Hai tiếng Việt Nam luôn khắc khoải trong tôi
GS-TS Trần Thị Lý, sinh năm 1975, cựu học sinh của Trường THPT thị xã Quảng Trị, tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế năm 1997, hiện công tác tại Đại học Deakin của Úc. Chị luôn quan tâm đến quê hương Việt Nam, luôn đau đáu với việc xây dựng, kiến thiết những trường đại học Việt Nam theo chuẩn quốc tế bằng những nghiên cứu đóng góp của mình. Chị được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn với GSTS TRẦN THỊ LÝ để hiểu thêm về người con của quê hương Quảng Trị.
- Thưa GS-TS Trần Thị Lý! Chị có thể nói cụ thể về công việc của mình ở Đại học Deakin được không ạ?
- Công việc chính của tôi ở Đại học Deakin là giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham gia vào các hoạt động chung của trường và cộng đồng học thuật, khởi xướng và điều hành các dự án nghiên cứu khoa học, đề xuất các chiến lược áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, công bố các kết quả nghiên cứu qua nhiều kênh khác nhau. Một số nghiên cứu và công bố khoa học mà tôi khởi xướng tập trung vào các chủ đề liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là các nội dung như quốc tế hóa giáo dục đại học; mối tương quan giữa chương trình giáo dục đại học và thị trường lao động, nâng cao năng lực nghề nghiệp của sinh viên mới tốt nghiệp.
Từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2021, tôi điều hành một dự án do Ủy ban hỗ trợ nghiên cứu khoa học Úc tài trợ, trong vai trò là nhà khoa học tiềm năng. Trong dự án này, tôi thu thập và phân tích dữ liệu cho đề tài tìm hiểu tác động của hiện tượng sinh viên Úc đến thực tập và học tập ngắn hạn ở Việt Nam, Nhật và Trung Quốc qua chương trình New Colombo Plan, do chính phủ Úc tài trợ. Việt Nam hiện đang là điểm đến đứng thứ tư của sinh viên Úc cho các khóa thực tập và học tập ngắn hạn trong chương trình Colombo mới. Một trong những trọng tâm của dự án là tìm hiểu và đưa ra những khuyến nghị nhằm xây dựng Việt Nam thành điểm đến được ưa chuộng và bền vững của sinh viên Úc. Theo thống kê của Bộ Ngoại Giao Úc, từ 2014 đến 2018, số lượng sinh viên Úc sang học và thực tập ở Việt Nam, được tài trợ bởi chính phủ Úc theo chương trình New Colombo Plan tăng hơn năm lần, đạt đến 1.539 em vào cuối năm 2018.
- Năm 2001, chị được Chính phủ Úc cấp học bổng đào tạo thạc sĩ tại đại học danh giá Monash và sau đó thì gắn bó với môi trường giáo dục Úc đến tận bây giờ. Chị có thể nói về những điểm khác biệt quan trọng giữa giáo dục đại học Úc với giáo dục đại học Việt Nam không?
- Từ những trải nghiệm của mình, tôi thấy sự khác biệt quan trọng giữa giáo dục đại học Việt Nam và Úc là chương trình học và phương pháp dạy, học. Dù có nhiều đổi mới tích cực trong những năm qua, chương trình của chúng ta vẫn còn ôm đồm về khối lượng và nặng nề về đánh giá thi cử. Tôi lấy ví dụ khi chúng tôi mới sang Úc học thạc sĩ, phần đông là những giáo viên trẻ mới học xong chương trình cử nhân ở Việt Nam được vài năm. Khi học cử nhân ở Việt Nam, chúng tôi đều học gần chục môn học mỗi học kì và trải qua rất nhiều kì thi và kiểm tra. Tuy nhiên sang học thạc sĩ ở Đại học Monash, chúng tôi chỉ học 2 môn mỗi kì. Ban đầu chúng tôi bảo nhau không biết làm gì cho hết thời gian đây nhưng thực tế, dù chỉ học hai môn và mỗi môn có 3 bài tập đánh giá, chúng tôi phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu rất nhiều tài liệu tham khảo, chú ý nghe bài giảng và phát triển khả năng tiếp thu tích hợp, phân tích tri thức toàn cầu từ nhiều nguồn khác nhau, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện để hoàn thành bài tập đạt yêu cầu. Nói tóm lại tinh thần tự học hỏi, tự nghiên cứu và sáng tạo tìm lối đi riêng dựa trên thế mạnh của mình là vô cùng thiết yếu để hoàn thành tốt các môn học tạo ra những sản phẩm riêng biệt, thiết thực và có ý nghĩa qua những bài tập.
