Thụy Sĩ thúc đẩy xây dựng lại hệ thống tài chính sau khủng hoảng ngân hàng

Khi Credit Suisse rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán vào đầu năm ngoái, một nhóm bao gồm lãnh đạo các ngân hàng Thụy Sĩ, các nhà kỹ trị và quan chức khu vực đã tất bật để đặt nền móng cho một loại cơ sở hạ tầng tài chính mới.

Chín tháng sau khi Credit Suisse được UBS giải cứu vào tháng 3/2023, các bang Zurich và Basel đã phát hành trái phiếu mã hóa đầu tiên được thanh toán bằng tiền kỹ thuật số thử nghiệm của Thụy Sĩ.

Hôm thứ Năm (20/6), Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã thông báo rằng sẽ gia hạn chương trình thí điểm chào bán những trái phiếu đó thêm hai năm và mô tả chương trình này là “rất thành công”. Trong khi đó, các trung tâm tài chính lớn khác vẫn chưa phù hợp với hệ thống dựa trên blockchain của Thụy Sĩ.

Các dự án token hóa đang được tiến hành ở hầu hết các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng ở Thụy Sĩ, những nỗ lực này đã mang lại ý nghĩa quan trọng hơn khi các quan chức cố gắng thay đổi nhận thức về ngành ngân hàng đang suy yếu của nước này.

Thương vụ dẫn tới sự hợp nhất giữa hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích rộng rãi rằng chính quyền đã chờ đợi quá lâu để can thiệp. Một số người cho rằng đó là bằng chứng cho thấy hệ thống ngân hàng được phát triển để quản lý tiền một cách kín đáo cho người giàu trên thế giới đã không còn phù hợp để đảm bảo vị trí của Thụy Sĩ trong số các trung tâm tài chính ưu việt.

Paolo Bertolin, phó giám đốc tài chính của Thành phố Lugano, Thụy Sĩ cho biết: “Thụy Sĩ nổi tiếng là một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới, nhưng chúng tôi đã lãng phí thời gian…lĩnh vực tài chính của đất nước đã ngủ quên”.

Tiền đề trung tâm của token hóa tương đối đơn giản, ít nhất là về mặt bề ngoài. Những người ủng hộ token hóa lập luận rằng bằng cách thể hiện một tài sản như cổ phiếu hoặc trái phiếu dưới dạng mã thông báo kỹ thuật số trên blockchain, mọi thứ từ thanh toán đến ghi nhận quyền sở hữu có thể được thực hiện nhanh hơn, ít phức tạp hơn và có khả năng an toàn hơn.

Có hàng trăm dự án token hóa đang được tiến hành trên khắp thế giới, một số dự án được điều hành nội bộ bởi những ngân hàng lớn trên toàn cầu như JPMorgan và những dự án khác được giám sát bởi các ngân hàng trung ương hoặc các cơ quan khu vực công như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Các trường hợp đã sử dụng token hóa bao gồm từ các trụ cột của nền kinh tế thế giới như tài chính thương mại cho đến các ứng dụng phô trương hơn, chẳng hạn như token hóa một cây vĩ cầm hàng thế kỷ. Ngoài Thụy Sĩ, trái phiếu token hóa cũng được niêm yết tại các thị trường bao gồm Mỹ và Luxembourg.

Citigroup cũng dự đoán sẽ có tới 4.000 tỷ USD chứng khoán được token hóa vào năm 2030.

Marni McManus, giám đốc ngân hàng Citigroup tại Thụy Sĩ, Monaco và Liechtenstein cho biết: “Theo thời gian, ngày càng nhiều tài sản sẽ chuyển sang sàn giao dịch kỹ thuật số - ban đầu là tài sản kém thanh khoản và có lẽ với các quy định mới, tài sản truyền thống cũng có thể chuyển sang”.

Thụy Sĩ tiến xa hơn các nước khác trong việc tích hợp các khía cạnh khác nhau của việc phát hành và giao dịch trái phiếu token hóa.

Trái phiếu kỹ thuật số của Ngân hàng Thế giới

Sàn giao dịch kỹ thuật số SIX (SDX) của Thụy Sĩ được thành lập vào năm 2021 để giao dịch trái phiếu và cổ phiếu kỹ thuật số là địa điểm đầu tiên trên thế giới được quản lý đầy đủ.

Vào năm 2023, Thụy Sĩ đã tiến một bước xa hơn và cho phép thanh toán trái phiếu token hóa phát hành trên SDX bằng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, một phần của chương trình thí điểm mà SNB hiện đang mở rộng. Vào ngày 11/6, một lô trái phiếu trị giá 200 triệu franc (224 triệu USD) do Ngân hàng Thế giới (WB) chào bán – trái phiếu kỹ thuật số đầu tiên từ một tổ chức phát hành có trụ sở bên ngoài Thụy Sĩ – đã được thanh toán theo cách này.

“Tôi tin rằng điều quan trọng là chúng ta phải đi đầu trong đổi mới tài chính”, Chủ tịch SNB Thomas Jordan cho biết.

Theo SNB, việc giải quyết và thanh toán các giao dịch tài chính thực hiện bởi tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) – trái ngược với token riêng tư – sẽ loại bỏ rủi ro tín dụng. Tại Mỹ, trái phiếu kỹ thuật số được phát hành cho đến nay đã được thanh toán bằng token kỹ thuật số riêng tư không có các biện pháp bảo vệ giống như tiền tệ được ngân hàng trung ương hậu thuẫn.

Moody’s cho biết: “Việc thiếu tiền kỹ thuật số tương thích với công nghệ sổ cái phân tán thường là một trở ngại đáng kể cho việc phát triển công nghệ này…Thụy Sĩ là nước tiên tiến nhất trong lĩnh vực này”.

Ngay cả khi quá trình token hóa đang tiến triển trong vô số ứng dụng trên khắp thế giới, những người hoài nghi vẫn đặt câu hỏi liệu các hệ thống dựa trên blockchain có mang lại những lợi thế hữu hình so với các hệ thống hiện có hay không. Ngay cả những người ủng hộ cũng nói rằng sẽ phải mất nhiều năm trước khi các tài sản được token hóa có thể đánh bại các tài sản truyền thống một cách rộng rãi.

Cũng không rõ sự khởi đầu thuận lợi của Thụy Sĩ sẽ kéo dài bao lâu. Các sàn giao dịch ở một số quốc gia khác, tuy vẫn còn thua xa hệ thống Thụy Sĩ, nhưng đang chạy đua để bắt kịp.

Trong khi đó, CBDC đã gây ra tranh cãi ở nhiều nơi trên thế giới trong bối cảnh lo ngại chúng sẽ làm xói mòn quyền riêng tư. Tại Mỹ, cựu tổng thống Donald Trump đã nói rằng ông “không bao giờ cho phép” đồng đô la kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành vì nó sẽ thể hiện “sự chuyên chế của chính phủ”.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thuy-si-thuc-day-xay-dung-lai-he-thong-tai-chinh-sau-khung-hoang-ngan-hang-post347987.html