trong 6 năm từ 2010 với mức doanh thu 2.816 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, đến năm 2015 Thế Giới Di Động đã đưa doanh thu tăng gấp 9 lần lên 25.253 tỷ đồng và lợi nhuận tăng gấp 10 lần lên mốc nghìn tỷ.

Những năm sau đó, doanh thu và lợi nhuận của Thế Giới Di Động liên tục tăng trưởng, đặc biệt là năm 2019 doanh nghiệp ghi nhận mức doanh thu trên trăm nghìn tỷ đồng. Cụ thể, năm 2019 Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu 102.174 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.836 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 15% so với năm trước.

Kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động bắt đầu xấu đi từ năm 2022, khi lần đầu tiên doanh nghiệp ngắt mạch tăng trưởng lợi nhuận. Theo đó, năm 2022 công ty ghi nhận 4.100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 16% so với mức đỉnh 4.902 tỷ đồng đạt được ở năm liền trước.

Sự sụt giảm trong 3 tháng cuối năm 2022 đã thổi bay thành quả 9 tháng nỗ lực để kết quả kinh doanh tăng trưởng trước đó. Nguyên nhân do sức mua các mặt hàng điện tử, điện máy giảm mạnh hơn dự kiến. Những bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu đã tác động xấu đến môi trường kinh doanh, thu nhập và xu hướng tiêu dùng của người dân. Xu hướng thắt chặt chi tiêu cũng diễn ra ngay cả với một số nhóm hàng thực phẩm và hàng hóa thiết yếu.

Trong năm 2022, Thế giới Di động cũng đẩy mạnh tái cấu trúc, loại bỏ những bộ phận hoạt động kém hiệu quả để củng cố các mảng kinh doanh cốt lõi, tập trung vào những bộ phận có đóng góp giá trị lớn và có tiềm năng.

Thậm chí năm 2023 tình hình kinh doanh của Thế giới Di động còn tệ hơn khi lợi nhuận sau thuế “bốc hơi” 96% từ 4.102 tỷ đồng năm trước xuống vỏn vẹn 167,8 tỷ đồng. Con số này cách xa 4.200 tỷ đồng mục tiêu lợi nhuận đề ra cả năm và là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2013 đến nay. Doanh thu cũng giảm 11% xuống 118.280 tỷ đồng.

Tại báo cáo thường niên 2023, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG cho rằng, thu nhập và niềm tin của người tiêu dùng kém khả quan khiến kịch bản hồi phục sức mua sau dịch đã không diễn ra như kỳ vọng của công ty.

“Thế giới Di động đã không hoàn thành được kế hoạch đề ra từ đầu năm. Trong khó khăn, chúng tôi vẫn đảm bảo được hàng hóa đầy đủ để phục vụ khách hàng và uy tín trong việc thực hiện các nghĩa vụ thanh toán đúng hạn với nhà cung cấp”, ông Tài khẳng định.

Bước sang quý I/2024, bức tranh tài chính của Thế Giới Di Động có khởi sắc hơn nhờ doanh thu sản phẩm máy lạnh tăng khoảng 50% so với cùng kỳ, khi nắng nóng kỷ lục lan rộng khắp cả ba miền.

Theo đó, quý đầu năm 2024 công ty ghi nhận doanh thu thuần 31.486 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Cấn trừ đi các chi phí, doanh nghiệp thu về gần 903 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cách xa so với con số 21,3 tỷ đồng đạt được cùng kỳ và chính thức ngắt mạch 5 quý liên tiếp tăng trưởng âm.

"Cắt máu" để kiểm soát chi phí

Khi nhận diện được tình hình sức mua trì trệ có xu hướng kéo dài, Chủ tịch Thế giới Di Động Nguyễn Đức Tài đã đưa doanh nghiệp bước vào cuộc tái cấu trúc ở phạm vi toàn hệ thống với những thay đổi quyết liệt theo hướng “giảm lượng - tăng chất”. Rà soát lại và tinh gọn toàn bộ mạng lưới cửa hàng, bộ máy nhân sự, hoạt động vận hành, hoạt động hỗ trợ và quản lý.