- GS-TS là một người châu Á, thành công ở Úc, nhưng không phải là người châu Á nào cũng thành công ở môi trường văn hóa rất khác biệt này. Vậy thì xin hỏi người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng phải làm gì để có thể hòa nhập với môi trường rất khác lạ đó?
-Theo tôi có ba yếu tố để hòa nhập vào một môi trường văn hóa rất khác biệt. Thứ nhất là phải chịu khó tìm hiểu về môi trường mới, bao gồm những cơ hội, những giá trị và những thách thức trong môi trường mới. Thứ hai là phải hiểu được đâu là những giá trị và thế mạnh của bản thân trong bối cảnh môi trường mới. Thứ ba là khả năng linh hoạt trong việc thích nghi, đặc biệt là linh hoạt trong việc phát huy giá trị và thế mạnh của bản thân để hòa nhập nhưng đồng thời cũng tạo ra sự khác biệt của bản thân.
- Bận bịu với công việc giảng dạy, nghiên cứu ở nước ngoài, nhưng chị thường xuyên có những quan sát, nhận định rất sắc sảo về các vấn đề của đại học Việt Nam. Làm thế nào mà một người ở nước ngoài lại có thể quan tâm sâu sát các vấn đề giáo dục diễn ra ở Việt Nam như vậy?
- Tôi không ngừng học hỏi về các vấn đề diễn ra ở Việt Nam qua nhiều kênh khác nhau, từ sách, báo in và online, từ các bản tin và bình luận ở các diễn đàn liên quan đến giáo dục Việt Nam, từ các đồng nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từ chính các nghiên cứu sinh và sinh viên Việt Nam của tôi cũng như những phiên thảo luận ở các hội thảo quốc tế hay trong nước, nơi thường có các báo cáo về Việt Nam. Mỗi khi tôi tiếp xúc với một khung lí thuyết mới hay một cơ sở lí luận mới, tôi đều có thói quen sử dụng nó soi rọi vào các vấn đề của đại học Việt Nam để có những góc nhìn khác nhau.
- Nói rộng ra, một người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, nếu có tấm lòng với quê hương Việt Nam thì vẫn có thể đóng góp cho quê hương từ xa, chứ không nhất thiết cứ phải về nước. GS-TS có lời khuyên gì cho các trí thức người Việt hiện đang sống và làm việc ở nhiều nơi trên thế giới?
- Mỗi trí thức người Việt ở nước ngoài đều có thể đóng góp cho quê hương theo những cách khác nhau. Cơ hội để có thể đóng góp cho quê hương là rất nhiều nhưng điều quan trọng là tìm ra cơ hội nào phù hợp với thế mạnh, điều kiện và mục tiêu của bản thân mỗi người. Thế mạnh đó không nhất thiết phải là điều kiện tài chính mà có thể liên quan đến chuyên môn hay khả năng kết nối của mỗi người để tạo ra sự thay đổi. Tôi cảm thấy rất may mắn vì được làm công việc mình yêu thích, đặc biệt công việc đó càng có ý nghĩa khi liên quan đến Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu khi mới làm việc ở trường đại học Úc, tôi đã chủ động định hướng tập trung vào các đề tài khoa học và ứng dụng khoa học vào thực tiễn liên quan đến Việt Nam để giúp đất nước. Tuy nhiên phải sau một quãng thời gian nỗ lực bền bỉ tôi mới được sự hỗ trợ nhiệt tình và chính thức của khoa, trường ở Úc, đặc biệt sau khi những kết quả nghiên cứu của tôi về Việt Nam có kết quả tích cực và được công nhận.
- Tôi đã biết và rất thích thú với tên gọi của cuốn sách mà GS-TS là một trong tám đồng tác giả: “Giáo dục Đại học Việt Nam: Tính linh hoạt, tính lưu động và tính thực tiễn trong nền kinh tế tri thức toàn cầu”- một tên gọi như thế có vẻ đã bắt đúng, bắt trúng những vấn đề của đại học Việt Nam hiện nay, phải không ạ?
- Quyển sách đó do tôi chủ biên cùng tám đồng tác giả đang công tác tại các trường đại học ở Việt Nam và nước ngoài. Cuốn sách giới thiệu tổng quan về nền giáo dục Việt Nam, các thế mạnh và những điểm yếu của giáo dục Việt Nam. Luận điểm đổi mới giáo dục đại học Việt Nam nêu ra trong cuốn sách dựa trên những thế mạnh, bản sắc Việt Nam, phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triến của đất nước, đồng thời kết hợp với những ý tưởng và phương pháp đổi mới giáo dục mới tiếp thu từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới trên phương diện quản trị giáo dục và tự chủ đại học, chương trình và phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phát huy giá trị của người học... Cách tiếp cận đổi mới giáo dục này được phát triển trong cuốn sách theo 3 chủ đề chính: Linh hoạt, thực tiễn và lưu động. Sự linh hoạt trong việc tiếp thu cái mới và những mô hình giáo dục đã được sử dụng có hiệu quả trên thế giới, sự thay đổi thích ứng với điều kiện thực tế và nhu cầu đặc trưng của bối cảnh Việt Nam là một trong những yếu tố cơ bản trong đổi mới giáo dục đại học.
Trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục Việt Nam, điều quan trọng là cần xây dựng một chính sách quốc gia về quốc tế hóa, các chương trình và khung hành động cụ thể để hỗ trợ việc thực hiện việc quốc tế hóa, một khung quản lí để đảm bảo, kiểm định chất lượng và một môi trường mang tính hỗ trợ cũng như những khuyến khích dành cho các cá nhân, các trường đại học và đầu tư vào việc tạo động lực nội bộ cho hợp tác quốc tế giúp cán bộ giảng viên hiểu được giá trị của việc này.
- Thưa GS-TS, tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố chị là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. Cụ thể, điều này diễn ra như thế nào và nó có một ý nghĩa gì với chị?
- Trong lĩnh vực khoa học, Forbes Việt Nam đánh giá ảnh hưởng dựa trên các phát minh và phát kiến khoa học, các giải thưởng và công nhận quốc tế. Tôi được đánh giá là nhà khoa học nữ Việt Nam có nhiều công bố khoa học quốc tế nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội giai đoạn 2008-2018, theo thống kê của Network of Vietnamese Social Scientists về các tác giả người Việt có công bố quốc tế trong danh mục scopus. Tôi là tác giả và đồng tác giả của hơn 170 công trình nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong nước và báo cáo ở các hội thảo. Các nghiên cứu của tôi liên quan nhiều đến Việt Nam, đặc biệt là mảng quốc tế hóa giáo dục đại học, phát huy tiềm năng của Việt Nam thành điểm đến được ưa chuộng và bền vững cho các khóa học và thực tập ngắn hạn của sinh viên quốc tế, đổi mới giáo dục nhìn từ phương diện quốc tế, mối tương quan giữa chương trình giáo dục đại học và thị trường lao động; nâng cao năng lực tìm được việc làm của sinh viên mới tốt nghiệp. Tôi cũng giành được 30 giải thưởng và học bổng nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế, quốc gia và cấp trường cho các công trình nghiên cứu khoa học. Mặc dù đang sống và làm việc ở nước ngoài nhưng hai tiếng Việt Nam vẫn rất đỗi thân thương và khắc khoải trong tôi. Sự bình chọn của Forbes Việt Nam là một bất ngờ đối với tôi nhưng nó cũng là minh chứng rằng, cho dù không phải đang sinh sống ở Việt Nam thì bạn vẫn có thể góp phần tạo ra sự thay đổi và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, cộng đồng trong nước cũng rất cởi mở hỗ trợ và ghi nhận những đóng góp của bạn.
- Xin cảm ơn GS-TS !
Trần Tú Linh (thực hiện)
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141393