Chính vì vậy, Thế Giới Di Động đã quyết định thực hiện thay đổi chiến lược, bước vào giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”, kiểm soát mọi chi phí và cơ cấu nhân sự để bảo vệ dòng tiền.

Tính đến ngày 31/3/2024, số lượng nhân sự của Thế giới Di động là còn hơn 60.560 người, giảm 4.850 người so với thời điểm đầu năm. Tính từ thời gian đỉnh điểm số lượng nhân sự vào ngày 30/9/2022 đến nay, công ty này đã giảm 19.670 nhân viên, tương ứng mất đi 24,5% quy mô nhân sự trong một năm rưỡi.

Trong báo cáo thường niên 2023, Chủ tịch Thế giới Di động khẳng định, hàng chục ngàn nhân viên là tài sản lớn nhất của tập đoàn. Ông cảm kích khi phần lớn đội ngũ này vẫn lựa chọn tiếp tục gắn bó và quyết tâm thay đổi để cùng nhau chiến đấu cho kết quả tốt đẹp hơn trong năm 2024.

“Sau tái cấu trúc, Thế Giới Di Động chú trọng tạo động lực và tăng thưởng xứng đáng cho những nhân sự sẵn sàng cống hiến, tạo ra kết quả dựa trên mục tiêu kinh doanh của từng chuỗi. Tập đoàn cũng tập trung xây dựng và bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo kế thừa để dẫn dắt công ty giữ vững hoạt động kinh doanh cốt lõi”, ông Tài cho hay.

Song song với việc cắt giảm nhân sự, Thế Giới Di Động cũng đẩy mạnh việc thu hẹp hệ thống cửa hàng từ quý IV/2023.

Trong hai tháng 10 và 11/2023, chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và TopZone đóng gần 150 cửa hàng, con số cao nhất từ trước đến nay, để tái cấu trúc toàn diện.

Trong tháng 12/2023, MWG tiếp tục đóng một số cửa hàng kém hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận để ổn định hoạt động. Riêng trong quý IV/2023, MWG đã đóng tổng cộng gần 200 cửa hàng Thế giới di động và Điện Máy Xanh hoạt động không hiệu quả.

Kết thúc quý I/2024, MWG sở hữu 1.071 cửa hàng Thế Giới Di Động (bao gồm TopZone), 2.184 cửa hàng Điện Máy Xanh, 1.696 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 526 nhà thuốc An Khang, 64 cửa hàng AVAKids, 55 cửa hàng Erablue.

Triển vọng nào cho Thế Giới Di Động?

Nhìn nhận về triển vọng ngành bán lẻ, theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), doanh số năm 2024 của ngành bán lẻ sẽ tích cực hơn so với kết quả ảm đạm của năm 2023, dựa trên sự phục hồi kinh tế. Niềm tin của người tiêu dùng và sức mua sẽ phục hồi vào năm 2024, đến từ tác động của cả chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2024 và lực đẩy từ sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Công ty Chứng khoán An Bình cho rằng, kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực so với mức nền thấp cùng kỳ, song vẫn chưa trở về mức đỉnh cũ như giai đoạn 2019 - 2022. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp dự kiến được cải thiện mạnh nhờ tối ưu việc quản trị hàng tồn kho và cuộc chiến giảm giá nhằm cạnh tranh giành thị phần giữa các doanh nghiệp bán lẻ đã kết thúc.

Trong một báo cáo khác của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), ngành hàng ICT với chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sau khi kết thúc cuộc chiến giá đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực. Tăng trưởng doanh thu của cả hai chuỗi đạt 7% so với cùng kỳ năm trước, tăng nhanh hơn so với toàn ngành dù đã đóng bớt cửa hàng. Bách Hóa Xanh tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh thu bất chấp bối cảnh sức mua đi ngang và không mở thêm cửa hàng mới.

KBSV dự phóng năm 2024 MWG có doanh thu thuần đạt 132.866 tỷ đồng, tăng 11,4% và lãi sau thuế 3.679 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hai-thap-ky-kinh-doanh-thang-tram-cua-the-gioi-di-dong-a668256.html